Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ ăn các loại thực phẩm như thịt gà, lợn, bò... từ ít đến nhiều.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bác sĩ trưởng hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, thịt đỏ chủ yếu là thịt gia súc gồm: thịt trâu, bò, dê, lợn, cừu. Thịt trắng chủ yếu là thịt gia cầm gồm: gà, vịt, chim; ngoài ra còn có thêm thịt cá, lươn và ếch. Màu sắc của thịt do một loại protein trong khối cơ có tên myoglobin quyết định. Thịt đỏ thường có màu sẫm hơn thịt trắng vì chứa hàm lượng myoglobin cao hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nên ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, bởi vì lúc này sữa mẹ không đủ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Khi đến tuổi ăn dặm, trẻ có thể ăn được cả thịt đỏ và thịt trắng. Tuy nhiên, việc lựa chọn thực phẩm nào khi trẻ bắt đầu ăn dặm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thói quen ăn uống của mẹ, gia đình, phong tục tập quán và chủng tộc. Nếu mẹ bị dị ứng với thực phẩm nào thì không nên cho trẻ ăn thực phẩm đó khi mới ăn dặm.
Theo thứ tự thực phẩm cho trẻ ăn dặm, bác sĩ Hương khuyến nghị thời gian đầu cho trẻ tập ăn các loại thịt gà, thịt lợn, thịt bò, lòng đỏ trứng. Không nên cho trẻ ăn lòng trắng trứng ở giai đoạn này bởi vì rất dễ gây dị ứng. Lượng thịt cá ban đầu tương đương với một thìa nhỏ, sau đó tăng lên hai thìa nhỏ. Với trẻ 8 tháng tuổi, mẹ nấu khoảng 20 gram thịt cá tương đương với 4 thìa nhỏ hoặc hai thìa 5 ml. Trẻ 9-11 tháng có thể ăn 25 gram thịt cá tương ứng với 2,5 thìa 5 ml. Trẻ 12-23 tháng tuổi nên cho ăn 30-35 gram.
Với tôm, cá, cua, trẻ nên ăn từ 7 tháng tuổi. Các loại thủy hải sản dễ bị nhiễm vi khuẩn, nếu thực phẩm không tươi có thể làm cho protein phân hủy tạo ra các chất như histamin gây dị ứng cho trẻ. Với thịt đỏ, chế biến ở nhiệt độ cao có thể tạo ra những chất tiềm ẩn làm rối loạn chuyển hóa hoặc thậm chí gây ung thư. Vì vậy, trẻ nên ăn thịt đỏ được chế biến ở nhiệt độ vừa phải như luộc, hấp.
Trẻ nên tập ăn dần các loại thịt theo nguyên tắc từ ít đến nhiều. Ảnh: Shutterstock
Các dưỡng chất trong thịt đỏ và thịt trắng
Bác sĩ Hương cho biết, thịt đỏ và thịt trắng có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, là nguồn cung cấp protein và axit amin cần thiết cho cơ thể. Axit amin thiết yếu là axit amin mà cơ thể không thể tổng hợp được, phải ăn từ các thực phẩm ngoài. Lượng protein ở thịt đỏ và thịt trắng không khác nhau nhiều. Trong 100 gram thịt lợn có khoảng 19 gram protein, 100 gram thịt gà có khoảng 22 gram protein và trong 100 gram cá hồi có 22 gram protein.
Thịt đỏ và thịt trắng cung cấp các chất béo khác nhau. Thịt đỏ có nhiều axit béo no và cholesterol hơn thịt trắng, trong khi đó tôm và lươn có nhiều cholesterol hơn thịt đỏ. Lipid trong cá là loại lipid tốt hơn và có nhiều axit béo không no, đặc biệt là omega3 (DHA và EPA) rất cần thiết cho việc phát triển trí não và myelin hóa các dây thần kinh. Ngoài ra, thịt đỏ và thịt trắng còn là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng mà cơ thể không thể tự tổng hợp như các chất khoáng (sắt, kẽm, magie...) và vitamin nhóm B, nhất là vitamin B12. Thịt đỏ có chứa nhiều sắt, kẽm, chất khoáng, còn vitamin nhóm B có nhiều hơn trong thịt trắng.
Thịt đỏ (bò, lợn...) và thịt trắng (gà, vịt...) cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
Bác sĩ Hương cũng chia sẻ thêm, mỗi loại thịt có ưu, nhược điểm khác nhau. Thịt trắng có những ưu điểm hơn thịt đỏ như có khối nạc nhiều hơn thịt đỏ, ít axit béo no nhưng chứa nhiều axit béo không no cần thiết hơn thịt đỏ, nhất là các omega3 như DHA, EPA. Trong cá có nhiều vitamin D, A hơn thịt đỏ. Cá và tôm cũng chứa nhiều canxi hơn thịt đỏ. Trong các hải sản còn có nhiều iot (tham gia vào thành phần cơ bản của hormone tuyến giáp) hơn thịt đỏ. Nếu thiếu hormone tuyến giáp có thể dẫn đến nhiều bệnh như chậm phát triển trí tuệ, trì độn hoặc gây bướu cổ và suy giáp.
Thịt đỏ cũng có lợi thế hơn thịt trắng như có nhiều sắt, kẽm, vitamin nhóm B. Sắt có nhiều vai trò trong cơ thể như tạo máu, oxy và tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa. Khi thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, làm mệt mỏi, thiếu máu nặng có thể gây khó thở, suy tim. Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến trí tuệ, khả năng tập trung ghi nhớ và giảm sức đề kháng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Thiếu kẽm thì trẻ sẽ ăn không ngon miệng, kém hấp thu, chậm phát triển. Vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12, tham gia vào quá trình chuyển hóa trong tế bào, các hoạt động dẫn truyền thần kinh và quá trình tạo máu.
Theo bác sĩ Hương, mỗi loại thịt cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, cần cho trẻ ăn cân đối lượng thịt đỏ và thịt trắng kết hợp với các thực phẩm khác để bổ sung các chất cần thiết giúp phát triển thể chất, trí não và giảm tình trạng mắc bệnh ở trẻ. Nếu trẻ ăn quá nhiều thịt so với nhu cầu và khả năng tiêu hóa sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, khiến chức năng thận và gan phải làm việc nhiều hơn. Điều này cũng có thể khiến trẻ bị táo bón, mất canxi qua nước tiểu. Ngoài ra, nó có thể gây dư thừa năng lượng khiến trẻ bị thừa cân béo phì hoặc mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid.
Nguồn VNE