Khi con phạm lỗi, thay vì chỉ trích, đánh mắng, cha mẹ thông thái sẽ giúp con nhận ra sai lầm, "sai vẫn yêu" để con học được bài học và trưởng thành sau mỗi sai lầm.
Ứng xử thế nào khi con phạm lỗi?
Chị Ngọc Hà (Bắc Ninh) đang ngồi xem TV thì con gái lớn chạy từ phòng học ra, tay cầm cuốn sổ yêu thích đã bị xé rách, mếu máo tố cáo: "Mẹ ơi, em xé cuốn sổ của con". Chị Hà liền gọi con gái thứ hai ra hỏi chuyện. Ban đầu, cô bé cãi nhưng sau đó im lặng, như ngầm thừa nhận chính mình là "thủ phạm".
Không quát tháo, mắng mỏ, chị đưa con gái thứ hai về phòng riêng và hỏi: "Có điều gì làm con tức giận mà con lại xé sổ của chị thế? Bình thường mẹ biết con ngoan lắm, sẽ không bao giờ làm điều đấy, vì con biết cuốn sổ đó chị rất thích". Cô bé đáp rằng, hôm trước hai chị em chơi đồ chơi và xảy ra tranh cãi. Trong lúc bực bội, cô bé đã vào phòng học, xé cuốn sổ yêu thích của chị.
"Thế con nghĩ mình làm như vậy có đúng không?", chị Hà hỏi. Cô bé cúi đầu, lí nhí đáp: "Không đúng ạ".
Sau khi giúp con nhận ra lỗi sai, chị Hà hỏi con cách giải quyết thì cô bé bảo sẽ tiết kiệm tiền để mua cho chị cuốn sổ khác, hoặc lần sau đến lượt mình được mua đồ chơi thì sẽ không mua nữa mà nhường cho chị. Đồng thời, cô bé cũng đồng ý với mẹ là làm sai thì cần sửa sai và vào phòng chị để xin lỗi.
Cách ứng xử của cha mẹ đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhận ra lỗi sai và sửa sai. Ảnh minh họa.
Đồng tình với các xử lý của chị Hà, Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, chị Hà đã hành xử rất thông minh khi con phạm lỗi. Trong tình huống trên, nhiều bậc cha mẹ thường sẽ giải quyết qua loa, trách mắng cô em "Sao con lại xé sổ của chị?" hoặc nói với cô chị "Em trót xé rồi thì thôi", khiến cả hai đứa trẻ đều cảm thấy ấm ức. Còn cách xử lý của chị Hà đã giúp con gái thứ hai nhận ra lỗi sai, tìm cách sửa sai, con gái lớn thì giải tỏa ấm ức khi nhận được lời xin lỗi.
Sai lầm là cách để trẻ trưởng thành
Theo cô Lanh, trên hành trình trưởng thành, đứa trẻ nào cũng sẽ có lúc phạm lỗi, mắc phải sai lầm. Thậm chí, có những hành vi sai trái mà bản thân trẻ cũng không nhận ra. Vì thế, cha mẹ không nên bao che, xử lý qua loa hoặc chỉ trích, đánh mắng mà cần phân tích cho trẻ hiểu cái sai của mình, rút kinh nghiệm để thay đổi tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều này bởi bản thân nhiều cha mẹ cũng lớn lên trong sự phán xét và có niềm tin sai lệch rằng sai là xấu, sai là thất bại. "Ngày còn bé, cha mẹ cũng từng phạm lỗi, bị phụ huynh hoặc thầy cô mắng mỏ, đánh đòn. Cha mẹ lớn lên với niềm tin giới hạn đó, mắc kẹt với những sai lầm đó nên rất sợ sai, sợ bị mắng. Cha mẹ sợ sai nên không cho phép con sai, rất bực bội khó chịu khi con phạm lỗi. Bởi vậy, bản thân cha mẹ cũng cần tốt nghiệp hành vi này để không sợ sai nữa, để bình an trước những sai lầm của con", cô Lanh nói.
