Nhìn gương mặt suy tư như một bà cụ non của con gái, người mẹ không khỏi sốc nặng nhưng khi nhìn lại bản thân, cô mới nhận ra sai lầm của mình.
"Mẹ ơi con không muốn mang thai đâu!", cô con gái 6 tuổi bỗng nghiêm nghị nói với tôi khi đang ngồi chơi trên ghế sofa.
"Hả? Con nói gì cơ?", tôi như chết sững trước câu nói của con, cứ ngỡ rằng mình đã nghe nhầm.
"Con nói là con không muốn có thai. Tại vì có thai mệt mỏi lắm, còn bị đau lưng và đau chân. Con không muốn bị như vậy", con gái trầm ngâm.
Nhìn bộ dạng nghiêm túc của con gái tôi trông chẳng khác gì một bà cụ non. Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời con: "Mẹ ủng hộ con. Sau này con lớn, con thích kết hôn hoặc muốn sinh con hay không đều do con quyết định. Mẹ thì không có được can đảm như con rồi!".
Nhìn đứa con gái trước mặt và nghĩ lại khoảng thời gian qua, tôi cảm thấy mình đã rơi vào trạng thái trầm cảm và trở thành ví dụ thật tồi tệ trong mắt con gái.
Hai năm trước, tôi bắt đầu có ý định sinh đứa con thứ hai. Thú thật, bản thân tôi cũng không chắc mình thật sự muốn có thêm con nữa hay không. Nhưng các cụ luôn hối thúc tôi nên có thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà, kiếm con trai nối dõi.
Những người thân, bạn bè xung quanh tôi đều khuyên hãy mau mau sinh xong một lần khi tuổi còn trẻ, nuôi con sẽ đỡ cực. Trước áp lực từ những người xung quanh, tôi bắt đầu con đường dài tìm con của mình.
Nửa năm sau, mọi nỗ lực kiếm con của hai vợ chồng đều không thành công. Tôi cảm thấy sốt ruột, không hiểu nguyên nhân vì sao nên chạy ngược chạy xuôi đi khám. Từ phòng khám này đến bệnh viện khác, hễ nghe có bác sĩ mát tay là tôi lại đến khám. Tôi không nhớ mình đã uống bao nhiêu loại thuốc và bao nhiêu chén thuốc bắc, kết quả là tôi vẫn không có thai.
Trong khoảng hai năm, tôi từ một phụ nữ tràn đầy hy vọng trở nên thất vọng đến gần như tuyệt vọng.
Đến cuối cùng, tôi cũng đã có thai vào đầu năm 2020. Tưởng rằng cái thai sẽ mang đến cho tôi sự mãn nguyện và niềm vui tột cùng, thế nhưng mọi thứ đều không như tôi nghĩ.
Khi tôi mang thai được vài tháng thì cả nước bùng dịch, mọi người đều phải thực hiện cách ly ở nhà. Thời gian này tôi không đi khám thai được và cũng bắt đầu thấy bản thân xuất hiện cảm giác tiêu cực. Ở nhà tôi không thể ngủ vào ban đêm, không muốn gặp ai, không thích nói chuyện và thường trốn trong phòng khóc lóc... Đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời tôi.
Trong quá trình mang thai, tôi đi từ lo lắng này đến nỗi sợ hãi khác. Tôi lo mình bị sẩy thai giai đoạn đầu, lo thai nhi sẽ bị dị tật ở giai đoạn giữa, lo sợ về việc đẻ non trong giai đoạn cuối... Như thể nỗi lo lúc nào cũng quanh quẩn trong suy nghĩ, không rời bỏ tôi một giây phút nào.
Con gái lớn của chúng tôi thời điểm này chuẩn bị lên tiểu học. Vợ chồng tôi vốn dĩ chẳng lo nghĩ gì nhiều và cho rằng con bé thông minh sáng dạ chắc chắn sẽ không gặp khó khăn gì khi lên cấp tiểu học.
Thế rồi sau cái lần gia đình tôi đến chơi nhà họ hàng, cái nhìn đơn thuần về thế giới của tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn, khiến tôi mất đi sự tự tin, trong lòng chỉ ngập tràn lo lắng và hoang mang. Trong khi những anh chị em họ cùng tuổi con gái tôi đã biết đọc và làm toán trong phạm vi 50 thì con gái tôi, đếm đến số 10 vẫn còn phải nhìn ngón tay.
Tôi bỗng dưng có sự so sánh về trình độ của con gái với những đứa trẻ cùng trang lứa. Theo đà phát triển và sự đổi mới trong tuyển sinh thì có vẻ như con tôi đã bị bỏ lại rất xa và có thể sẽ rất khó để vào được một ngôi trường tốt.
Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ phải tốn bao nhiêu chi phí cho các con theo các lớp học thêm thì chúng mới có được một môi trường học tập tốt? Tôi tự hỏi trẻ sinh ra trong gia đình lao động bình thường với thu nhập cơ bản, làm sao có thể cạnh tranh lại với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện khá giả?
Còn tôi, lo cho một đứa còn chưa xong, giờ lại có thêm đứa thứ hai. Nhìn vào đứa trẻ chưa chào đời, nhiều lúc tôi chỉ cảm thấy hối hận. Rất nhiều lần tôi suy nghĩ, mình có thật sự muốn đứa con này hay chỉ là nhiệm vụ để làm vui lòng bố mẹ, ông bà. Tiếc rằng câu trả lời của tôi luôn nằm ở vế phía sau.
Tôi không ở đây để truyền tải sự lo lắng bất an mà chỉ hy vọng rằng phụ nữ chọn lựa sinh hay không sinh con thứ hai, nên suy nghĩ thật kỹ, hãy xem xét thật cẩn thận về đủ yếu tố. Đừng vì mong ước của bất kỳ ai, đừng vì suy nghĩ "sinh xong sớm cho khỏe" hay vì lời khuyên bảo của những người ngoài cuộc. Đến cuối cùng, người sinh con ra thì sẽ phải mang trách nhiệm với con suốt cuộc đời chứ không phải là ai khác.
Nguồn: Pháp luật và bạn đọc