Khoảng 10 năm trước, do thiếu giáo viên trầm trọng, tỉnh Nghệ An đã xin kinh phí từ Trung ương để tuyển giáo viên hợp đồng, nhằm đảm bảo số lượng cũng như đủ điều kiện được công nhận phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Cuối năm 2022, tỉnh có quyết định tuyển dụng gần 3.000 giáo viên vào biên chế, tuy nhiên vẫn còn gần 1.000 người chưa được biên chế.
Tính đến đầu tháng 7/2023 toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn gần 1.000 giáo viên mầm non chưa được tuyển dụng vào biên chế.
Chủ trương đúng
Năm 2013, tỉnh Nghệ An có tổng cộng hơn 2.500 hợp đồng lao động giáo viên mầm non đã được ngân sách Trung ương cấp kinh phí ổn định, giáo viên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP (Nghị định 06) và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV (Thông tư 09), với kinh phí bình quân 160 tỷ đồng/năm.
Trong những năm qua, khi có chỉ tiêu, UBND các huyện đã ưu tiên tuyển dụng trước đối với số giáo viên hợp đồng này vào viên chức. Đến hết năm 2021, tỉnh Nghệ An chỉ còn 1.777 giáo viên hợp đồng lao động theo Nghị định 06 và Thông tư 09. Tuy nhiên, theo quy định, kể từ đầu năm 2022, họ không được tiếp tục hưởng lương từ ngân sách Trung ương. Chính vì thế, trong năm 2022, tại một số địa phương, các giáo viên này bị nợ lương trong suốt nhiều tháng liền…
Trước tình hình đó, ngày 25/10/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3298 bổ sung 2.820 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023 kèm theo phân bổ chi tiết cho 21 huyện, thành thị, cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Sau khi thống nhất ý kiến với Sở Nội vụ, Sở GDĐT có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo.
Theo văn bản này, các địa phương cần thực hiện tuyển dụng đối với giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06 và Thông tư số 09 đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã. Trong quá trình tuyển dụng, nếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, quá trình công tác được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, căn cứ vào chỉ tiêu được UBND tỉnh giao, UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức tuyển dụng hết số giáo viên nêu trên, thời gian hoàn thành trước ngày 30/1/2023.
Ngành Nội vụ nhận trách nhiệm
Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc tuyển dụng các giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 trước ngày 30/1/2023. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 12 địa phương cấp huyện của tỉnh Nghệ An tiến hành chậm khiến gần 1.000 giáo viên tiếp tục ngóng chờ. Trong số này, huyện Yên Thành là địa phương có số lượng đông nhất, với 238 người, tiếp đó là huyện Quỳnh Lưu 169 người, huyện Hưng Nguyên 50 người… Nói về vấn đề này, đại diện Phòng Nội vụ một số huyện cho biết, hiện đang xây dựng kế hoạch để ra thông báo tuyển dụng.
Trong khi đó, tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An vừa diễn ra, trước ý kiến, thắc mắc của cử tri về việc chậm trễ trong việc tổ chức tuyển dụng, biên chế giáo viên các cấp khi đã được giao chỉ tiêu, Sở Nội vụ Nghệ An nhận trách nhiệm và nêu rõ nguyên nhân.
Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 72, ngày 16/7/2022 của Trung ương về việc giao biên chế viên chức, giao số lượng người làm việc cho tất cả các tỉnh, thành trên địa bàn toàn quốc. Riêng Nghệ An được Trung ương giao bố trí 2.820 người, (Nghệ An chiếm 1/10 toàn quốc). Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Sở GDĐT đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện và hoàn thành trước 1/1/2023. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 5 huyện hoàn thành.
Khi được hỏi, việc chậm trễ trong thực hiện tuyển dụng, trách nhiệm thuộc về ai? Ông Hưng cho rằng: Sở Nội vụ với trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về việc thực hiện tổ chức bộ máy biên chế, trước hết Sở Nội vụ nhận trách nhiệm trong việc đôn đốc, chỉ đạo. Liên quan việc này Sở Nội vụ cũng thường xuyên đôn đốc, có các công văn định kỳ đề nghị các ngành, huyện, thị có nội dung vấn đề gì còn vướng mắc trong quá trình thực hiện thì trao đổi về Sở, thế nhưng Sở cũng chưa nhận được nội dung nào.
“Việc xây dựng kế hoạch ở cơ sở còn có nhiều huyện rất chậm. Sau khi 2 Sở có hướng dẫn cụ thể, một số huyện phải tới hơn 3 tháng sau mới xây dựng kế hoạch. Sau đó mới trình Ban chỉ đạo thống nhất biên chế của huyện thêm 1 tháng nữa thì mới gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh để ra quyết định. Như vậy sự chậm trễ là do các đơn vị cơ sở triển khai chậm mới dẫn tới sự chậm trễ trong nội dung này” - ông Hưng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, trong 2.820 biên chế, có 2.164 biên chế các trường mầm non, 498 biên chế cấp Tiểu học, 142 biên chế Trung học cơ sở, 16 giáo viên THPT. Trong 2.164 giáo viên mầm non, có 1.337 giáo viên thuộc diện Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV, đến nay có 9 huyện đã tuyển xong số lượng này với khoảng 650 người.
|
Nguồn http://daidoanket.vn/vi-sao-gan-1000-giao-vien-mam-non-cham-bien-che-5722544.html