Nên bật quạt sưởi trước khi trẻ vào phòng tắm, không được bật tắt đột ngột, đặt trên bề mặt phẳng, lựa chọn thiết bị có nguồn gốc rõ ràng.
Vào mùa đông, người dân có nhu cầu sử dụng quạt sưởi, túi chườm, máy sưởi để giữ ấm. Tuy nhiên, các thiết bị sưởi ấm có nguồn cắm điện trực tiếp luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như bí, khó thở, ngột ngạt..., nặng hơn là cháy, rò điện, bỏng.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), cho biết khi chuyển lạnh, đơn vị thường xuyên tiếp nhận rất nhiều các vụ tai nạn bỏng liên quan đến sưởi ấm, thường tập trung ở nhóm người già và trẻ em do không thay đổi vị trí tiếp xúc với nguồn nhiệt.
Nhiều trường hợp bỏng nhẹ, bỏng nông, tự điều trị ở nhà gây biến chứng nhiễm khuẩn khiến vết thương sâu và loét hơn. Do đó, gia đình nên sử dụng thiết bị sưởi ấm an toàn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ để không ảnh hưởng đến làn da và hệ hô hấp còn non yếu của con.
Còn bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết gia đình có thể dùng quạt sưởi để trẻ không bị nhiễm lạnh khi tắm. Tuy nhiên, máy sưởi, quạt sưởi thường gây ra cảm giác bí, khó thở bởi nó ảnh hưởng tới việc lưu thông khí oxy trong phòng, nhất là khi các cánh cửa đã bị đóng kín.
Bố mẹ cần đảm bảo nhà tắm kín gió nhưng không quá ngột ngạt, bật quạt sưởi trước khi trẻ vào tắm. Chọn sản phẩm an toàn về vật liệu và lắp đặt. Nếu gia đình có kinh tế hơn, bạn có thể sử dụng đèn sưởi hồng ngoại cho bé trong phòng tắm, thay vì sử dụng các thiết bị khác như quạt sưởi, máy sưởi.
Khi dùng quạt sưởi, bố mẹ không được bật - tắt quạt quá đột ngột mà nên giảm nhiệt từ từ. Điều này vừa giúp bé thích ứng với nhiệt độ, vừa đảm bảo quạt được bền hơn.
Khi đặt quạt phải lưu ý để ở nơi vững chắc, đảm bảo an toàn, không hở điện. Không nên đặt gần giường ngủ, tránh đặt gần các thiết bị dễ cháy như màn, rèm, đồ nội thất.
Vào những ngày mùa đông rét lạnh, mẹ có thể kết hợp cho bé mặc các loại quần áo có khả năng giữ ấm cao kể cả khi ra ngoài hay ở trong nhà. Để tránh khô da vì dùng quạt sưởi, bố mẹ có thể thoa kem dưỡng ẩm cho con.
Trường hợp không may bị bỏng nhiệt, bác sĩ Minh khuyên gia đình cần thực hiện 5 bước. Đầu tiên, bạn nên kiểm tra ý thức và hô hấp của người bị bỏng. Loại bỏ tác nhân gây bỏng như chăn đệm, quần áo bị cháy.
Tiếp đó, hạ nhiệt vết thương, thời gian khoảng 20 phút từ khi bị bỏng và nhiệt độ là 20 độ C. Chúng ta nên ngâm hoặc để vết thương dưới vòi nước sạch.
Sau đó, bạn che phủ nhẹ nhàng vết thương bằng băng gạc sạch, tránh gây trầy xước, trợt vết bỏng, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Cuối cùng, gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, tốt nhất là các cơ sở có chuyên khoa bỏng để tiếp tục cấp cứu.
Minh An(Vnexpress.net)