Mỹ - Sau hai năm giãn cách, phần đông dân số không tiếp xúc với các loại virus thông thường khiến hệ miễn dịch dễ tổn thương trước mầm bệnh cúm và hô hấp.
Các biện pháp hạn chế thời kỳ Covid-19 vô tình làm giảm đáng kể sự lây lan của các bệnh đường hô hấp khác. Cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) - một loại virus theo mùa thường gây ra triệu chứng giống cảm lạnh, đều biến mất vào năm 2020 và 2021. Tuy nhiên hiện nay, RSV đang gia tăng ở Bắc bán cầu. Tỷ lệ nhập viện vì bệnh cúm ở Mỹ cũng cao hơn những năm trước đây.
Các chuyên gia đặt câu hỏi vì sao có sự gia tăng này? Trong mùa đông sắp tới, thế giới sẽ phải đối diện với những mối đe dọa sức khỏe nào?
"Những loại virus đang quay trở lại để báo thù. Năm nay có thể là thời điểm dịch cúm bùng phát mạnh mẽ nhất", Scott Hensley, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, Philadelphia, cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là dân số thế giới yếu hơn về mặt miễn dịch so với những năm trước. Thông thường, trẻ em nhiễm bệnh nhiều nhất vào năm hai tuổi. Đây là thời điểm hệ miễn dịch được huấn luyện, tiếp xúc với nhiều virus để trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên sau hai năm giãn cách xã hội, có rất nhiều trẻ chưa từng nhiễm RSV.
Điều này cũng xảy ra với người lớn và thanh thiếu niên. Trước Covid-19, trong vòng một năm, cơ thể người sẽ tiếp xúc với một số loại virus nhẹ. Chúng không gây ra triệu chứng, song vẫn giúp kích thích kháng thể. Khi các nước ban thực hiện phong tỏa, hạn chế giao lưu, tiếp xúc, hệ miễn dịch của người phần nào suy yếu vì không được rèn luyện.
Một bé gái được đo nhiệt độ cơ thể tại bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ vào năm ngoái. Vậy tại sao số ca nhiễm cúm và RSV đến nay mới gia tăng?
Tiến sĩ Hensley ban đầu lo ngại dịch cúm và RSV sẽ bùng phát trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, theo Virginia Pitzer, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, mùa cúm 2021 nhìn chung không nghiêm trọng. Các ca nhiễm RSV có tăng, nhưng đỉnh dịch thấp hơn so với trước 2019.
Tháng 8/2021, các nhà nghiên cứu Pháp đã đặt ra thuật ngữ "nợ miễn dịch" để mô tả tình trạng suy giảm miễn dịch ở cấp độ dân số. Một số người cho rằng không tiếp xúc với các mầm bệnh thông thường như RSV và cúm có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm ở một mức độ nhất định và không thể phục hồi về trạng thái ban đầu.
Nhiều nhà khoa học cho rằng số ca nhập viện vì RSV gia tăng có thể là kết quả của việc mắc Covid-19. Virus đã gây ra sự thiếu hụt miễn dịch, khiến nhiều người dễ bị bệnh. Đây là nguyên nhân khiến số ca nhiễm cúm và RSV đến nay mới gia tăng.
Nếu có nhiều người nhiễm bệnh hơn trong những tháng tới, mùa cúm bùng phát lớn, các khoản "nợ miễn dịch" sẽ được trả hết. Tuy nhiên, các chuyên gia còn chưa rõ Covid-19 liệu có thể trở thành mầm bệnh theo mùa như cúm và RSV, hay nó sẽ tiếp tục lây lan theo xu hướng hiện tại, tạo thành những đỉnh dịch lẻ tẻ theo từng năm.
Các nhà khoa học còn nhiều điều chưa rõ trong bối cảnh Covid-19 lây lan đồng thời với các mầm bệnh thường quy khác. Ví dụ, các hạn chế thời đại dịch dường như ít ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của rhinovirus - loại virus phổ biến nhất gây cảm lạnh. Theo Matthew Miller, chuyên gia miễn dịch tại Đại học McMaster, có thể do virus khá ổn định, ít bị khô và tồn tại lâu hơn trong môi trường.
Thục Linh
(Theo Nature)
Nguồn: https://vnexpress.net/su-bao-thu-cua-cac-virus-gay-benh-ho-hap-4535884.html