Thời tiết nắng nóng, có nơi lên gần 40 độ C, khiến nhiều phụ huynh lo ngại con dễ bị đổ bệnh khi đưa đi tiêm chủng.
7h sáng, trước sảnh trung tâm tiêm chủng VNVC Nguyễn Thái Học, Hà Nội, chị Trần Thiên Hương (quận Ba Đình) đang một tay ôm con, một tay cầm lỉnh kỉnh túi đựng quần, áo, bánh, sữa...
"Tôi tranh thủ đi sớm để đỡ nắng cho con", chị dứt lời, rồi tiếp tục vỗ con đang quấy khóc.
Chị Hương cho biết thời tiết oi bức khiến bé cảm thấy bứt rứt, khó ngủ vào đêm. "Cháu đã hơn 6 tháng tuổi, lúc sáng đi thì bình thường, đến nơi thấy cháu có biểu hiện hơi nóng ấm, quấy khóc nhiều, tôi rất lo lắng, liệu cháu có được tiêm vaccine không", chị Hương nói.
Trong khi đó, chị Cao Thị Mai (quận Cầu Giấy) quyết định để trễ lịch tiêm cho con khoảng một tuần nay. Hỏi lý do, chị Mai chia sẻ lo ngại thời tiết nắng nóng, con ra ngoài dễ bị ốm nên chần chừ. Đọc tin tức thấy gần đây xuất hiện dịch thủy đậu và có người tử vong, chị mới đưa con đi tiêm để yên tâm.
"Trời nắng nóng tôi còn khó chịu huống chi trẻ con. Con cứ quấy khóc suốt dọc đường khiến tôi cũng mệt mỏi theo", chị nói.
Phụ huynh đưa trẻ khám sàng lọc trước khi tiêm. Ảnh: Mộc Thảo
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết thời tiết nắng nóng khiến nhiều phụ huynh lo lắng con đổ bệnh khi đưa đi tiêm. Theo bác sĩ Chính, mùa hè nóng bức là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Trẻ nhỏ thường ăn uống kém cộng với hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bác sĩ chia sẻ một số lưu ý chăm sóc sức khỏe cho con trước khi đi tiêm chủng vào mùa nắng nóng.
Bổ sung đủ nước, rau xanh và chất dinh dưỡng
Để đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ trước ngày tiêm chủng, nên cho trẻ uống đủ nước và ưu tiên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và trái cây, các lợi khuẩn đường ruột. Trong đó, các loại rau như cải xanh, bắp cải, rau chân vịt... rất lý tưởng để giải nhiệt cơ thể. Thêm vào đó, chế độ ăn cần có đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch như vitamin A, C, D, E, B2, B6, B12, folic acid, sắt, selenium, kẽm. Tránh các loại thực phẩm chứa béo bão hòa hay thức ăn chiên, xào... gây khó tiêu.
Phòng say nắng, say nóng cho trẻ
Gia đình nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, đội mũ che chắn khi ra ngoài. Không nên cho trẻ vận động liên tục dưới ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cần nghỉ ngơi ở chỗ có bóng mát.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, người mẹ nên uống nước nhiều để cho trẻ bú nhiều lần hơn. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, gia đình có thể cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội để bài tiết dễ dàng. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ nhắc nhở con uống nước thường xuyên, tránh bị mất nước. Việc uống nhiều nước vào ngày tiêm chủng cũng giúp trẻ bớt sốt.
Mẹ và bé phấn khởi sau khi hoàn thành xong mũi tiêm tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Gia đình không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ. Nếu trẻ vừa đi ngoài nắng về, gia đình tránh cho vào phòng điều hòa ngay và ngược lại.
Khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón, che chắn cẩn thận cho trẻ để phòng mất nước và say nắng. Tránh cho trẻ ra nắng và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào thời điểm từ 11 đến 3 giờ chiều.
Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước tiêm
Nếu trẻ sơ sinh, trẻ từ một tháng tuổi sốt từ 37,5 độ C trở lên hoặc hạ thân nhiệt từ 35,5 độ C trở xuống, trẻ sẽ được tạm hoãn tiêm chủng tại VNVC. Trẻ bị sốt nhẹ vẫn có thể tiêm vaccine phòng ngừa bình thường. Bên cạnh đó, cha mẹ cần khai báo đầy đủ tiền sử phản ứng với vaccine, bệnh lý nền của trẻ để bác sĩ quyết định mũi tiêm phù hợp.
Tiêm chủng đầy đủ, đúng thời điểm
Nếu các mũi tiêm trễ, cách lịch hẹn quá xa (so với mũi đầu) có thể khiến hiệu quả phòng bệnh của vaccine giảm đi, thậm chí miễn dịch quay về bằng không. Lúc này, trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm đang lưu hành và ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng. Do đó, gia đình nhớ tiêm chủng đầy đủ, đúng thời điểm cho trẻ.
Ngoài các vaccine 5 trong 1, 6 trong 1, trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên cần chủng ngừa thêm vaccine Rotavirus phòng tiêu chảy cấp; vaccine phế cầu phòng viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, viêm xoang, viêm tai giữa... Khi 6 tháng tuổi, trẻ cần tiêm vaccine cúm, viêm màng não mô cầu B, C. Đến 9 tháng tuổi, trẻ cần tiếp tục tiêm vaccine thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu. Từ tháng 12 trở đi, trẻ cần tiêm vaccine phòng viêm gan A/A+B... Trong đó, Rotavirus có giới hạn độ tuổi, phải cho trẻ uống trước 6 tháng tuổi để cơ thể sinh ra kháng thể.
Gia đình cần đưa trẻ đi tiêm đúng ngày, đúng thời điểm tiêm mũi đầu hoặc mũi nhắc lại để bé có miễn dịch tốt, tránh nhiễm bệnh nguy hiểm. Việc chủ động bảo vệ sức khỏe trẻ giúp lịch tiêm vaccine của trẻ diễn ra suôn sẻ, đầy đủ và đúng lịch hơn.
Minh Tâm
Nguồn: https://vnexpress.net/luu-y-khi-dua-tre-di-tiem-vaccine-vao-mua-nang-nong-4613680.html