Giáo dục mầm non
   Giáo viên mầm non vật lộn với áp lực
 
"Trước đây tôi vô cùng yêu nghề. Mục tiêu tôi đặt ra là phải trở thành cô giáo mầm non. Nhưng sau 6 năm, điều tôi ao ước lớn nhất bây giờ là được làm nghề khác. Quá nhiều áp lực khiến tôi luôn bị căng thẳng, hay cáu gắt", một cô giáo mầm non tâm sự.

Nhiều giáo viên mầm non ở TP HCM cho biết, thời gian làm việc của họ không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng mỗi ngày. Trường quy định, phải có mặt từ 6h30 để dọn dẹp lớp, nếu ngày nào đến muộn 5 phút sẽ bị trừ lương. Ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án, thậm chí còn phải làm trên máy tính. Rồi hằng tuần phải rửa đồ chơi, mỗi tháng lau nhà, cọ rửa từng khe gạch...

"Đau đầu hơn là vấn đề thanh tra, kiểm tra của trường và của Phòng Giáo dục. Mỗi tháng thanh tra một lần, nội dung thì vô bờ bến, từ nề nếp học sinh, thói quen vệ sinh của trẻ, môi trường lớp, chất lượng học sinh cho đến sổ sách của cô và trẻ. Một lớp có đến 40 bé vừa học vừa chơi, lúc các con ăn thì cô bày bàn, lúc con ngủ thì cô dọn dẹp, thật không biết nói sao cho hết", một giáo viên bày tỏ.

Cô trò mầm non tư thục ở Hà Nội trong giờ tập thể dục. Ảnh: Tiến Dũng.

Hiệu phó một trường mầm non tại TP HCM cho VnExpress.net hay, khó có thể nói hết công việc và trách nhiệm của giáo viên mầm non, nhưng có lẽ điều cô giáo nào cũng phải canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của hàng chục học sinh. Từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các em nóng sốt, biếng ăn, chảy mũi... các cô đều phải theo dõi.

"Các em còn quá ngây thơ để nhận thức được những việc làm của mình tốt hay xấu nên trong mỗi hành động đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Nắm bắt được những thay đổi thất thường về tâm lý và thể chất của từng em để có kế hoạch chăm sóc cũng vô cùng khó khăn", cô Hiệu phó này nói.

Có cùng quan điểm, Hiệu trưởng Mầm non công lập Hoa Lan Nông Thị Túy Vân chia sẻ, sau gần 30 năm gắn bó với nghề, hiện cô hưởng bậc lương 4,98 tương ứng với 3,8 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả 35% trợ cấp ưu đãi. "Đây là mức lương khá lý tưởng với nhiều giáo viên, nhưng mức thu nhập của một hiệu trưởng với thâm niên như vậy thì vẫn còn quá thấp".

Cô Vân cho biết thêm, đối với những giáo viên mới vào nghề, tổng các khoản thu nhập trong một tháng cũng được khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng. Nhiều cô thu nhập không đủ chi tiêu phải nhận làm công tác bán trú để có thêm tiền. "Các khoản học phí của trường đều được Sở quản lý, còn mức thu được ấn định cách đây 10 năm vẫn chưa được thay đổi. Trường phải sử dụng 35% học phí và hơn 50% tiền bán trú để bù lương cho giáo viên, số còn lại đầu tư vào cơ sở vật chất", cô Vân nói.

Theo ghi nhận, so với trường công lập, mức học phí ở các trường tư thục, dân lập cao gấp nhiều lần. Do vậy, lãnh đạo trường dễ chủ động trong các khoản thu chi và trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên tại những trường này cũng tùy thuộc vào địa bàn và đời sống của người dân. Ví dụ, ở những quận ngoài trung tâm thành phố, thu nhập hằng tháng của giáo viên tư thục chỉ 1,5 - 1,6 triệu đồng.

Một giáo viên trường tư thục bày tỏ: "Tôi mong Nhà nước cần quan tâm giúp đỡ ngành mầm non nhiều hơn nữa để đời sống giáo viên đỡ vất vả và chúng tôi yên tâm với nghề. Vất vả, nhiều áp lực khiến tôi cảm thấy buồn và mệt mỏi. Trong khi đó tiền lương chỉ đủ chi tiêu ăn uống, xăng xe chứ chẳng giúp gì được cho gia đình mặc dù vẫn sống độc thân".

Trong giờ ăn ở trường công lập, mỗi cô giáo phải chăm chừng 20-30 cháu. Ảnh: Tiến Dũng.

Trao đổi với VnExpress.net, Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương Nguyễn Văn Lê thừa nhận, với 80.000 đồng mỗi tháng, mức thu của các trường mẫu giáo công lập ở thành phố hiện quá thấp và không đảm bảo chi trả cho giáo viên, trong khi các trường tư thục, dân lập thu học phí cao gấp hàng chục lần.

"Theo quy định, mỗi lớp chỉ có 30-35 cháu nhưng các trường công hiện nay phải nâng số lượng trẻ lên mới mong đủ trang trải. Quy định học phí trong trường công đang rất bất hợp lý, không còn phù hợp và mâu thuẫn với các trường bán công, tư thục. Trường đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GD&ĐT nhưng vẫn chưa thấy thay đổi gì", ông Lê nói.

Cũng theo ông Lê, qua khảo sát của trường, giáo viên mầm non hiện rất thiếu, cụ thể là năm vừa rồi, nhiều trường tư liên tục đến "xin" giáo viên tốt nghiệp CĐ Sư phạm Trung ương. Đáng lưu ý, lượng giáo viên mầm non công lập bỏ dạy đang ở mức đáng báo động. Ví dụ, phía Nam đang thiếu chừng 60.000 giáo viên.

"Sau một năm thử việc, thu nhập của giáo viên trường tư đạt 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng. Còn thu nhập của giáo viên mầm non công thấp hơn nhiều. Thí dụ, ở nông thôn giáo viên mầm non chỉ được hưởng 700.000-800.000 đồng, thậm chí, có nơi chỉ 300.000-400.000 đồng hoặc thấp hơn. Do vậy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm đến trường tư", Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lê lý giải.

Nhận định mầm non là cơ sở ban đầu cho giáo dục phổ thông, thầy Lê khẳng định: "Không có quốc gia nào phát triển được giáo dục mà không đầu tư cho mầm non. Nếu được Nhà nước trả lương cho giáo viên thỏa đáng thì các trường công chắc cũng chẳng muốn thu thêm những khoản "tự nguyện". Thu thêm vừa trái quy định mà phụ huynh cũng băn khoăn".

