Trẻ trên ba tháng tuổi mắc dị tật hở môi vòm miệng, được bác sĩ 6 bệnh viện tại Hà Nội, Nghệ An, Đăk Nông khám và phẫu thuật miễn phí trong hai tháng 6-7.
Thông tin được PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết tại lễ Phát động tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng, ngày 30/5. Trẻ được miễn 100% chi phí phẫu thuật đóng khe hở môi và nằm viện, được hỗ trợ một phần chi phí đi lại ăn uống trong thời gian điều trị.
Theo đó, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) khám và phẫu thuật trong một tuần, ngày 1-7/6. Bé đã phẫu thuật vá hở môi cũng được tư vấn điều trị sau mổ như chỉnh nha hay ngữ âm trị liệu để phục hồi toàn toàn chức năng và thẩm mỹ.
Các bệnh viện Thẩm mỹ Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện khám vào ngày 5/6; Đa khoa Hà Đông hai ngày 5-6/6; Sản Nhi Nghệ An khám ngày 28-30/6; Đa khoa Đăk Nông ngày 3/7 và Nhi Trung ương ngày 5/7.
"Bé không đủ điều kiện an toàn phẫu thuật như thiếu cân, thiếu tháng, sức khỏe yếu, bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc để nâng thể lực và xếp lịch phẫu thuật gần nhất", ông Bính nói.
Một em bé mắc dị tật khe hở môi - vòm miệng được bác sĩ khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Ảnh: Lê Nga
Dị tật hở môi vòm miệng là tình trạng các bộ phận của môi hoặc vòm miệng và mũi không hợp nhất lại với nhau trong quá trình phát triển phôi thai. Mỗi ngày, trung bình 550 trẻ em trên thế giới ra đời bị dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất.
Nguyên nhân dị tật có thể do mẹ dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, nhiễm chất độc hóa học, nhiễm tia X hoặc mắc siêu vi, bị cảm cúm. Thai phụ bị stress, điều kiện sống thấp, suy dinh dưỡng lúc mang thai cũng có thể khiến con bị sứt môi, hở hàm ếch. Yếu tố về di truyền hay cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi cũng là một nguyên nhân.
Dị tật khiến trẻ khó ăn (bú), hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý. Phẫu thuật vá hàm ếch giúp bé phục hồi chức năng bú, nhai - cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này.
Điều trị hở môi vòm miệng phải phối hợp nhiều chuyên khoa như phẫu thuật hàm mặt, nắn chỉnh răng, thính học, ngôn ngữ, nhi khoa. Quá trình điều trị có thể kéo dài nhiều năm, do đó bé cần sự chăm sóc xuyên suốt của gia đình và y tế.
Hằng năm, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tổ chức nhiều đợt phẫu thuật nhân đạo, khoảng 3.000 trẻ em khuyết tật môi - miệng đã được sửa dị tật.
Lê Nga
Nguồn: https://vnexpress.net/tre-di-tat-ho-moi-duoc-mo-mien-phi-o-6-benh-vien-4611451.html