Nếu không hài hoà được giữa dạy và nuôi ở bậc mầm non thì chất lượng phát triển của trẻ thì khó mà đạt được chất lượng dân số vàng.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của nhiều trường mầm non tại Quảng Trị trong việc triển khai việc chi trả lương, bảo hiểm cho lao động vị trí nấu ăn, phóng viên có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) về vấn đề này.
Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng: “Trước tiên có thể thấy Nghị quyết số 35/2018/NĐ-HĐND (gọi tắt là Nghị quyết 35) của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đang bám theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Về mặt pháp lý thực hiện hoàn toàn đúng theo những quy định pháp luật hiện hành, tuy nhiên, vấn đề đáng bàn hiện nay là với một số quy định tại Nghị quyết 35 khi triển khai trong thực tế có một số bất cập. Cụ thể, khi ngân sách địa phương còn khó khăn thì mức chi trả chưa đáp ứng được đời sống của người lao động.
Rất khó để người lao động ổn định cuộc sống khi 1 năm chỉ làm việc 9 tháng, 3 tháng còn lại lại phải tự tìm kiếm việc làm.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) - Ảnh: Quochoi.vn
Với một địa phương nguồn ngân sách còn lệ thuộc Trung ương như Quảng Trị thì việc chi trả cho đối tượng lao động này thực sự khó khăn.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 35, các địa phương được phép xã hội hóa, tuy nhiên, việc xã hội hóa chỉ áp dụng được ở khu vực thành thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.
Còn vùng sâu, vùng xa như nơi tôi ứng cử thì người dân đang còn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và ở các xã đặc biệt khó khăn, thì lấy đâu ra việc xã hội hóa.
Chính vì thế, tôi thiết nghĩ các bộ ngành cần rà soát các thông tư, nghị định, hướng dẫn để có quy định hỗ trợ chế độ cho cô nuôi mầm non, mà đặc biệt là cô nuôi vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn.
Đây là những nơi không thể xã hội hóa, do vậy cần phải có chính sách để hài hòa giữa dạy và nuôi".
Ngoài ra, theo Đại biểu Hồ Thị Minh: "Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội bởi lẽ, nếu muốn tạo điều kiện cho người lao động kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm để không tạo gánh nặng xã hội thì phải sửa đổi Luật cho phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho đối tượng là người lao động thời vụ có nhu cầu đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian không có hợp đồng lao động để đảm tính liên tục.
Nếu không làm tốt điều này thì rất khó để giữ chân các cô nuôi có tâm, có tay nghề, có kinh nghiệm trong từng bữa dinh dưỡng cho trẻ.
Và cứ thay đổi cô nuôi theo mỗi năm học như vậy rất khó cho người quản lý trong việc đảm bảo cả dạy và nuôi như hiện nay”.
Nêu ý kiến về việc thông tư 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/1/2017 (gọi tắt là Thông tư 01) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chương trình giáo dục mầm non nhưng thực tế áp dụng còn có một số điểm chưa được thực hiện tốt, Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng:
“Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ là một trong những mục tiêu căn bản của giáo dục mầm non. Chế độ dinh dưỡng tốt, trẻ phát triển khỏe mạnh hài hòa cân đối, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ và góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mĩ và giáo dục lao động cho trẻ.
Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay từ độ tuổi mầm non còn tạo ra sự liên thông ở các lứa tuổi tiếp theo.
Đó là cơ sở, tiền đề để xây dựng nên những con người có đầy đủ sức khỏe, trí tuệ và năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Trong Thông tư 01 cũng đã nêu đầy đủ yêu cầu để phát triển trẻ mầm non. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, dường như chỉ mới coi trọng ví trí dạy mà chưa coi vị trí “nuôi”. Trong khi, ngành mầm non cần phải hài hoà giữa nuôi và dạy.
Thông tư đã ban hành nhưng hướng dẫn chưa đầy đủ, thực tế khó triển khai thì ngành giáo dục cũng nên rà soát sửa đổi. Còn nếu thông tư phù hợp mà các cấp, các ngành chưa thực hiện thì cần có kiến nghị để phối, kết hợp.
Đại biểu Hồ Thị Minh nêu, hiện nay có một số thông tư, hướng dẫn của ngành giáo dục không còn phù hợp thì cần rà soát để sửa đổi ví như thông tư về chế độ chính sách cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú (Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT), nghĩa là cách đây hơn 14 năm rồi, điều này cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay....
Các cô nuôi mầm non ở Quảng Trị phải nghỉ đến 3 tháng không lương khiến người lao động tâm tư. Ảnh: LC
Trở lại câu chuyện của cô nuôi mầm non, Đại biểu Minh cho rằng, nếu không hài hoà được giữa dạy và nuôi ở bậc mầm non thì chất lượng phát triển của trẻ khó mà đạt được chất lượng dân số vàng. Không chỉ bậc học mầm non mà ngay cả bậc tiểu học, trung học cơ sở nơi vùng sâu vùng xa, thầy và trò đi lại khó khăn cũng cần phải lưu tâm.
Bởi lẽ, ở vùng khó khăn nhưng không tổ chức bán trú được thì rất khó huy động học sinh tới trường. Thầy cô không thể cứ mỗi ngày đi vận động học sinh đi học.
Mà muốn tổ chức ăn bán trú được đảm bảo thì phải có các chế độ cho cô nuôi. Cô nuôi phải sống được với nghề và yên tâm gắn bó.
Như hiện nay, tại Quảng Trị mức ngân sách địa phương còn thấp dẫn đến việc chi trả lương cho người lao động còn thấp khiến các cô chưa yên tâm công tác, do vậy, các trường không thể có những " cô nuôi" lâu dài.
Nếu như tình hình hiện tại, chỉ cần có cơ hội các cô sẽ chọn nghề có thu nhập cao hơn, ổn định hơn và được trả lương 12 tháng chứ không phải 9 tháng như hiện nay.
Từ bất cập về chế độ chính sách đối với cô nuôi ở vùng đặc biệt khó khăn đang diễn ra, rất có thể không ít cô nuôi sẽ nghỉ việc, theo đó, mô hình lớp học bán trú cũng khó có khả năng tồn tại.
Thiệt thòi lớn lại rơi vào các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Do đó, các bộ, ban ngành nên xác định vị trí việc làm cho cô nuôi tại các trường mầm non”.
Nguồn https://giaoduc.net.vn/dbqh-ho-thi-minh-can-co-vi-tri-viec-lam-de-giu-chan-co-nuoi-o-truong-mam-non-post236198.gd