Theo VnExpress
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

GVMN vật lộn với áp lực
Ngày gửi: 10/23/2008 5:20:52 PM

Khi đọc rất nhiều bài viết về GVMN trên website tôi thấy hình như có phần thiên vị hay sao ấy vì đã là GVMN thì dù có là công lập hay tư thục thì cũng chịu áp lực và chăm sóc, dạy dỗ các cháu như nhau, nhưng khi nói đến thu nhập thì chỉ nói về công lập. Vậy thử hỏi GVMN tư thục lấy gì để sống? và nhà nước có hỗ trợ gì cho GVMN ngoài công lập không?


guest
Cảm thông với GVMN.
Ngày gửi: 10/23/2008 8:02:23 PM


Chia sẻ cùng các cô, mình cũng vậy mình đi làm ở trương tư thục mình lên được 2kg nhưng khi nào gặp kiểm tra của PGD thì các cô và trò đều tất bật vì không có ngành học nào kiểm tra như mầm non từ đón trẻ cho đến tiết dạy cho hoạt động chung hoạt động góc, hoạt động ngoài trời. Tất tần tật nào là sổ sách nào là... nhưng tư thục vẫn nhẹ nhàng hơn các chú cô sở họ biết thông cảm, còn các cô hiệu trưởng trong ban thanh tra thì đủ chuyện chê chổ này, trách chổ kia lung tung nhưng tôi thấy trường tư thục nơi tôi làm họ cũng vì sự nghiệp giáo dục chung cho nước nhà, cùng chung tay xây dựng thế hệ trẻ của đất nước, chứ có phải đem con người ta đi giết đâu nhưng khi họ nói họ càng coi lại mình vì sư phạm, nhiều lúc chuyên viên mầm non như một bà lớn. Tôi và các bạn đều vì sự nghiệp GD chung hãy cố gắng vì yêu nghề nhé.



guest

Thỏ con
Ngày gửi: 10/23/2008 8:11:05 PM

Tôi vừ đọc vừa thấy ngậm ngùi vì tôi cũng là GVMN, sao giống mình thế, ước gì cô giáo MN sẽ là những cô tiên xinh đẹp, hát hay, múa đẹp như những gì tôi tưởng tượng trước khi vào nghề. Thật qúa nhiều áp lực, nhưng dù sao tôi cũng rất yêu nghề, chỉ mong sao mọi người có cái nhìn thông cảm với chúng tôi và có thể làm gì đó để chúng tôi có thể giảm bớt một chút áp lực, có như vậy công việc mới tốt hơn được.


guest
Baby.
Ngày gửi: 10/23/2008 9:57:45 PM


Tôi đã từng là một giáo viên mầm non biên chế, thành tích giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Ước mơ làm GVMN đã được nuôi dưỡng trong tôi từ thuở ấu thơ. Năm 1970, khi đó tôi tròn một tuổi. Mẹ tôi làm giáo viên của cô nhi viện Thiền Chí(số 111 ND.Q1} do hội liên hiệp phụ nữ ( lúc bấy giờ làm chủ quản. Đương nhiên tôi được nuôi dưỡng trong môi trường mầm non và nơi đó đã ươm mầm cho ước mơ làm cô giáo mầm non. Đây cũng là tiền thân của một ngôi trường mầm non lớn nhất thành phố mình hiện tại. Năm lớp 10, khi đang là học sinh trường Lê Quý Đôn, tôi đã nộp đơn thi vào trường THSPMN và đã đậu. Năm 1989 tôi ra trường và được nhận về làm tại ngôi trường mầm non đã ươm mầm ước mơ làm cô giáo. Có gì hạnh phúc bằng mình thực hiện được ước mơ??? Hằng ngày chăm chút và vỗ về các bé (mặc dù chúng tôi rất trẻ ), tôi thêm yêu nghề và yêu bé. Năm 1991, do mẹ tôi được cấp căn nhà, tôi đành chuyển về mầm non một quận, để không bị tịch thu nhà nếu được cấp mà không về ở. Công tác ở mầm non quân đến 1997, do có 2 con nhỏ, công việc ở trường mầm non quá cực, cháu nhỏ vừa tròn bốn tháng tôi phải đi làm...Không được mẹ chăm sóc chu đáo cháu bệnh liên miên... Tôi làm đơn xin được nghỉ phép thêm 3 tháng để chăm sóc con. Khi cầm lá đơn lên PGD quận xin tôi đã nhận được sự "hờ hững" của cán bộ phòng với câu nói: " Đang thiếu giáo viên và không giải quyết...". Mặc dù các cô rất biết rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi....Rất yêu nghề và chung thủy với nghề nhưng đúa con là tài sản vô giá vậy là tôi đành "đánh đổi". Tôi nghỉ việc với tờ đơn "tự ý bỏ việc" và không hưởng chế độ BHXH nào!!!!!
Qua 2 năm nuôi con cứng cáp, năm 2000 tôi trở lại với ngành mầm non o83 trường tư thục. Quá trình phấn đấu và học tâp nâng cao ...đã cho tôi một chổ ngồi trong một ngôi trường mầm non. Ước mơ của tôi vẫn còn đó nhưng không trọn vẹn... Đọc báo chí, nghe tin tức..."vì sao nhân viên nhà nước lại bỏ việc" Đừng hỏi chúng tôi vì sao mà các vị cấp trên nên xem xét lại mình, các vị đã làm đúng lương tâm hay trách nhiệm chưa ? Hay vẫn còn "hóng hách, cựa quyền"???? Ước mơ và hiện tại, hai con đường không song song. Chúng tôi luôn luôn đấu tranh và đánh đổi. Tại sao vậy??????????




guest

Áp lực công việc.
Ngày gửi: 10/23/2008 11:10:58 PM

Khi đọc bài viết về GVMN trên website tôi thấy hình như có mình ở trong đó và điều ước duy nhất của tôi là được đổi nghề. Mặc dù tôi rất yêu trẻ nhưng yêu trẻ là một chuyện còn dạy trẻ là chuyện hoàn toàn khác. Trẻ con bây giờ thường hư hơn chắc là phụ huynh mỗi người chỉ có 1 hoặc 2 con vì thế cưng chiều nên khi cô nói trẻ ít nghe lời hơn.
Công việc của tôi đi ra khỏi nhà lúc 6h15 đến trường và về nhà hơn 16h. Giáo viên mầm non đủ thứ việc nào là kiến tập, hội giảng thanh tra tôi rất sợ phải lên tiết vì tôi hơi nhát nên mỗi lần lên tiết là tôi ăn không ngon ngủ không yên.



