Sức khoẻ
   Dấu hiệu trẻ mắc cúm B cần nhập viện
 

Trẻ sốt cao dùng thuốc không đáp ứng, ăn uống kém, mất nước, thở nhanh... là những dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần đưa đi bệnh viện.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp gia tăng, trong đó có cúm B.

PGS.TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) - thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.

Virus cúm B không được phân chia thành nhóm, nhưng gồm có 2 dòng là B/Yamagata và B Victoria. Nhìn chung, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh cho người.

Ở các nước nhiệt đới, bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng chủ yếu gặp vào mùa đông, có thể gây thành dịch không theo quy luật thông thường.

Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm, hoặc chạm vào bề mặt có chứa virus. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 4 ngày, trẻ em và người miễn dịch kém có thể ủ bệnh lâu hơn.

Các triệu chứng thường gặp gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, kiệt sức, nôn, tiêu chảy...

Theo bác sĩ Tuấn, phần lớn bệnh cúm B tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan... nhưng rất hiếm.

Nhóm có nguy cơ biến chứng nặng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ có các bệnh mãn tính như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì...

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus cúm, tùy thuộc vào lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

 

Một em bé khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Về điều trị, dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (không dùng với các trẻ có các bệnh gan), hoặc ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần (không dùng với trẻ có giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), khoảng cách dùng cách 4-6h.

Cho trẻ ăn lỏng, thức ăn mềm, uống thêm nhiều dịch như nước quả, dung dịch orezol. Thông thoáng đường thở bằng nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi bằng bấc bông tự cuốn...

Trẻ mắc cúm B cần đến các cơ sở y tế gồm: sốt cao trên 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt nhưng không được. Hoặc trẻ sốt cao trên 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm. Ngoài ra, trẻ thở nhanh, thở bất thường như thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp; mạch nhanh. Trẻ có biểu hiện mất nước như môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít. Trẻ thay đổi ý thức như trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật. Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều...

"Cha mẹ không tự ý gọi xét nghiệm chẩn đoán cúm B cũng như các xét nghiệm khác, không tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh cũng như các thuốc kháng virus mà nên theo tư vấn, chỉ định bác sĩ", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Tùy thuộc tình trạng của trẻ khi thăm khám, các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, để từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp. Ví dụ, trẻ có nguy cơ cao/trẻ có các biến chứng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng virus (chỉ dùng cho những trường hợp sốt dưới 48h). Nếu có bội nhiễm vi khuẩn sẽ được dùng kháng sinh phù hợp. Nếu có suy hô hấp sẽ được hỗ trợ thở ôxy hoặc thở máy, bù nước điện giải, điều trị suy tim nếu có...

Phòng bệnh cúm B, mọi người cần giữ khoảng cách xa tối thiểu một mét với những người có các triệu chứng cúm. Trẻ có dấu hiệu cúm nên để ở nhà, không đi học. Rửa tay trước khi chạm vào mắt, mũi và miệng. Sử dụng khăn giấy hoặc mặt trong cánh tay khi bạn ho và hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy vào nơi quy định, rửa tay. Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc uống, thìa, bình sữa, đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì tiếp xúc với miệng hoặc mũi. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo.

Lê Nga

Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-tre-mac-cum-b-can-nhap-vien-4529753.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khó dự báo khi cúm vào mùa (27/10)
 Dấu hiệu suy tim ở trẻ em (25/10)
 Trẻ ngủ muộn sau khung giờ này sẽ ảnh hưởng tới trí thông minh và chiều cao (24/10)
 Nguyên nhân kháng kháng sinh gây nguy hiểm (19/10)
 Trẻ bị viêm amidan cấp cần lưu ý gì khi giao mùa? (18/10)
 Phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong giai đoạn giao mùa (15/10)
 Cách phòng dịch bệnh đơn giản từ việc rửa tay (13/10)
 Bảo vệ sức khoẻ khi trẻ tới trường (12/10)
 Phòng, chống dịch bệnh trong trường học: Không chủ quan, lơ là (11/10)
 Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm (10/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i