Sức khoẻ
   Viêm khớp vảy nến ở trẻ em và cách điều trị
 

 

Viêm khớp vảy nến là một bệnh lý kết hợp thương tổn vẩy nến ở da, móng và tình trạng viêm khớp ngoại biên, có kèm theo tổn thương tại cột sống. Bệnh hay gặp ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Các đặc trưng của bệnh bao gồm đau đớn, sưng, cứng khớp có thể kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm.

1. Tổng quan về viêm khớp vảy nến ở trẻ

Viêm khớp vảy nến ở trẻ là bệnh lý xương khớp mạn tính, kéo dài ít nhất trong khoảng 6 tuần ở trẻ em dưới 16 tuổi. Bệnh khó nhận biết, diễn biến của bệnh vô cùng phức tạp.

Viêm khớp vảy nến ở trẻ em chiếm khoảng 8 - 20% các trường hợp viêm khớp ở lứa tuổi này. Tuổi thường gặp từ 9 - 12 tuổi. Tuổi khởi phát là 4 - 5 tuổi đối với trẻ gái và 10 tuổi với trẻ trai. Nhưng bé gái gặp nhiều hơn bé trai, biểu hiện ở khớp có thể xuất hiện trước khi có các biểu hiện ở da khoảng 19%, đồng thời khoảng 16% các biểu hiện ở da lại xuất hiện trước khi có viêm khớp. Trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khớp trước triệu chứng da thì việc khai thác tiền sử gia đình rất cần thiết cho chẩn đoán.

Viêm khớp vảy nến là một bệnh lý kết hợp thương tổn vẩy nến ở da

1. Nguyên nhân viêm khớp vảy nến ở trẻ

Cơ chế bệnh sinh của bệnh cho đến nay vẫn chưa được biết rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng 23,4% - 71% trẻ bị vảy nến có tiền sử trong gia đình có người mắc bệnh. Bệnh có mối liên quan chặt chẽ với kháng nguyên bạch cầu HLA - Cw6. Ngoài ra, bệnh có thể do kết hợp giữa các yếu tố tính chất gia đình và yếu tố môi trường, vai trò của hormone, rối loạn hệ thống miễn dịch và các tác nhân nhiễm khuẩn cũng khiến tăng nguy cơ gây bệnh.

3. Biểu hiện của viêm khớp vảy nến ở trẻ

3.1. Biểu hiện ở khớp:

- Viêm một hoặc vài khớp: Thường viêm những khớp nhỏ ở bàn tay như khớp ngón xa, khớp ngón gần, có thể viêm khớp gối. Các khớp viêm không đối xứng. Thể này thường gặp ở trẻ gái, chiếm tỉ lệ 55 - 70%.

- Ngón tay ngón chân sưng nề, đỏ như hình "khúc dồi": Có thể ở một hoặc nhiều ngón do tình trạng viêm lan tỏa phần mềm ngón tay.

- Viêm nhiều khớp đối xứng ít gặp. Thể này có biểu hiện viêm khớp giống viêm khớp dạng thấp nên dễ chẩn đoán nhầm nếu không chú ý đến những tổn thương kèm theo ở ngoài da. Yếu tố dạng thấp (RF) âm tính.

- Viêm khớp phá hủy khớp nhiều gây tàn phế: Thể này hiếm gặp khoảng 3 - 5%, để lại di chứng nặng nề.

- Thể cột sống: Biểu hiện đau, hạn chế vận động cột sống thắt lưng, viêm các điểm bám tận, viêm khớp cùng chậu. Thể này thường gặp ở trẻ trai. Tỷ lệ mắc bệnh 5 - 33%. Có liên quan nhiều đến kháng nguyên bạch cầu HLA - B27.

Ngón tay sưng nề, đỏ như hình "khúc dồi" là biểu hiện của bệnh viêm khớp vảy nến.

3.2. Biểu hiện ở ngoài da:

- Tổn thương da là những mảng viêm đỏ, phủ nhiều lớp vẩy dễ bong, mầu trắng đục như nến. Thương tổn có kích thước đa dạng, có thể nhỏ vài mm hoặc lan rộng thành mảng. Vị trí tổn thương có thể ở mặt trước của chân, tay, những vùng tì đè, da đầu, những khe kẽ như nách, kẽ mông, nếp lằn dưới vú, thậm chí trong rốn.

‎‎- Tổn thương ở móng: Do tình trạng loạn dưỡng móng, biểu hiện mất mầu móng, dầy móng, lỗ rỗ như kim châm, có thể bong móng.

- Tổn thương viêm mắt: Biểu hiện viêm màng mạch nho, chiếm tỉ lệ 14 -17% trẻ viêm khớp vẩy nến.

4. Chẩn đoán viêm khớp vảy nến ở trẻ

Sau khi khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm: Tốc độ lắng máu, CRP có thể tăng cao trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Tế bào máu ngoại vi thường không thay đổi, khi bị bệnh nhiều năm số lượng hồng cầu có thể giảm.

Các kháng nguyên bạch cầu: HLA - B27 là một yếu tố tiên lượng. HLA - B27 dương tính thường liên quan với viêm khớp vảy nến thể nhẹ và có biểu hiện viêm khớp cùng chậu.

Chụp Xquang cho thấy hình ảnh bào mòn, khuyết xương ở các khớp ngón gần, ngón xa bàn tay, bàn chân. Với thể phá hủy khớp nhiều có thể thấy hình ảnh tiêu xương nhiều ở các xương ngón tay, ngón chân, hình ảnh Xquang xương bị tổn thương giống như hình ảnh "bút chì cắm vào lọ mực". Hình ảnh viêm dính khớp cùng chậu, xơ hóa các dây chằng cột sống giống như viêm cột sống dính khớp. Chủ yếu dựa vào lâm sàng tổn thương da phối hợp với tổn thương khớp. Có một vài tiêu chuẩn chẩn đoán và phân loại bệnh viêm khớp vảy nến thiếu niên.