guest
Giáo dục là quốc sách cuối cùng.
Ngày gửi: 10/24/2008 7:44:31 PM


Đọc bài trên tôi thấy nhà nước chưa quan tâm với ngành giáo dục và có thể nói là trong khi nghanh giáo ai ai cũng phải nổ lực rất nhiều nhưng thực tế lương của 1 người làm công tác giáo dục mấy chục năm vẩn chỉ bằng phân nữa lương của nhân viên các nghanh nghề khác mới tập sự mà thôi, và thưởng lễ tết thì ôi thôi thấp nhất thiên hạ...cho nên đó là lí do nhà giáo bị coi thường trong mắt mọi người, tội nghiep cho những nhà giáo.



guest

Bất mãn vì cách làm của Hiệu Trưởng.
Ngày gửi: 10/24/2008 7:46:30 PM

Tôi cũng đồng ý với bài viết về GVMN trên webbsite là một GVMN chúng tôi lúc nào cũng phải chịu áp lực từ nhiều phía. Nhưng chúng tôi không sợ khó khăn gian khổ vì công việc, mà chúng tôi chỉ mệt mỏi và bất mãn với cách làm việc của hiệu trưởng mà thôi. Áp lực của công viêc của phụ huynh không được Hiệu trưởng cảm thông, chia sẽ cùng cvới chúng tôi để chúng tôi yên tâm công tác. Trái lại lúc nào cũng sợ bị đánh giá xếp loại A,B,C,D vì nếu bị xếp loại B,C,D , thì tháng đó chúng tôi sẽ bị trừ tiền ( ít nhất 150 nghìn và nhiều nhất là 300 nghìn ) Chúng tôi không dám làm phật lòng "xếp" để mỗi tháng bảo tồn số tiền ít ỏi của mình. Không biết PGD Củ Chi có hiểu tâm trạng của chúng tôi không? Chúng tôi đành câm nín bao nhiêu năm nay vì sợ bị trù dập, vì chén cơm manh áo, ví con cái của mình, chúng tôi không biết số tiền bị trừ của mình và các đồng nghiệp khác bị trừ sẽ đi về đâu? Váo túi của ai? Tôi không biết trường của các bạn mỗi lần họp Hội Đồng nhà trường như thế nào chứ chúng tôi rất sợ phải "bị họp" vì cả ngày ở trường rất mệt, chúng tôi còn phỉa họp từ lúc 4 giờ chiều đến 8 giờ tối mới được ra về. Có lần chồng của một đồng nghiệp trường tôi bức xúc vì họp quá lâu như vậy thì Hiệu trưởng trường tôi nói "lâu lâu mới họp một lần". Mà thật sự trường của chúng tôi thường hay họp như vậy lắm, chưa kể có những cuộc họp đột xuất. Địa điểm trường chúng tôi rất vắng thường xảy ra tình trạng cướp của, giật đồ. Chúng tôi không giám đóng góp ý kiến thẳng với hiệu trưởng vì "Tranh với chàng xấu mặt nàng" không khéo bị rước vạ vào thân thì khổ. Mong các vị cấp trên xem xét lại cách làm việc của Hiệu trưởng trường chúng tôi. Đừng để giáo viên chúng tôi nghỉ việc vì bất mãn chứ không phải vì đồng lương quá ít.


guest
GVMN hay ô sin thời hiện đại
Ngày gửi: 10/25/2008 7:10:39 PM


Đọc những lời tâm sự về nghề GVMN mà tôi vơ cùng chạnh lòng, khi bước vào nghề ai cũng vì lý tưởng cao đẹp là ươm mầm cho tương lai của đất nước, nhưng khi thực tế bước vào nghề thì vô cùng thất vọng, áp lực công việc, bên cạnh đó còn áp lực của phụ huynh và sự không cảm thông từ phía BGH nhà trường, khi có sự việc xảy ra BGH chỉ nghe phản ánh từ phía phụ huynh mà chua biết sự việc cụ thể thế nào đã quy trách nhiệm cho GV. Lương GV thì không đủ trang trải cuộc sống, đặc biệt trường tôi là tự chủ tài chánh một phần, cũng là trường nhà nước nhưng mỗi lần tính toán tiền lương thì phải cân đo, khi chuyên môn cần mua nguyên vật liệu thì phải chờ duyệt của hiệu trưởng, chúng tôi là GV đôi khi phải tự bỏ tiền túi để trang trí lớp, khi nêu ý kiến thì nói phải tận dụng nguyện vật liệu, thử hỏi một lớp toàn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thì có thẫm mỹ hay không? Thời gian của cô làm lúc nào đây? Đã vậy còn có tình trạng: theo hướng mới, nếu sỉ số học sinh từ 40 trở xuống thì chỉ có 2 GV một lớp, không có phục vụ, vậy thì các cô phải làm tất cả các công việc: từ dạy học đến chà nhà vệ sinh cho trẻ, lau cửa hàng ngày... Nói chung là tất cả và tất cả, vậy thì sức khỏe đâu?



guest

Cần nhiều tiếng nói.
Ngày gửi: 10/25/2008 9:04:05 PM

Tôi cũng là một giáo viên mầm non. Đã tám năm nay làm giáo viên mầm non, một ngày làm việc 10 tiếng đồng hồ, áp lực an toàn cho trẻ, áp lực hoàn thành công việc, áp lực học và học để năng cao tay nghề... Thế nhưng chế độ ưu đãi thì quá kinh khủng. Mỗi lần chi ngày lễ tết được vài chục ngàn đồng. Đi làm vậy mà tôi xấu hổ khi bạn bè hỏi đã trữ được bao nhiêu tiền từ khi đi làm vì thực tế tôi chi tiêu dè sẻn cũng không đủ, huống chi là dự trữ. Thời gian đi làm khắt khe nên tôi khó mà đi làm thêm được gì. Nhiều lúc tôi muốn thoát ra khỏi cái nghề đầy trách nhiệm mà thù lao qúa bèo bọt này. Cái công văn thu học phí 73 gì đó mà lúc nào cũng khống chế chúng tôi thu học phí thấp, chi lương thấp như từ cái hồi giá rau 200 đồng một mớ vậy. Đợt này nghe nói tăng lương, đang mừng tưởng trời đã thấu thì hóa ra chỉ được thêm 90 ngàn. Tôi ngầm so sánh chị tôi đang làm ở một doanh nghiệp nước ngoài, ngoài việc được tăng lương, chị tôi còn được tiền trợ cấp trượt giá.Lương chị tôi lúc nào cũng gấp 3 hoặc bốn lần mà chẳng khổ sở như chúng tôi. Nhìn sang mà thèm. Tôi rất muốn cống hiến cho thế hệ tương lai của đất nước một qui trình giáo dục chuẩn tốt đẹp như những gì tôi được đào tạo, song với cái kiểu cuộc sống như thế này với đồng lương như thế này thì tôi chắc cũng chẳng thể làm từ thiện mãi như thế được. Tôi đang học một ngành khác, tôi không muốn phần đời còn lại của tôi chìm trong khổ sở mãi như thế.


