Xã hội
   Giáo dục vùng khó khoác 'áo mới'
 

Việc triển khai linh hoạt, hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương đã mang lại diện mạo mới cho giáo dục vùng khó…

 

Cô và trò Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, huyện Tủa Chùa, Điện Biên.

Những “điểm sáng” đột phá

Đóng chân trên mảnh đất biên cương heo hút gió ngàn, Mường Nhé từng là “vùng lõm” của giáo dục Điện Biên. Những ngôi trường “thiếu trước, hụt sau” không đủ sức hút để kéo chân bọn trẻ tới lớp.

Là một trong những cơ sở giáo dục thuận lợi nhất của địa phương này, song Trường PTDTBT THCS Mường Nhé không nằm ngoại lệ. Chỉ cách đây chừng hơn 10 năm, việc huy động học sinh ra lớp và đảm bảo sĩ số vẫn còn là thách thức lớn đối với nhà trường.

Cuộc “cách mạng” về giáo dục ở biên giới bắt đầu sôi nổi từ khoảng 10 năm nay. Rõ nét nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Theo thầy Công chia sẻ, tranh thủ sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của các cấp, nhà trường đã triển khai hiệu quả mô hình bán trú. Cho đến nay, trường nằm trong tốp đầu về duy trì sĩ số học sinh hàng năm (trên 1.000 em, trong đó có hơn 600 ở bán trú).

“Học sinh đến trường không chỉ đảm bảo quyền lợi học tập trong môi trường, điều kiện tốt hơn mà còn được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Phụ huynh ngày càng phấn khởi và tích cực vận động, cho trẻ đi học đẩy đủ hơn”, thầy Công cho hay.

 

Phụ huynh, giáo viên Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, huyện Tủa Chùa tham gia cải tạo khuôn viên trường, lớp.

Không còn phải lo đến sĩ số, nhiều năm nay nhà trường tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Không chỉ trở thành ngôi trường thuộc tốp đầu toàn huyện về giáo dục toàn diện, năm học vừa qua, đây còn là cơ sở giáo dục duy nhất toàn tỉnh được tuyên dương toàn quốc về học và làm theo Bác.

Năm học 2014 - 2015 trường bắt đầu có học sinh giỏi đi thi cấp tỉnh nhưng không có giải. Từ đó đến nay, đơn vị liên tiếp có các đoàn học sinh tham dự kỳ thi cấp tỉnh và nâng dần số lượng, chất lượng giải.

Còn tại huyện vùng cao Điện Biên Đông, nhiều năm qua Trường Mầm non Pú Hồng là “điểm sáng” tiêu biểu về phong trào xã hội hóa giáo dục để thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Cô giáo Trương Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Không chỉ thuộc vùng đặc biệt khó khăn, học sinh theo học tại trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế giao tiếp tiếng Việt. Bởi vậy, nhiều năm nay, trường xác định muốn “mở khóa” cho công tác giáo dục thì trước tiên phải làm tốt nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

 

Học sinh Trường Tiểu học Ẳng Tở, huyện Mường Ảng học Tiếng Anh trên máy tính.

Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường bị hạn chế, đồ dùng đồ chơi chưa đảm bảo. Trong khi đó lại có nhiều điểm lẻ nằm rải rác và cách xa nhau. Trước thực trạng trên, ngoài việc quan tâm bồi dưỡng, nâng cao khả năng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên, nhà trường đã chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục.

“Thông qua các cuộc họp phụ huynh, trao đổi giữa giáo viên với cha mẹ trẻ, chúng tôi huy động bà con ủng hộ các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, như: Gỗ, tre, đá, lốp xe… Đồng thời, đóng góp ngày công cùng giáo viên thiết kế sân chơi, khuôn viên trường lớp… Chú trọng không gian tiếng Việt”, cô Liên cho hay.