 

Tổn thương da là những mảng viêm đỏ, phủ nhiều lớp vẩy dễ bong, mầu trắng đục như nến

5. Chẩn đoán phân biệt viêm khớp vảy nến ở trẻ

Trong những trường hợp tổn thương khớp xuất hiện trước khi có các tổn thương da, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khớp khác.

- Viêm khớp thiếu niên tự phát thể một hoặc vài khớp: Cũng thường viêm các khớp nhỏ và nhỡ không đối xứng nhưng không có viêm các khớp ngón xa. Thường tiến triển thành viêm nhiều khớp (>5 khớp) sau một năm. Thường có kháng thể kháng nhân dương tính.

- Viêm khớp thiếu niên tự phát thể nhiều khớp (> 5 khớp): Viêm nhiều khớp có tính chất đối xứng, không có viêm các khớp ngón xa. Thường có yếu tố dạng thấp (RF) dương tính.

- Viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm khớp và các điểm bám tận: Viêm khớp vẩy nến thể cột sống có biểu hiện lâm sàng về xương khớp giống với viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm khớp và các điểm bám tận. Dễ bị chẩn đoán nhầm khi các biểu hiện ngoài da chưa xuất hiện.

6. Điều trị viêm khớp vảy nến ở trẻ

Mục tiêu điều trị là kiểm soát tốt triệu chứng viêm khớp, giúp cho trẻ bị bệnh có thể sử dụng tối đa các khớp tổn thương và phòng ngừa được các biến dạng khớp về sau. Hạn chế tổn thương da nhằm tránh các vấn đề về tâm lý của trẻ cũng là mục tiêu quan trọng.

Kế hoạch điều trị bao gồm:

·        Dùng thuốc

·        Vật lý trị liệu

·        Phục hồi chức năng

·        Chăm sóc mắt

·        Điều trị steroids bôi hay các liệu pháp điều trị da khác.

Điều trị vảy nến ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với thuốc, các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể với từng trường hợp trong đó có sử dụng thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) - là lựa chọn đầu tay để kiểm soát viêm và đau khớp. Thuốc chống viêm giảm đau không Steroid có thể chỉ định một trong các thuốc dưới đây: Aspirin, naproxen, meloxicam, celecoxib, corticoid. Tuy nhiên, corticoid ít được sử dụng để điều trị triệu chứng viêm khớp vẩy nến vì có nguy cơ làm nặng những tổn thương ở da. Có thể chỉ định tiêm corticoid tại những khớp sưng đau nhiều. Tuy nhiên, việc chỉ định tiêm corticoid nội khớp phải rất thận trọng và phải ở những cơ sở y tế chuyên sâu về cơ xương khớp. Hầu hết trẻ mắc bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình đáp ứng điều trị với các loại thuốc bôi tại chỗ (corticosteroid, ức chế calcineurin…). Chỉ khoảng 10 - 20% trẻ em mắc vảy nến trung bình đến nặng (> 10% diện tích cơ thể) không đáp ứng với liệu pháp tại chỗ. Đối với trường hợp như vậy bệnh nhi sẽ phải điều trị liệu pháp ánh sáng hoặc dùng thuốc toàn thân. Ngoài ra, lựa chọn phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác của bệnh nhân.

- Vật lý trị liệu: Cần được phối hợp điều trị sớm nhằm tránh tình trạng dính khớp, giúp trẻ hòa nhập với sinh hoạt hàng ngày càng sớm càng tốt.

- Phẫu thuật chỉnh hình hoặc thay khớp nhân tạo trong trường hợp khớp bị phá hủy nặng.

 

Có thể chỉ định tiêm Corticoid tại những khớp sưng đau nhiều ở người bệnh viêm khớp vảy nến.

7. Kết luận

Hầu hết trẻ em mắc bệnh vảy nến thường là thể nhẹ, chỉ cần điều trị tại chỗ là đủ. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng, phối hợp với tổn thương khớp, có thể kéo dài đến khi trưởng thành và bắt buộc phải điều trị những thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm.

Với những trẻ mắc bệnh vảy nến nói chung, gia đình động viên duy trì các sinh hoạt như những trẻ khác, nếu bệnh tiến triển cho con nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ. Viêm khớp khớp vảy nến ở trẻ có thể có những ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ nên việc điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như thấp khớp học, nhi khoa, phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý kết hợp với sự chăm sóc của gia đình.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bí kíp giúp trẻ không bị nôn trớ hiệu quả mẹ có biết? (24/12)
 Viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống: Nhận biết và cách chăm sóc (23/12)
 Nguyên nhân trẻ hay cựa mình khi ngủ và 10 bước để trẻ ngủ ngon (22/12)
 Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em (21/12)
 Phòng ngừa và nhận biết những biến chứng nguy hiểm do viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ (10/12)
 Chàm sữa ở trẻ em: Phân loại và xử trí đúng, giải tỏa nỗi lo khi mùa đông về (9/12)
 Nguy cơ mắc COVID-19 trầm trọng ở trẻ hen phế quản không được kiểm soát (6/12)
 Sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu? Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện (6/12)
 Sâu răng ở trẻ em: Nhận biết, nguyên nhân và điều trị (2/12)
 Còi xương ở trẻ: Nguyên nhân, cách phòng và điều trị (1/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i