guest
Thiên đuờng của tôi ơi !
Ngày gửi: 10/27/2008 10:44:02 PM


Ngày tôi ra trường,gia đình và bản thân tôi đều rất hạnh phúc và trong mong nhìu về tương lai của tôi. Càng hạnh phúc hơn khi tôi được vào làm biên chế tại trường ở quận 5 gần nhà. Sau 1 năm làm việc ở đây tôi cảm thấy vô cùng chán nản và nhìn đời nhìn
nghề bằng một nỗi thất vọng,và bi quan. Các bạn đọc biết không mình rất trẻ, mình mới ra trường mình tràn đầy một màu hồng, mình sống xa bố mẹ từ rất nhỏ, mình luôn khao khát được cho và nhân được tình thương. Mình đã đi theo con đường nghề giáo này, vì mình không có khả năng bon chen, mình không khôn ngoan, nên mình chỉ biết sống thật và rất thẳng. Mình đã làm mất lòng 1 chị ban đồng nghiêp vì mình quá thẳng, mình không có tài ăn nói, nhưng mình rất muốn và sống chân thành, mình sống không nổi ở đây vì họ chia bè kết phái, tôi đã xin thuyên chuyển nhưng không hiểu sao mà qua Phòng Giáo Dục Quận 5 thì bảo là chuyển đi rồi còn Q10 nơi tôi chuyển tới thì bảo là chưa nhận được, tôi lên sở thì thấy hồ sơ mình nằm đó, họ bảo tôi về công tác nơi cũ,q uay về công tác nơi này không khí giờ còn căng thẳng hơn lúc trước, các ban đọc biết không? Mỗi ngày đi làm về tôi đều khóc, tôi tress tôi gặp ai cũng nổi nóng dù nói chưa đầy 3 câu, tôi nhìn đời nhìn nghề này bằng ánh mắt lo âu, sợ hãi, cảm giác như là địa ngục vậy,tôi không còn tâm trí để làm việc, thỉnh thoảng tôi hay nghỉ việc vì cần suy nghĩ, cần cân bằng lại, cái đầu mình nặng nề. Mình thấy tất cả sao mà xa lạ, lạnh lùng quá, mình ko tin....mình ko tin................các ban ơi mình điên mất, thiên đường của mình đâu rồi? Hãy trả lại ....cho mình.........cho mình........mình buồn lắm......nơi đây như là "thâm cung nội chiến vậy" mình thì ngơ ngác, vụng về như con bé con vậy, sao ko tránh khỏi những sai lầm khi mới ra trường, đặc biệt mình không tranh thủ được tình cảm của ai, mình cứ tự bơi tự bơi.....rồi từ cái sai cái làm chưa đúng chưa thạo viêc mình cứ tự phải rút ra cách làm việc, dù mình đã hoàn thành nhiêm vụ và công việc của người giáo viên nhưng tuy nhiên mình vẫn còn chưa được xứng với môt trường Mầm Non đạt chuẩn quốc gia như ở đây "áp lực quá,đó là lời cảa ban giám hiệu ở đây, còn đồng ngiêp thì cứ trực chờ chỉ cần 1 chút sơ xẩy là xem như tôi trở thành đề tài cho cả trường, cô ph làm chung với tôi là một đảng viên đã đang và sắp vào đảng, cô ấy bằng tuổi mẹ tôi thế mà cư xử thật thiếu văn hoá,c ô ấy càng khiến tôi cảm thấy thật không thể nào bước chân vào cái địa ngục này nữa, tôi đã làm đơn kiến nghị nhờ chi bộ đảng, phòng giáo dục xem xét tư cách đạo đức và giúp đỡ cho các bạn sinh viên mới về sau, nhưng sau khi nộp tờ đơn này tôi cảm thấy mình thật ngây thơ quá, đây là chuyện thường ngày ở huyện mà sao mà chi bộ đảng trường ,ban giám hiệu không biết, cô ấy ngoài viêc mỗi ngày đều lấy thật nhiều thức ăn của trẻ (đủ cả nhà 4 người ăn thịnh soạn), đánh học trò bị phụ huynh phản ảnh,truớc đây cũng có 1 giáo viên biên chế như tôi mới ra trường cũng không chịu nổi thái độ xúc phạm của cô ph, đối với tôi, tôi cũng đã ko chịu được khi cô ấy thường xuyên đá bàn ghế, đập bàn, dằn chén thức ăn có hôm còn văng vãi vào mặt tôi, còn những lời nói thì như xé lòng...........tôi có tội gì chứ..........tôi thật stresss lắm và ko thể ko thể tiếp tục sống và làm việc ở đây nữa, cuối cùng thì sao chứ? Tôi đã nghỉ việc. Tôi thât sự rất buồn và ko muốn......nhưng aaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa............ nhưng sau 1 thời gian ngắn ko gặp họ tôi cảm thấy lòng mình thanh thản và tràn đầy tự tin để bước tiếp và chào đón những thử thách khác, tôi thấy mình trưởng thành hơn, tôi thầm cảm ơn họ những người đã đi qua cuộc đời của cô bé bất hạnh này và dạy thay cho bố mẹ tôi cho tôi những bài học kinh nghiệm sống, mà tôi không bao giờ dám quên..............xin cám ơn.




guest

Ô sin thế kỷ 21
Ngày gửi: 10/27/2008 11:46:01 PM

Nhiều khi nhìn các bạn làm trường công mà tôi phát thèm, được đi học miễn phí, được nghỉ thứ 7. Làm đồ dùng đồ chơi cũng được hỗ trợ kinh phí. Được trường thưởng, phòng thưởng, cuối năm được đi du lịch miễn phí. Hè không đi làm vẫn có lương. Tôi làm ở trường tư ở Gò Vấp đã 7 năm trời chưa biết đi du lịch là gì. Mặc dù chủ trường đang đầu tư xây trường mấy tỉ nhưng vẫn không có tiền nâng lương cho giáo viên. Một tuần dự giờ hai tiết giáo viên bỏ tiền tất cả mọi thứ. Đồ dùng, đồ chơi thiếu thốn, cũ kỹ vậy mà phòng giáo dục vẫn thanh tra, kiểm tra thường xuyên như trường công, nghỉ làm thì bị trừ lương. Xin đi học nâng cao tay nghề thì làm đủ thứ cam đoan cam kết. Khổ nhất là các cô lớp lá, nhìn các cô mà tôi cầu trời khấn phật đừng bao giờ bị cho nên khối Lá. Áp lưc của phụ huynh thì muốn con mình biết viết thành thạo mà điều này Phòng Giáo dục đâu cho phép mà trẻ cũng đâu thích học. Các bạn trường công có thấy trường tư có sung sướng gì hơn các bạn không? Các bạn còn được phụ cấp này nọ còn chúng tôi lương không quá 2 triệu làm một ngày 12 tiếng, một tuần 6 buổi. Nhà nước còn quan tâm đến các bạn còn chúng tôi có ai thèm ngó tới đâu? Nhưng tôi tự an ủi rằng sẽ chuyển nghề khác cho đỡ đau đầu mệt mỏi.