Ngoài ra, thông qua các kênh mạng xã hội, nhà trường đã viết thư ngỏ kêu gọi tài trợ kinh phí, hiện vật (xi măng, sách, truyện…) để xây dựng môi trường giáo dục. Từ việc sửa chữa, xây mới phòng học, sân trường; lắp đặt hệ thống điện, nước…

Hiện nay, cùng với điểm trung tâm, 16/16 điểm lẻ của nhà trường đều đảm bảo về cơ sở vật chất (lớp học 3 cứng, bếp ăn, sân chơi ngoài trời), đồ chơi, đồ dùng dạy học… Đặc biệt, các không gian đều được ưu tiên hình ảnh, chữ cái giúp phát triển tiếng Việt cho trẻ.

Cần thêm nguồn lực để đổi mới bền vững

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, hàng loạt mô hình, điểm sáng đã góp phần làm khởi sắc cho giáo dục vùng khó Điện Biên. Đánh giá tại Hội nghị tổng kết vừa được địa phương tổ chức cho thấy, chất lượng giáo dục các cấp học đã được cải thiện rõ nét. Đặc biệt là giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, những kết quả trong phát triển vẫn được đánh giá là chưa bền vững. Công tác phát triển quy mô trường, lớp ở một số đơn vị chưa đồng đều. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ chưa đạt kế hoạch. Cụ thể, theo Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy Điện Biên, mục tiêu huy động trẻ 0 - 2 tuổi ra lớp phải đạt 50%. Trong khi thực tế hiện nay đạt 48,9%.

Tại trung tâm một số cụm xã chưa thành lập được trường THPT. Điều này ảnh hưởng đến việc huy động học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT. Thống kê hiện có 73,7% thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15 - 18 đã và đang học chương trình GDPT hoặc GDTX cấp THPT và tương đương. (chưa đạt mục tiêu nghị quyết). Ngoài ra, việc mở rộng, nâng cấp quy mô các Trường PTDTNT chưa chưa đảm bảo để đáp ứng mục tiêu trên 10% học sinh người dân tộc thiểu số…

 

Giờ học Góc địa phương của cô và trò Trường Mầm non Sính Phình, huyện Tủa Chùa.

Để đảm bảo đổi mới giáo dục toàn diện và bền vững, Điện Biên kiến nghị nâng mức hỗ trợ học sinh bán trú từ 40% lên 60% mức lương cơ sở và từ 80% lên 100% đối với học sinh nội trú. Kéo dài thời gian hưởng chính sách về học phí, hỗ trợ học tập đối với học sinh tại xã đặc biệt khó khăn mới được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Theo thống kê, trung bình hàng năm địa phương này thiếu trên 1.000 giáo viên mầm non. Trong khi đó số trẻ đến trường ngày càng gia tăng (trung bình mỗi năm tăng hơn 2.000 trẻ). Do vậy, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm bổ sung biên chế. Đặc biệt là phân bổ nguồn bổ sung giáo viên theo Quyết định số 72 của Bộ Chính trị ưu tiên cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, mức hỗ trợ 450.000 đồng/tháng đối với giáo viên mầm non dạy ở các điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong bối cảnh hiện tại theo nhiều giáo viên là chưa đảm bảo. Dựa trên cơ sở tính toán, cân đối, địa phương kiến nghị nâng mức hỗ trợ này lên bằng 40% mức lương cơ sở. Bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại đối với giáo viên dạy điểm lẻ, điểm bản bằng 50% mức lương cơ sở; chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên công tác tại các trường có học sinh bán trú…

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-vung-kho-khoac-ao-moi-post645158.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khai giảng chương trình Toán - tiếng Anh tiểu học miễn phí (3/7)
 Các trường mầm non đảm bảo điều kiện dạy học xuyên hè (3/7)
 ĐBQH Hồ Thị Minh: Cần có vị trí việc làm để "giữ chân" cô nuôi ở trường mầm non (30/6)
 Áp lực bủa vây nhà giáo (26/6)
 Chủ động các phương án bồi dưỡng giáo viên (26/6)
 Hơn 900 tình nguyện viên dọn rác, làm sạch biển (26/6)
 'Chìa khóa' giải quyết tình trạng lao động trẻ em (24/6)
 Bà Rịa-Vũng Tàu sơ kết 2 năm thực hiện xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm (23/6)
 Quảng Ngãi: Những lớp học trên núi (23/6)
 Hành trang 'lạ' đến lớp mùa nắng nóng (21/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i