Nữ chuyên gia tâm lý cho biết, sai lầm không xấu, chẳng có gì sai khi phạm sai lầm vì sai lầm là cách để trưởng thành, là đòn bẩy để phát triển. Muốn trở thành những người cha người mẹ thông thái, phụ huynh nên ghi nhớ nguyên tắc "sai vẫn yêu". Không một đứa trẻ nào muốn mắc sai lầm, các con cũng muốn thoát khỏi nó nhưng bị mắc kẹt. Nếu cha mẹ không yêu con lúc con phạm lỗi, không chấp nhận những điểm yếu kém, thiết sót của con thì con không thể trưởng thành được và sẽ lớn lên trong lo lắng, tự ti, hình thành niềm tin giới hạn.
Do đó, cha mẹ phải thật bình an khi đối diện những sai lầm của con. Thay vì trách cứ, đánh mắng, hãy nói với con rằng: "Sai vẫn ổn thôi con", "Làm lại thôi con"... Đồng thời, phân tích để trẻ nhận ra lỗi sai của mình, rút kinh nghiệm để lần sau không lặp lại những sai lầm tương tự.
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên dùng hành vi để khái quát lên con người của con. Những hành vi xấu không phải là con người đích thực của trẻ. Khi con phạm lỗi hoặc cách cư xử chưa đúng, điều cha mẹ cần phê bình là hành vi của con chứ không phải con người của con. Chỉ có như vậy, cha mẹ mới không dán cho con những cái mác như ngu, đần, hư, láo... ám ảnh trẻ trên suốt hành trình trưởng thành sau này.
"Trẻ học được cái đúng từ cái sai. Một đứa trẻ được cha mẹ nhẹ nhàng chỉ bảo khi phạm lỗi sẽ ít lặp lại sai lầm tương tự. Còn những đứa trẻ bị ép lớn lên trong sự hoàn hảo thường sẽ sợ sai, sợ thất bại, dễ mắc sai lầm. Vì vậy, cha mẹ hãy cho con được phép sai để học những bài học giá trị, tự tin trưởng thành, tỏa sáng trong cuộc đời", cô Lanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý, GS.TS Vũ Gia Hiền, "thương cho roi cho vọt..." ngày nay không còn tác dụng. Một khi phụ huynh dùng lời lẽ quá nặng, la mắng quá mức, hay dùng đòn roi lúc trẻ vừa mắc lỗi, sẽ tạo cho con tâm lý tự ti, sợ hãi và bị tổn thương. Chọn thời điểm trao đổi, tâm sự, uốn nắn con cũng rất quan trọng. Đó là cách thức mà phụ huynh phải thấu hiểu để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Phụ huynh phải chú ý kết hợp với nhà trường, quan sát mối quan hệ bạn bè của con. Quan tâm đến việc con trẻ giao lưu ngoài xã hội, con có thể bị ảnh hưởng từ những sai trái ở môi trường bên ngoài. Đặc biệt là quan tâm đến việc giao tiếp trên các trang mạng xã hội, các con có thể bắt chước những hành động tiêu cực trên môi trường mạng, rồi làm theo những việc làm sai trái đó. Phụ huynh phải cẩn thận quan sát và luôn gần gũi con để uốn nắn kịp thời. Không nên để đến lúc trẻ mắc sai lầm quá mức thì đã muộn, việc uốn nắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Hành động ứng xử thực tế thường ngày của phụ huynh sẽ là tấm gương phản chiếu của các con qua thời gian. Một khi con trẻ nhìn thấy hành vi của cha, mẹ chưa tốt trong cuộc sống, các con sẽ học và làm theo. Phụ huynh phải có sự bao dung, lòng vị tha, bền bỉ dạy dỗ, khéo léo, nhẹ nhàng giải thích; phải luôn đồng hành với con, chú ý việc giáo dục nhiều hơn và không nên nhắc lại lỗi lầm cũ. Đó là cách thức phụ huynh giúp con có thêm nghị lực vượt qua lỗi lầm, từng bước trưởng thành và tiến bộ hơn trong cuộc sống.
Theo Afamily.vn
Theo Vtv.vn