guest
TÔI SỢ THANH TRA
Ngày gửi: 10/28/2008 10:45:06 AM


Mỗi năm trường tôi lại nơm nớp lo sợ :"không biết năm nay tới lượt trường mình bị thanh tra toàn diện hay không" Tiếng là thanh tra để góp ý xây dựng,nhưng thực tế không phải vậy. Tất nhiên nếu không thanh tra, kiểm tra thì mình làm sai đâu ai biết mà sửa. Nhưng với trường tôi ( chắc chắn các trường khác cũng thế)áp lực khủng khiếp. Từ khi biết lịch thanh tra đến, ngày nào cũng ở lại trường đến 7-8 giờ mới về -mặc dù hàng ngày mình làm rất tốt, hồ sơ sổ sách, đồ dùng dạy học đầy dủ ....nhưng không hiểu sao vẫn thấy không an tâm. Mình lo 1 BGH lo 10, các cô cũng ở lại đến khuya : kiểm tra lại sổ sách,kiểm tra tất tần tật từ ngoài cổng, nhà bếp, sân trường cho đến nhà vệ sinh ...cũng như mình hằng ngày BGH cũng đã phải làm những công việc đó nhưng cứ đến thanh tra là cũng thấy áp lực...Đâu phải 1 năm 1 lần, hết đoàn kiểm tra y tế học đường, vệ sinh ATTP, thanh tra chuyên đề, thanh tra toàn diện, chưa kể những lần "đi ngang qua ghé vào chơi" của Phòng GD cũng là kiểm tra. Tôi mong muốn PGD giảm bớt áp lực cho chúng tôi có thể kiểm tra theo từng mảng riêng cũng được, đừng thanh tra 1 lúc từ sáng tới trưa : từ giờ đón trẻ cho đến lúc trẻ ngủ. Mỗi ngày chúng tôi bị BGH "quần" thấy sợ rồi : cái gì BGH đã kiểm tra rồi thì PGD nên giảm tải bớt giùm chúng tôi.Đó là về chuyên môn, công tác 2 đoàn thể cũng bắt buộc phải "tham gia phong trào" rồi đủ thứ tiền phải đóng, lương 1 tháng không bao nhiêu hết mà phải đóng hết các quỹ đó nữa, nào là : hội khuyến học,Hội cựu giáo chức, Hội chữ thập đỏ,Nhà tình thương, Quỹ công đoàn, chi đoàn,Tứ thân phụ mẫu, Quỹ tương trợ, Lũ lụt...chưa tính nếu ở trường có GV nào nằm viện ( sinh nở, đau ốm) hay gia đình có hữu sự...Ôi thôi quá đủ để chúng tôi phải ngán ngẫm nghề.Nhất là mầm non.



guest

Ô sin cao cấp.
Ngày gửi: 10/28/2008 6:26:34 PM

Tôi cũng là 1 GVMN dạy ở huyện ngoại thành, sáng 6g phải ra khỏi nhà nhưng ra khỏi trường sớm nhất là 5g chiều, cũng như những giáo viên khác tôi không dám đụng đến sếp, sợ đụng đến sếp sẽ bị cắt thi đua, sẽ được uống nước trà tại phòng hiệu trưởng, có khi thấy mặt hiệu trưởng buồn cũng không dám gặp mặt vì sợ bị vịn. Mỗi lần có đoàn kiểm tra của phòng giáo dục là tất cả giáo viên phải ở lại đến 7- 8 giờ tối để làm vệ sinh vậy mà hôm sau chỉ cần nghe phòng giáo dục góp ý một câu là hiệu trưởng nói như tát nước vào mặt, mà PGD đến trường liên tục, đến thì moi móc là nhiều. GV thì phải chịu áp lực từ phụ huynh, từ hiệu trưởng, từ phòng giáo dục đến nỗi có một vài GV phải nằm bệnh viện vì làm việc quá sức vậy mà hiệu truởng vẫn không động viên dù là một câu, đụng một tí là đòi trả GV về phòng làm cho càng ngày ở trường không có dân chủ là gì nữa. GV không ai dám ý kiến trong cuộc họp nữa vì sợ bị hiệu trưởng trù dập và vì trời quá tối. PGD thì chỉ nghe hiệu trưởng vì vậy làm cho GV muốn nghỉ làm luôn nhưng vì cuộc sống phải lo chiều hiệu trưởng.


guest
Osin cao cấp, kiêm kế toán
Ngày gửi: 10/30/2008 8:07:15 PM


Tôi hiên là GVMN đang dạy ở một trường ở Q5, chúng tôi cũng bị nhiều áp lực công việc nào là chăm sóc cháu, dạy cháu suốt từ sáng 6g30 đến 16g30 thế mà bây giờ tôi phải kiêm thêm việc làm sổ tiền ăn cuối tháng đó. Hình như hiệu trưởng không thấy được công việc cực khổ của giáo viên mà còn phân thêm việc cho các cô thật bất mãn quá



guest

Mầm Non ơi!
Ngày gửi: 11/5/2008 8:31:25 PM

Tôi cũng là một giáo viên mầm non. Đã đi dạy được 4 năm. Tôi không chê gì nghề mầm non vất vả nhưng điều tôi lo sợ nhất đó là áp lực từ mọi phía, không có thời gian để lo cho gia đình. Đồng thời với mức lương bèo bọt mà những người giáo viên hợp đồng chúng tôi nhận được hàng tháng không đủ để mua sữa cho con trong khi thời gian chúng toi cũng bỏ ra như nhau. "Giáo viên hợp đồng" sao mà tôi ghét 4 chữ này thế.


guest
Lương
Ngày gửi: 11/5/2008 8:35:09 PM


là một người giáo viên mầm non tôi mong ngành giáo dục mầm non hãy quan tâm hơn đến giáo viên hợp đồng.



