Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học thêm 5% là thông tin được đông đảo dư luận quan tâm những ngày qua.
Cô và trò Trường mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Bộ Giáo dục và Đào tạo sau nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%.
Đón nhận thông tin này, cô giáo Nguyễn Liên - Trường mầm non A Tứ Hiệp, (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ vui mừng vì điều này cho thấy sự cống hiến của những giáo viên mầm non đã được ghi nhận. “Mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng sau 15 năm đi làm của tôi thực sự phải rất thu vén mới đủ để nuôi con, nói gì đến có tiền tiết kiệm phòng khi ốm đau hay phụng dưỡng bố mẹ, mua nhà, sắm sửa những vật dụng có giá trị trong gia đình. Giờ chuẩn bị có em bé thứ hai, tôi cũng phần nào yên tâm hơn vì có thêm một khoản hỗ trợ nữa thì cũng dư dả hơn lo tiền bỉm sữa cho con”- cô Liên nói.
Đối với những giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, niềm vui này càng lớn hơn, giúp họ nâng cao tinh thần làm việc và hiệu quả lao động. Bởi nhiều thầy cô phải xa nhà, xa gia đình, cuối tuần mới về nhà nên mọi công việc chăm sóc con cái phải trông nhờ vào người thân, ông bà nội ngoại hai bên. Bà Đinh Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết, cán bộ giáo viên trong trường đa phần đều đi làm xa, có người đi về trong ngày lên tới 70km nên rất vất vả. Dù vậy, mức lương trung bình của giáo viên chỉ từ 6-8 triệu đồng với thâm niên trên 10 năm công tác, nên nếu tính cả chi phí xăng xe đi lại thì thực sự rất khó khăn. Vì vậy, một số giáo viên dạy ở điểm trường phải ở lại trường, cuối tuần mới về nhà. Sắp tới đây tăng lương cơ sở rồi tăng phụ cấp chính là giải pháp để giữ chân thầy, cô ở lại với ngành.
Lâu nay, chuyện giáo viên chưa sống được bằng lương là thực tế đáng buồn đã diễn ra trong thời gian dài. Nhiều giáo viên sau giờ lên lớp lại phải xắn tay làm thêm đủ nghề “tay trái” để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống... Nhất là những giáo viên mầm non không thể dạy thêm, công việc chính thức đi làm từ 7h sáng tới hơn 5h chiều mới trở về nhà thì còn đâu thời gian để tăng thêm thu nhập từ những công việc khác, trong khi áp lực nghề nghiệp phải chăm sóc, đảm bảo an toàn cho mấy chục cháu nhỏ mỗi ngày?
Đã có không ít trường hợp phải chấp nhận từ bỏ “niềm đam mê” của bản thân, từ bỏ nghề được gọi là cao quý vì thu nhập ít ỏi và những áp lực trong nghề. Năm học 2021-2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Thống kê tại nhiều địa phương như TPHCM trong 3 năm qua, có hơn 2.700 giáo viên tiểu học rời khỏi ngành, trong đó, một phần do dịch bệnh gây ra ảnh hưởng nặng nề đến đội ngũ, phần khác rời khỏi ngành giáo dục vì đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ (1.181 người) và nghỉ việc là 1.233 người. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đào tạo của ngành giáo dục.
GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam cho rằng tăng lương, tăng phụ cấp là vấn đề hàng triệu giáo viên cả nước quan tâm. Thông tin tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non và tiểu học làm nức lòng không chỉ các thầy cô mà còn nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, vì đây là nhu cầu chính đáng để giáo viên toàn tâm toàn ý cho công việc.
Nguồn http://daidoanket.vn