Nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang bước vào cao điểm tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học mới. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng không biến động nhiều so với các năm học trước, tuy nhiên bài toán khan hiếm nguồn tuyển vẫn “khổ lắm, nói mãi”.
Cô trò Trường THCS Tùng Thiện Vương (TPHCM), trong một giờ trên lớp, ngày 2-6-2023. Ảnh: CAO THĂNG
Tuyển dụng hàng trăm giáo viên
Hôm nay, ngày 5-7, là thời hạn cuối cùng Phòng GD-ĐT quận 4 tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển giáo viên các trường công lập. Năm học 2023-2024, địa phương này cần tuyển 157 giáo viên, nhân viên cho các trường. Trong đó, bậc tiểu học dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng với 62 người, kế đến là bậc mầm non cần bổ sung 50 vị trí, bậc THCS tuyển 23 người và trường chuyên biệt cần 22 người. Dự kiến, ngày 16-7, quận 4 công bố danh sách ứng viên đủ điều kiện tiếp tục tham gia dự tuyển vòng 2. Kết quả trúng tuyển viên chức được công bố vào ngày 15-8 nhằm kịp thời bổ sung giáo viên cho năm học mới.
Ứng viên tham gia thi tuyển giáo viên năm học 2022-2023 tại TPHCM
Tương tự, tại quận 7, từ đây đến hết ngày 10-7, ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức nộp hồ sơ trực tuyến bằng mã QR. Năm nay, bậc THCS và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng với 87 người, kế đến là bậc tiểu học cần tuyển 62 người, bậc mầm non cần tuyển 48 vị trí. Đại diện Phòng GD-ĐT quận 7 lưu ý, ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển vào một vị trí tuyển dụng; nếu nộp hồ sơ từ 2 vị trí trở lên sẽ bị xóa tên khỏi danh sách dự tuyển hoặc hủy kết quả xét tuyển. Riêng với huyện Hóc Môn, nhu cầu tuyển dụng khá lớn - với 484 giáo viên và 59 nhân viên cho năm học mới. Trong đó, bậc THCS “khát” giáo viên nhiều nhất (với 221 người) do phải bổ sung đội ngũ giảng dạy các môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ở bậc THPT, năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT TPHCM tuyển mới 255 giáo viên để bổ sung nhu cầu giảng dạy cho các trường học. Trong đó, điều kiện xét tuyển là ứng viên phải có bằng cử nhân trở lên đối với ngành đào tạo giáo viên THPT. Trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng không thuộc ngành đào tạo, giáo viên phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THPT. Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hình thức tuyển dụng vẫn như các năm trước: đánh giá qua 2 vòng tuyển dụng. Trong đó, vòng 1 kiểm tra kiến thức chung bằng bài trắc nghiệm trên máy vi tính. Ở vòng 2, ứng viên thực hành kỹ năng đứng lớp trong thời gian 30 phút. Người trúng tuyển phải có kết quả thực hành từ 50 điểm trở lên, lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu tuyển dụng.
Nỗ lực bổ sung nguồn tuyển
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, để tăng nguồn tuyển giáo viên 2 môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT là Âm nhạc và Mỹ thuật, năm học 2023-2024, bên cạnh việc “đặt hàng” các trường sư phạm tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên, TPHCM sẽ huy động giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS hoặc tiểu học có trình độ đại học trở lên, năng lực phù hợp để bố trí dạy học ở cấp THPT.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM triển khai tuyển dụng giáo viên bằng nhiều hình thức để mở rộng nguồn tuyển. Theo đó, ngoài hình thức thi tuyển viên chức như các năm học trước, ngành giáo dục sẽ ưu tiên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường đại học; đồng thời tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác, trình độ đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Nếu vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Nội vụ xin ý kiến UBND TPHCM xem xét yêu cầu về trình độ đào tạo đối với các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không thuộc chuyên ngành đào tạo giáo viên.
Năm học 2023-2024, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai cuốn chiếu ở lớp 4, 8, 11 và sẽ kết thúc lộ trình triển khai thực hiện ở cả 3 bậc học (gồm tiểu học, THCS, THPT) vào năm học 2024-2025. Thời điểm hiện tại, việc bổ sung nguồn tuyển giáo viên đào tạo chính quy các môn học mới được phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức dự đoán rất khó thực hiện, bởi số lượng sinh viên mới tốt nghiệp ra trường “như muối bỏ biển” so với nhu cầu giảng dạy thực tế ở các trường phổ thông.
Ngoài ra, theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, năm nào thành phố cũng tuyển dụng hàng trăm giáo viên nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường học do áp lực quá cao về dân số, trong khi chế độ, chính sách chưa đủ sức thu hút và giữ chân giáo viên. Song song đó, bài toán sắp xếp lại đội ngũ, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên cần được cơ quan quản lý xem xét toàn diện để có giải pháp giải quyết căn cơ.
Nguồn https://www.sggp.org.vn/tphcm-vao-mua-tuyen-dung-giao-vien-post696142.html