guest

Tin Nóng đây: Ban Giám Hiệu biến giáo viên thành OSIN cao cấp.
Ngày gửi: 11/5/2008 9:26:23 PM

Aì OSIN cao cấp thực sự, các bạn đừng vội trách mình làm trường công hay trường tư mà có thành kiến đó.Bản thân tôi là giáo viên của một trường thực hành của Trường CĐSP TW đứng đầu cả nước đã từng hợp tác với các đoàn sinh viên trong nước cũng như nước ngoài,các đoàn quốc tế . . . mà cũng có khác gì các bạn đâu. Nhưng điều đáng nói không phải những đứa trẻ vô tội hay các bậc phụ huynh khó tính biến chúng tôi thành OSIN cao cấp ( vì phụ huynh trường tôi toàn là con người có trình độ có hiểu biết và hoc cao hiểu rộng nên cũng rất tôn trọng các cô ) mà chính Ban Giám Hiệu của trường biến chúng tôi thành OSIN cao cấp. Các Bạn có tin được không bà hiệu Trưởng và Bà Hiệu Phó truờng tôi, đặc biêt là bà Hiệu Phó thừa lệnh bà hiệu trưởng và rất hoan hỉ khi quát tháo các cô là giáo viên trong trường trước mặt phụ huynh và học sinh của trường. Trông bà ấy như một con cọp giữ béo ị. Bà ấy có thể quát tháo chúng tôi bất cứ nơi đâu và lúc nào bà ấy muốn. Nhưng mách nhỏ với các bạn nhé. Trước mặt thầy Hiệu trường của trường và cô trưởng phòng tổ chức cũng như những giảng viên khác thì các bà ấy tỏ ra rất tử tế và tốt bụng với chúng tôi lúc ấy trông các bà ấy như đức mẹ Maria ấy. Ôi thật là khủng khiếp, các bà ấy quả thực diễn còn tài hơn diễn viên trường sân khấu điện ảnh. Nhưng chúng tôi rất sợ các bà ấy bởi BGH trường tôi cũng kinh tởm như một số BGH trường các bạn thôi họ trù dập cho thì không ngóc đầu lên được và nhân đây tôi cũng phải nói một điều trong tất cả các nghành nghề không có nghành nghề nào trù dập dễ như nghành mầm non ( nói nhỏ nhé bà hiệu phó trừong tôi thù cái là biết ngay bà ấy sẽ "sộc" vào trong lớp gây sự lức thời điểm chúng tôi bận rộn nhất để bắt lỗi: nào là cháu đi dép thiếu một chân, nào là cái ghế để chưa đúng quy định, nào là ra sân chơi sớm 5 phút, nào là lớp này có mùi gì khó chịu vệ sinh chưa kỹ , nào là giáo án ngày hôm nay của mày đâu, nào là làm việc không để tâm làm việc không có tâm. . . thú thật bà ấy nói người khác cũng phải hỏi lại chính bản thân mình rằng bà ấy đẫ là người có lương tâm và đạo đức hay chưa?) bà ấy mà không moi ra đựoc một cái lỗi trừ tiền thì bà ấy cũng phải "dìm' cho cuối tháng B hoặc C để trừ lương mới thôi. mà chúng tôi B, C bị trừ không ít như các bạn đâu nếu là C trừ 500 đến 600 ngàn, còn là B trừ 300 đến 400 ngàn. Thế đấy nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải đối mặt với quỷ giữ. Tệ nữa là chúng tôi trước mặt quan khách thăm trường cũng như trước mặt BGH của trường CĐSP TW chúng tôi toàn phải nói sai sự thật, toàn phải nói tốt cho các bà ấy, chúng tôi rất cắn rứt lương tâm nhưng không còn con đường nào khác, thôi thì nhắm mắt đưa chân vậy mong hãy thông cảm cho chúng tôi chứ thật sự các bà ấy không sứng đáng để chúng tôi mất một giọt nước bọt nói lời tử tế.chúng tôi làm việc áp lực lắm lương chúng tôi cao hơn các bạn chỉ 200 đến 300 ngàn thôi nhưng tiền đem biếu các bà ấy cũng quá tội, không thì sẽ bị ghét bị trù đấy. Không tin bạn cứ thử vào trường tôi làm một thời gian là biết ngay. Chúng tôi cũng muốn thay đổi lắm chứ nhưng chồng con rồi còn đâu nhan sắc để ra trường ngoài thôi thì hàng ngày cùng nhau cầu nguyện để BGH trường CĐSPTW thay đổi ngừoi quản lí trường mầm non của chúng tôi chứ cứ như thế này chúng tôi có chết làm ma cũng không tha thứ cho những con người lòng lang dạ thú đó đâu . Chúng tôi vẫn nói với nhau "ác giả ác báo, thiện giả thiện báo" thôi lỡ theo nghề rồi không may có một người tai quái càm quyền thì cũng phải chịu thôi.rồi họ cũng về hưu. chúng tôi vẫn nói vui với nhau như vậy chứ biết đến bao giờ? . . .


guest
Rất mong nghành giáo dục quan tâm sát sườn đến giáo viên mầm non.
Ngày gửi: 11/5/2008 9:36:22 PM


Tôi rất mong ngành giáo dục quan tâm đến cách cư sử với đồng nghiệp của ban giám hiệu các nghành mầm non. Họ nghĩ " một tay có thể che kín bầu trời" sao?. Hãy cứu lấy các cô giáo mầm non trước những con người quản lí không có lương tâm và tình người để chúng tôi còn cảm thấy thoải mái yên tâm gắn bó với nghề nghiệp với đàn cháu thân yêu. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!



guest

Đừng than trách chi cho mệt!!!!!!!!!
Ngày gửi: 11/6/2008 8:19:56 PM

Các anh chị ơi, các bạn đồng nghiệp ơi!!! xin đừng than trách chi nữa cho mêt...........có ai dám làm từ thiện giúp mình để làm mất lòng nhiều người mà không được gì, lợi lộc gì cho họ, mà họ cũng bận lắm không rảnh đâu....có bất mãn quá thì nghỉ việc đi nhé!!!! giống mình nè, buồn thật nhưng hãy làm chủ cuộc đời mình đi, đừng chờ mong đến họ...


