Khó ăn, chậm tăng cân, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi quá nhiều, tức ngực…là những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ mắc suy tim cao.
Suy tim khiến tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể. Nhiều người nghĩ rằng suy tim chỉ ảnh hưởng đến người lớn nhưng thực tế mọi lứa tuổi đều có thể chịu ảnh hưởng của suy tim. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 1% trẻ sơ sinh ở nước này mắc một dạng bất thường về tim có thể gây suy tim. Trẻ em mắc suy tim có nguy cơ tử vong cao hơn người lớn. Dấu hiệu suy tim ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có những khác biệt nhất định.
Trẻ lười ăn, không đam mê ăn uống: Trẻ ăn ít hơn khẩu phần ăn theo độ tuổi, bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, không ăn hết 1/2 suất ăn tiêu chuẩn, không tăng cân liên tục trong 3 tháng, buồn nôn khi thấy thức ăn... là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang lười ăn. Những nguyên nhân này có thể do suy tim, máu bơm đến các bộ phận không đều gây rối loạn hoạt động toàn cơ thể, làm trẻ chán ăn.
Lười ăn, chậm tăng cân có thể là dấu hiệu suy tim ở trẻ. Ảnh: Freepik
Chậm tăng trưởng: Tình trạng suy tim khiến trẻ mệt mỏi, giảm cảm giác thèm ăn, ăn không cảm thấy ngon. Lười ăn kéo dài khiến cơ thể trẻ không thu nhận đủ năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng suy giảm sức đề kháng, gây ra tình trạng chậm tăng trưởng.
Nhịp tim nhanh, thở nhanh: Suy tim dẫn đến rối loạn nhịp tim. Nhịp tim bất thường khiến tim bơm máu kém hiệu quả. Một số loại rối loạn nhịp tim không nguy hiểm, nhưng số khác có thể đe dọa tính mạng. Loạn nhịp tim khiến trẻ dễ thở nhanh, hoặc rung tim bất thường.
Da, môi, móng tay thường xuyên tím tái, sẫm màu: Suy tim ảnh hưởng đến lượng oxy trong máu, khiến da xanh tím, nhợt nhạt. Da xanh tím là hiện tượng một vùng da bất kỳ trên cơ thể có màu xanh hoặc tím nhẹ bất thường. Máu giàu oxy là máu có màu đỏ tươi, khi nồng độ oxy thấp thì máu sẽ có màu đỏ sẫm hơn làm cho làn da của trẻ chuyển sang màu xanh tím, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nguyên nhân của tình trạng này là do nồng độ oxy trong tế bào hồng cầu thấp, trẻ bị rối loạn thu nạp oxy do không thể bơm máu đi khắp cơ thể.
Trẻ đổ mồ hôi nhiều: Các bệnh tim bẩm sinh, bất thường về tim như suy tim thường khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều. Ở trẻ, mồ hôi thường tiết ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc nách. Một số trường hợp đổ mồ hôi ở cả mặt. Mồ hôi của trẻ có thể đổ mọi lúc, mọi nơi ngay trong môi trường thoải mái, mát mẻ.
Trẻ mệt mỏi, khó thở: Khi suy tim ảnh hưởng đến phần bên trái của tim, tim sẽ gặp khó khăn trong việc bơm máu ra ngoài cơ thể. Điều này làm cho máu trào ngược vào các mạch trong phổi khiến cơ quan này bị tắc nghẽn. Khi suy tim ảnh hưởng đến phía bên phải của tim, tim gặp khó khăn trong việc bơm máu lên phổi. Máu bị ứ lại trong gan và tĩnh mạch có thể gây ứ nước trong cơ thể. Tắc nghẽn phổi, máu ứ lại trong gan khiến trẻ khó thở, mệt mỏi.
Một số dấu hiệu suy tim ít phổ biến khác trẻ có thể gặp phải như đau bụng, lượng nước tiểu thấp, khả năng chịu đựng khi tập thể dục kém, sưng mắt cá chân, sưng bàn chân, xuất hiện các vết lõm trên da hoặc tích tụ dịch bụng, cổ trướng.
Suy tim ở trẻ sơ sinh khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản. Để chẩn đoán bệnh suy tim ở trẻ, bác sĩ sẽ lấy tiền sử bệnh, tiến hành xét nghiệm máu, chụp X-quang, điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc kiểm tra gắng sức.
Anh Chi
(The Medical News Today)
Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-suy-tim-o-tre-em-4526309.html