Bệnh cảm cúm ở trẻ do virus cúm gây ra, đây là bệnh thường lành tính. Tuy nhiên cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi.
1. Bệnh cảm cúm là gì?
Cảm cúm là bệnh đường hô hấp trên. Bệnh cảm cúm thường xuất hiện vào mùa đông xuân và xảy ra hàng năm, các chủng virus cúm cũng thay đổi mỗi năm. Chính vì vậy, trẻ vẫn có thể mắc cảm cúm nhiều lần trong năm.
Bệnh cảm cúm thường không tiến triển nặng, có thể tự khỏi nếu biết cách chăm sóc và theo dõi. Tuy nhiên, tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà cảm cúm có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần. Nếu sức đề kháng của trẻ yếu, bệnh có thể tiến triển và dẫn đến một số biến chứng như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa,... thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Virus gây bệnh cảm cúm lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác, đặc biệt là những nơi tập trung đông người hoặc những nơi sinh sống, làm việc, học tập gần nhau. Trẻ em có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất và là đối tượng lây lan chính của bệnh cúm.
2. Dấu hiệu nhận biết cảm cúm ở trẻ
Triệu chứng cảm cúm ở trẻ có rất nhiều. Thông thường, sau 1 vài ngày tiếp xúc với nguồn lây, trẻ mắc cảm cúm có các biểu hiện như: Sung huyết mũi với các triệu chứng nổi bật như nghẹt mũi, có thể có sổ mũi trong, vàng hay xanh. Trẻ sốt thường trên 38 độ C trong 3 ngày đầu. Ngoài ra, còn các triệu chứng khác như: Đau họng, ho, quấy khóc, khó ngủ, chán ăn, niêm mạc mũi sưng đỏ, hạch cổ có thể to nhẹ. Triệu chứng cảm cúm thường nặng nhất trong vòng 10 ngày đầu.
Mặc dù trẻ em bị cảm cúm có thể có nhiều triệu chứng giống như người lớn, nhưng có một số điểm khác biệt:
+ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị cảm cúm có thể bị sốt cao không giải thích được và không có dấu hiệu nào khác.
+ Trẻ nhỏ thường có nhiệt độ trên 39,5 độ C và có thể bị sốt co giật.
3. Bệnh cảm cúm nguy hiểm đến mức nào?
Đa phần bệnh cúm thông thường sẽ không gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ em bị cúm với những chủng cúm đặc biệt như cúm A/H1N1, H5N1, H3N2... có thể sẽ gây ra những diễn biến rất nặng và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng:
+ Bệnh cảm cúm là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh croup (nhiễm trùng cổ họng và dây thanh âm), viêm phổi (nhiễm trùng phổi) và viêm tiểu phế quản (nhiễm trùng các đường thở nhỏ dẫn đến phổi) ở trẻ nhỏ.
+ Gây rối loạn dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng (dạ dày) phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Đau tai và đỏ mắt cũng phổ biến hơn. Trong một số trường hợp, sưng cơ có thể dẫn đến đau chân hoặc lưng nghiêm trọng.
+ Hầu hết những người khỏe mạnh bình phục sau bệnh cúm mà không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Sốt và đau nhức cơ thường chỉ kéo dài từ 2 đến 4 ngày, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần hoặc hơn.
+ Trong một số trường hợp hiếm hoi, cảm cúm có thể ảnh hưởng đến não, gây co giật kéo dài, lú lẫn hoặc không phản ứng. Ngoài ra, nó có thể ảnh hưởng đến tim. Bệnh cảm cúm cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và dẫn đến nhiễm trùng tai, phổi hoặc xoang do vi khuẩn.
+ Bệnh cảm cúm nặng hơn ở trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ em mắc một số bệnh mãn tính.
4. Trẻ bị bệnh cảm cúm uống thuốc gì?
Theo các bác sĩ, điều trị bệnh cảm cúm ở trẻ khác với người lớn. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà cách thức điều trị khác nhau. Nếu bệnh có triệu chứng nhẹ thì trẻ có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà, trong đó chủ yếu là điều trị các triệu chứng:
+ Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5 độ C, uống 4 - 6 giờ/lần. Bé có thể uống các loại thuốc như: Acetaminophen, Ibuprofen,... Nếu không biết chắc chắn về tác dụng cũng như cách dùng của thuốc, bố mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn.
+ Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm khi trẻ bị cảm cúm sổ mũi. Bởi nước ấm không chỉ có tác dụng bù nước mà còn giúp làm loãng đờm nhầy, khiến đờm nhầy ở cổ họng trôi xuống dạ dày. Các vi khuẩn, virus trong đờm sẽ bị tiêu diệt ngay sau đó bởi acid dịch vị. Nhờ đó, trẻ long đờm, giảm ho, mau khỏi bệnh.
+ Để giúp trẻ thải nhiệt ra ngoài khi bị sốt, bố mẹ có thể dùng một chiếc khăn mỏng, mềm nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô và lau khắp người cho trẻ. Đặc biệt, bố mẹ nên chú ý lau kỹ ở các vị trí như: nách, bẹn và trán để nhiệt thoát ra nhanh hơn. Tránh trường hợp dùng nước lạnh, rượu hoặc cồn để lau người. Bởi vì, việc này không giúp trẻ hạ sốt mà còn làm bệnh trở nên nặng hơn.
+ Cho con nghỉ ngơi nhiều hơn và cung cấp các bữa ăn bổ dưỡng cho trẻ. Cha mẹ cần tăng cường các thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất như rau củ, hoa quả tươi trong mỗi bữa ăn.
Với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng nặng hoặc có yếu tố nguy cơ, trẻ cần được nhập viện để theo dõi, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và kết hợp điều trị hồi sức tích cực. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại cảm cúm. Nếu một người có nguy cơ bị các biến chứng cúm nặng, CDC đề nghị điều trị kịp thời bằng thuốc kháng vi rút. Những loại thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng, rút ngắn bệnh 1-2 ngày và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
5. Cách phòng ngừa cảm cúm cho trẻ hiệu quả
Dự phòng là phương pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ sống khỏe và phát triển tốt, tránh được những bệnh truyền nhiễm trong đó có cảm cúm. Để phòng ngừa bệnh cảm cúm cho trẻ hiệu quả, cha mẹ cần:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách hướng dẫn con rửa tay thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ. Trẻ cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ngoài ra còn những lúc con cảm thấy tay mình bị bẩn.
- Khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi nên dùng khăn giấy che và vứt bỏ, rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh và nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau dọn.
- Trong mùa cảm cúm nên hạn chế đến những nơi đông người hoặc tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Không nên cho trẻ vui chơi ngoài nắng gắt.
- Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ với các món ăn giàu dưỡng chất và uống đủ nước. Trẻ cần ngủ nhiều, năng động và giảm căng thẳng.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mỗi năm.
Theo phunuvietnam.vn