Hong_Thu
Tôi cũng là Giáo Viên Mầmn non
Ngày gửi: 11/9/2008 4:54:27 PM


Mãi cho đến hôm nay, tôi – cũng là 1 giáo viên MN mới có cơ hội được đọc, và hiểu được suy nghĩ của các bậc phụ huynh về nghề nghiệp của chúng tôi và thực trạng của bậc học Mầm non hiện nay.
Tôi thật sự rất xúc động trước phần lớn sự cảm thông của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi cũng rất băn khoăn bởi 1 số suy nghĩ khác của các bậc cha mẹ….
Bản thân tôi – 1 giáo viên trẻ mới chỉ có 5 năm trong nghề, nhưng tôi thấy thấm thía những vất vả của nghề giáo viên MN này.
Trước tiên, tôi mong các bậc phụ huynh và tất cả mọi người trong xã hội hãy nhìn những giáo viên Mầm non như chúng tôi bằng thực chất công việc. Công việc của chúng tôi không phải là : “ Chỉ đón các con vào lớp, cho hát múa, đọc thơ vài bài, 1 buổi 2 bữa ăn ( ăn trưa, ăn quà chiều), rồi chơi đồ chơi, xem hoạt hình là hết ngày.”
Không phải vậy! Khác với các bậc học khác ( 1 buổi học , học theo các tiết học, có nghỉ giữa giờ…trường nào học 2 buổi thì có bán trú…), bậc học Mầm non là tổ chức các hoạt động trong ngày liên tiếp từ sáng đến chiều bao gồm cả chăm sóc giáo dục trẻ:
- Thể dục sáng
- Hoạt động chung hay Hoạt động có chủ đích ( giờ học )
- Hoạt động ngoài trời ( HĐ có mục đích quan sát, trò chuyện về sự vật hiện tuợng – chơi trò chơi vận động tập thể - chơi đồ chơi trong sân trường)
- Hoạt động góc : trẻ được vào góc chơi, nhận góc chơi của mình theo ý thích. Ở góc chơi trẻ được chơi đóng vai như người lớn ( làm bác sĩ, kỹ sư xây dựng, họa sĩ, nấu bếp, làm các bài tập phát triển tư duy, chơi vi tính có phần mềm thông minh…)
- Ăn trưa ( GV phải thật chú ý đến với những con học sinh ăn chậm, lười ăn. Làm thế nào để các con ăn hết khẩu phần ăn của mình..)
- Ngủ trưa ( chú ý nhưng con học sinh nào khó ngủ, hay đi vệ sinh..)
- Chiều ngủ dậy : Vệ sinh cá nhân , ăn quà chiều, làm quen với bài mới hôm sau hoặc ôn lại bài hôm đó đã học.
Đó là những hoạt động đối với trẻ mà 1 ngày ở trường MN chúng tôi phải tổ chức.
Bên cạnh đó, là sổ sách soạn bài, sổ sách theo dõi tình hình của lớp, của cá nhân trẻ… Những loại sổ sách này hầu như toàn tranh thủ lúc trưa hoặc mang về nhà. Đặc biệt là sổ soạn bài, chúng tôi phải soạn cụ thể ghi rõ từng ngày, học gì, tiến hành dạy học như thế nào( gọi chung là giáo án), tổ chức hoạt động ngoài trời? hoạt động chiều không trùng lặp.. Chắc hẳn có phụ huynh sẽ hỏi giáo án các cô soạn từ năm trước chỉ việc bỏ ra sử dụng. Không, bởi giáo án của giáo viên mầm non phải cụ thể từng ngày rõ ràng.
Còn về tiết học, môn học: Ở trường tiểu học có các môn học như toán, văn, vẽ, âm nhạc, tự nhiên xã hội ( tìm hiểu các hiện tượng sự vật xung quanh…)
Thì ở trường Mầm non cũng có các môn học tương tự nhưng ở mức độ “làm quen”.
Môn học :
- Toán :
*Ở trường MN :là môn học Làm quen với biểu tượng sơ đẳng về toán(- Trẻ được học đếm trong phạm vi 10, thêm ( + ), bớt ( - ) trong phạm vi 10.
- Trẻ học được cách nhận xét, so sánh chiều cao, chiều dài, độ lớn để hình thành các biểu tượng sơ đẳng về toán ( ngắn hơn - dài hơn, ngắn nhất -dài
nhất, to hơn - nhỏ hơn, cao hơn - thấp hơn, ít hơn - nhiều hơn …)
*Ở trường tiểu học là môn toán(- Học các phép tính ( cộng, trừ)
So sánh các số lớn hơn nhỏ hơn…
- Học các nhận xét, so sánh, đo …( ít hơn – nhiều hơn …) nhưng ở mức độ cao hơn…)
Môn Văn:
* Ở trường MN : là Làm quen với văn học ( - Trẻ cũng được làm quen với các bài thơ, câu truyện …để trẻ có cảm nhận về văn học và bước đầu rèn trẻ cách ghi nhớ, suy nghĩ trả lời câu hỏi dựa trên bài thơ, tình tiết câu truyện đã học.)
* Ở trường tiểu học : là tiếng việt - tập viết - ngữ pháp
- Môn vẽ:
* Ở trường MN là Tạo hình ( - Trẻ cũng được làm quen với các bài thơ, câu truyện …để trẻ có cảm nhận về văn học và bước đầu rèn trẻ cách ghi nhớ, suy nghĩ trả lời câu hỏi dựa trên bài thơ, tình tiết câu truyện đã học.)
*Ở trường tiểu học : Mỹ thuật
- Trẻ được vẽ theo mẫu, cắt, gấp, xé dán, vẽ tranh theo đề tài… ở mức độ cao hơn
- Môi trường học tập:
* Ở trường MN : ( - Lớp học, được trang trí thay đổi thường xuyên theo chủ đề, chủ điểm.
- Cô giáo chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học của cô và của trẻ. ( Tùy vào hình thức dẫn dắt vào bài mà mỗi cô giáo ở mỗi lớp, mỗi trường có sự chuẩn bị khác nhau. Chỉ có phương pháp để tiến hành dạy là giống nhau)  Đây cũng là 1 trong những tiêu chí để đánh giá giáo viên dạy giỏi.
- Trẻ được luyện tập các kỹ năng kiến thức dưới dạng trò chơi .
* Ở trường tiểu học : - Lớp học có bàn ghế.
- Học sinh mang đầy đủ sách vở soạn sẵn từ ở nhà.
- Cô giáo dẫn dắt và vào thẳng bài dạy theo môn học, tiết học.
- Khi luyện tập, cô giáo giao bài tập cho trẻ.
……………………………………………………………………………….
Ở trên là ví dụ cơ bản về các môn học ở trường mầm non. Thử hỏi, nếu từ nhỏ trẻ không được “ làm quen” với những kỹ năng, kiến thức sơ đẳng đó thì liệu trẻ có “tự tin” khi bước vào trường tiểu học?
( Có 1 số từ ngữ không đúng chuyên nghành, mong bàn đọc thông cảm)

