Trẻ ăn uống vô tội vạ, không có kiểm soát trong những ngày Tết có thể gây ra tình trạng táo bón. Cách trị táo bón cho trẻ thế nào, cha mẹ có thể tham khảo bài dưới đây.
Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ trong dịp Tết
Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, có nhiều nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ, trong đó có việc ăn uống không hợp lý.
Trong dịp Tết, trẻ thường ăn rất nhiều bánh kẹo. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng táo bón ở trẻ. Bánh kẹo luôn được xếp vào danh mục những thực phẩm gây cản trở tiêu hóa. Bản thân đường không phải là thành phần gây táo bón. Nhưng do các bé ăn nhiều loại thực phẩm chứa đường, ăn ít chất xơ, uống ít nước và các dưỡng chất khác, dẫn đến tình trạng khó tiêu, táo bón.
Bên cạnh bánh kẹo thì đồ uống có ga cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng khó tiêu, đầy hơi, táo bón ở trẻ. Lý do bởi các loại đồ uống này có chứa nhiều phẩm màu công nghiệp, chứa nhiều ga khiến hệ tiêu hóa của bé bị kích thích. Hơn thế, các loại nước ngọt thường được bảo quản lạnh trong tủ lạnh, nếu trẻ uống, nhất là khi thời tiết Tết lạnh thì trẻ rất dễ bị viêm họng, viêm amidan...
Đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ cũng là món ăn đứng đầu trong danh sách các thực phẩm mẹ không nên cho bé ăn dịp Tết. Bởi ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ cộng với việc trong những ngày tết bé thường ăn ít rau, trái cây nên sẽ dễ khiến bé bị đầy hơi, táo bón.
Làm thế nào khi trẻ bị táo bón
Theo Ths. Bs Lê Thị Hải - Nguyên Giám Đốc TT DD - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, cách trị táo bón cho trẻ gồm trị nguyên nhân và trị triệu chứng:
- Trị nguyên nhân: Mẹ có thể xem xét bệnh táo bón của con có liên quan đến việc ăn uống; liên quan đến cách đại tiện hay liên quan đến sự phát triển của con? Có thể điều chỉnh tại nhà, nhưng nếu điều chỉnh mà vẫn không hiệu quả thì phải đến gặp bác sĩ.
- Trị triệu chứng: Ống thụt hậu môn chỉ có tác dụng giải quyết những khó khăn trước mắt. Lactulose hoặc những loại dược phẩm hoặc thực phẩm giàu chất xơ, kết hợp với Probiotic hoạt tính có thể tăng lượng nước trong phân, làm mềm phân.
Bác sĩ Hải cho biết: "Với những loại táo bón thường gặp, sử dụng ống thụt hậu môn và Probiotic, Prebiotic cho kết quả khả quan. Sử dụng Probiotic + Prebiotic ít nhất trong hai tuần, sau đó dần dần kéo dài khoảng cách giữa các lần sử dụng, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung chất xơ, tập thói quen đi ngoài lành mạnh (kích thích đại tiện theo một giờ nhất định), giải quyết những vấn cục bộ như nứt kẽ hậu môn... Nếu hiệu quả không rõ rệt hoặc không có hiệu quả, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để bài trừ những nguyên nhân khác.
Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn, Probiotic và Prebiotic (uống Lactulose) mà vẫn không thể giảm bớt hoặc điều trị dứt chứng táo bón thì phải suy nghĩ đến lý do dị ứng thực phẩm (ví dụ như dị ứng protein trong sữa bò), hoặc hậu môn quá hẹp, kết tràng xích ma quá dài... hoặc các nhân tố có liên quan khác. Trong trường hợp chứng táo bón quá "ngoan cố", cần làm một số kiểm tra như chụp X quang, thăm khám trực tràng để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Sử dụng ống thụt hậu môn có thể kích thích con đi hết phân trong một lần, nhưng không thể giải quyết vấn đề táo bón ở trẻ chỉ trong một lần đi ngoài. Có nhiều mẹ nói ống thụt không hiệu quả, nguyên nhân là do sử dụng chưa đúng cách. Vì thế, khi sử dụng ống thụt hậu môn cho con cần phải chú ý những điểm sau:
1. Chọn ống thụt hậu môn dành cho trẻ em;
2. Bôi một ít dầu ô liu vào đầu bơm;
3. Bôi một ít dầu ô liu quanh hậu môn con;
4. Nhẹ nhàng đưa phần đầu bơm vào trực tràng con;
5. Bóp thuốc;
6. Sau khi lấy ống thụt ra, đưa tay đỡ lấy đít trẻ giữ trong mấy phút;
7. Trợ giúp con đi hết phân khô ra ngoài.
Các mẹ chú ý, chỉ được sử dụng ống thụt cho con trong những tình huống cấp bách, không được coi ống thụt hậu môn là khúc dạo đầu của mỗi lần đại tiện. Sử dụng ống thụt hậu môn trong một thời gian sẽ khiến trẻ có tâm lý ỷ lại".
Lời khuyên từ chuyên gia để phòng chống chứng táo bón ở trẻ
- Khuyến khích con uống đủ lượng nước mỗi ngày. Việc này sẽ khiến phân bớt rắn, mềm hơn và giúp trẻ dễ dàng trong việc đại tiện.
- Ngày Tết thường có rất nhiều đồ ăn, nhưng phần lớn là chứa ít chất xơ. Vì vậy mẹ cũng cần lưu ý bổ sung chất xơ đủ và đúng cách cho trẻ. Phụ huynh không nên chế biến rau chín kỹ quá sẽ làm mất đi lượng chất xơ và vitamin đáng kể trong rau, và chỉ nên cho rau vào cuối cùng khi nấu cháo hay bột cho bé. Ngoài ra, khuyến khích trẻ ăn nhiều hoa quả, rau xanh...
- Hạn chế cho trẻ ăn những đồ ăn không tốt cho hệ tiêu hoá ví dụ như đồ ăn nhanh, bánh kẹo, đồ uống có ga,...
Theo phunuvietnam.vn