Trẻ chậm nói thường do vấn đề về cơ miệng, thính giác, tâm lý và có thể xuất phát từ một bệnh lý nào đó.
Từ 0-2 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành những kỹ năng cơ bản như: tập đi, tập nói, tập ăn... Theo chuyên gia y tế, có rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển lời nói, ngôn ngữ của trẻ. Đó có thể là một bệnh lý hoặc vấn đề về vận động hoặc trí tuệ... Sau đây là một số nguyên nhân và cách khắc phục.
Vấn đề ở não bộ
Chậm nói thường xảy ra khi có vấn đề trong các vùng não, nơi kiểm soát cơ chịu trách nhiệm nói. Do đó, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra âm thanh vì chúng không thể phối hợp cử động của môi, lưỡi và hàm.
Ngoài ra, hiện tượng não không giao tiếp với các cơ mặt cũng gây ra tình trạng apraxia. Nếu mắc phải tình trạng này, trẻ sẽ không thể cử động những nhóm cơ cần thiết để nói.
Chứng tự kỷ
Chậm nói thường gặp ở trẻ tự kỷ. Theo nghiên cứu, một nửa số trẻ 3-4 tuổi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ không thể nói. Đặc biệt, tình trạng rối loạn phổ tự kỷ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ theo những cách khác.
Theo các nhà khoa học lý giải, trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp không lời. Do đó, những trẻ này có thể không biểu lộ nhu cầu và cảm xúc của mình khi được 12 tháng. Bên cạnh đó, chứng tự kỷ cũng gây ra một vấn đề phổ biến khác là chậm phát triển ngôn ngữ. Khi mắc phải tình trạng này, trẻ sẽ có triệu chứng lặp đi lặp lại những từ giống nhau, thường là một cụm từ đã nghe trong chương trình truyền hình, trò chơi điện tử hoặc phim.
Không phải lúc nào các em bé cũng phát triển theo trình tự bình thường, mà có thể gặp phải hiện tượng chậm nói. Ảnh: Freepik
Vấn đề về thính giác
Chứng khó nghe cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nói hay sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ bị khó nghe, chúng thường có xu hướng khó nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ. Một số trẻ mắc chứng rối loạn xử lý thính giác cũng không thể hiểu những gì nghe được.
Khuyết tật trí tuệ
Khuyết tật trí tuệ (chậm phát triển về trí tuệ) ở trẻ là những hạn chế, bất thường trong phát triển trí não. Một số triệu chứng thường thấy là nói không rõ ràng, khó ghi nhớ. Về lâu dài, trẻ sẽ gặp khó khăn khi giao tiếp và tiếp thu chậm hơn so với những trẻ bình thường.
Do bệnh lý
Hở hàm ếch, nhiễm trùng tai, viêm tai giữa là những lý do giải thích cho hiện tượng trẻ bị chậm nói. Với nhóm trẻ mắc bệnh hở hàm ếch, thắng lưỡi (phanh lưỡi) của trẻ sẽ ngắn bất thường, làm hạn chế cử động của đầu lưỡi và khả năng phát âm của trẻ. Ngoài ra, bệnh viêm tai giữa, viêm mạn tính hay các bệnh lý khác liên quan tới thính giác cũng là nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn để hiểu và tập bắt chước lời nói của mọi người xung quanh.
Theo chuyên gia y tế, trẻ có thể bị chậm nói nếu xuất hiện một số dấu hiệu như: không nói được những từ đơn giản khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi; không có khả năng hiểu các từ đơn giản khi 18 tháng tuổi; không nói được những câu ngắn khi lên 3 tuổi hoặc không thể kể một câu chuyện đơn giản khi bước vào độ tuổi từ 4-5 tuổi. Do đó, phụ huynh cần quan sát và đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ rơi vào những trường hợp trên. Khi được chữa trị sớm, trẻ có thể cải thiện kỹ năng nói và phát triển về ngôn ngữ.
Trong đời sống hằng ngày, phụ huynh có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách dành nhiều thời gian để chơi đùa, trò chuyện cùng con cái. Nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen đọc truyện cho bé nghe có thể giúp bé bắt đầu làm quen và tập phản xạ, tương tác lại với mọi người xung quanh. Tránh để trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều vì chúng là nguyên nhân cản trở sự phát triển ngôn ngữ.
Huyền My
(Theo Kids Health)
Nguồn: https://vnexpress.net/nguyen-nhan-khien-tre-cham-noi-4531674.html