Tất cả, những điều tôi viết, tuy hơi dài dòng nhưng là những công việc mà giáo viên mầm non nào cũng phải thực hiện.
Tôi chỉ mong các bậc phụ huynh hiểu và có cái nhìn khác về giáo viên mầm non.
Về bản thân tôi, tôi vào nghề giáo viên mầm non, đơn giản là vì tôi rất quý trẻ con. Có thể tôi là con một nên về mặt nào đó rất thích chơi với trẻ con.
Khi còn là sinh viên, tôi cũng tranh thủ đi làm thêm. Tôi làm nhân viên tiếp thị ở siêu thị, 1 ngày làm việc 6h/40.000đồng ( cách đây 7 năm), trừ những hôm phải học buổi chiều, tôi thu nhập được khoảng 900.000đồng/tháng.
Khi đi thực tập tại trường mầm non, tôi đã nhận thức được sự vất vả của giáo viên mầm non. Ở tuổi tôi lúc đó ( 21 tuổi) tôi hoàn toàn có thể cố gắng theo học 1 ngành nghề khác. Nhưng tôi vẫn chọn nghề GV Mầm non.
- Năm đầu tiên đi làm ( năm 2004) tôi được ký hợp đồng cấp Quận ( từ tháng 9 đến tháng 12 và từ Tháng 1 năm sau đó đến tháng 5 và 3 tháng hè 6,7,8 không được lương ) với mức lương hơn400.000đồng ( hệ số lương 1,86 x 250.000đ và trừ đi 15% bảo hiểm)
- Năm thứ 2 tôi được hơn 500.000đ ( vẫn không được lương 3 tháng hè vì là hợp đồng ngắn hạn)
- Năm thứ 3 tôi được hơn 600.000đ ( vẫn không được lương 3 tháng hè vì là hợp đồng ngắn hạn)
- Năm thứ 4 khi chưa thi công chức tôi được khoảng 800.000đ và khi thi công chức rồi lương tôi hiện ngay là hơn 1.000.000đ
Với quãng thời gian như vậy, tiền lương như vậy, cuộc sống cơ chế thị trường như vậy, giá cả như vậy, thiết nghĩ, nếu không có lòng yêu nghề liệu tôi có thể tiếp tục…
Bản thân tôi, với mức lương như vậy, từ năm thứ 4, buổi tối, khi đi làm về, tôi còn làm thêm ( làm thu ngân ) đến hơn 22h30 mới về đến nhà. Và chỉ với mức thu nhập thêm là 800.000đ.
Tổng thu nhập của tôi gần 2.000.000 / tháng ( nhưng với thời gian làm việc từ 7h sáng đến tận tối mịt ) quả thật tôi thấy vất vả quá.
Trong khi đó, khi so sánh với lương thử việc của các nghành nghề khác, cũng như vậy thậm chí còn hơn, nhưng thời gian làm việc trong giờ hành chính. Tôi thấy nản quả.
Tất cả nhưng suy nghĩ của tôi gửi đến các bậc phụ huynh chỉ mong được sự cảm thông trước thực trạng chung của giáo viên mầm non.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn .




guest

Hãy cố gắng vươn lên bạn nhé
Ngày gửi: 11/9/2008 8:18:38 PM

Các bạn ơi, mình cũng là một giáo viên mầm non, mình thấy cái nghề này tuy vất vả thật đấy nhưng lại rất vui. Bạn có thấy thế không? Hãy cố gắng giữ lấy nghề, lấy niềm ước mơ của mình, chẳng phải nhà nước đang dần quan tâm đến ngành GD nhất là mầm non đó sao..........


guest
Gửi các cá nhân có liên quan
Ngày gửi: 11/18/2008 3:43:30 PM


Tôi tính là không nói ra đây đâu ,cứ nghĩ là mình có nên nói ra không ,bây giờ đọc được những dòng tâm sự này ,nên tôi mới mạnh dạn nói ra những bức xúc mà bấy lâu nay không thể tâm sự cùng ai .Nếu ai có ý kiến gì thì các bạn cứ đưa ra để cùng chia sẻ nhé.
Tôi là một CBQL ở một trường MN. Thật ra chỉ là một người QL tầm thường như bao CBQL của mọi trường MN khác,nếu nói về công việc hàng ngày thì GVMN chúng ta ai cũng biết rồi nhưng điều đáng nói ở đây là một chuyện hết sức tế nhị...thôi cứ nói ra để chúng mình thấy như thế nào nhé: Trong một năm học chúng ta có rất nhiều các ngày lễ, ngày tết, ngày nọ , ngày kia....cứ nhắc đến những ngày đó tôi sợ lắm các bạn .Bạn hỏi sợ điều gì ư?Đó là mình phải chuẩn bị tiền để mua quà biếu đấy , các bạn biết biếu ai không?...Biếu ở đây là biếu những người có liên quan đến mình như cấp trên...để có như thế thì họ mới không hành mình trong công việc các bạn .Các bạn biết không những lúc đó là mình phải lo tiền , mà tiền đối với bậc học MN chùng mình thì các bạn thấy rối đấy, những lúc đó thì là giáo viên cho sưỡng hơn ấy chứ... các bạn thấy như thế nào? tế nhị đấy nhé/




guest

Gửi các giáo viên Mầm Non.
Ngày gửi: 12/3/2008 4:48:08 PM

Tuy mới là sinh viên năm 2 của bậc THMN nhưng khi bước chân vào nghề nhà giáo hẳn ai cũng mang một tâm trạng mình phải làm gì để đóng góp và việc giáo dục các trẻ nhưng làm sao để em có thể vượt qua được tâm lý là mình cũng cố gắng học không thua ai nhưng với kinh nghiệm của các cô thì em phải làm gì đây những môn cơ bản để làm một giáo viên tương lai đây mấy cô giúp con với một khi em nhận ra mình không hề có năng khiếu gì thì làm sao là giáo viên phải không cô? Nhưng em không muốn từ bỏ việc học bây giờ.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Quá tải tại các Trường mầm non ở Hà Nội: Thiếu quỹ đất xây trường (23/10)
 Trường tư thục “hút” hết cô giáo trường công lập (22/10)
 Hà Nội: Nhiều trường mầm non quá tải gấp 2 - 3 lần (21/10)
 Ngày 20/10 viết về “Người Mẹ thứ hai”. (21/10)
 Họp giao ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT (20/10)
 Tâm sự cô giáo Mầm Non. (19/10)
 Hành vi và thái độ của Giáo viên mầm non (17/10)
 Phụ huynh lấy lòng cô bảo mẫu bằng tiền "bồi dưỡng" (16/10)
 Nỗi buồn cô giáo mầm non... (20/10)
 Nỗi niềm mầm non “VIP” (15/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i