Nhiều khi các mẹ các bà "không từ thủ đoạn" nào để dụ con ăn cho hết bát: vừa chơi vừa ăn, vừa xem điện thoại ipad tivi vừa ăn. Chuyên gia chỉ ra đó là sai lầm!
Cha mẹ đừng căng thẳng khi con không chịu ăn, vì làm như vậy không có tác dụng gì cả, và cũng chẳng làm cho tình hình cải thiện hơn tí nào đâu!
Vì sao vậy? Vì trẻ con đơn giản lắm. Trẻ con không biết nhịn đói để giữ eo giống như chúng ta. Trẻ con cũng không thể cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ như người lớn vì những mục đích như: luyện phim, xem đá bóng, đi chơi, chat chit đêm khuya... Tất cả nằm ở nhu cầu và cảm xúc của con đối với việc ăn uống, cũng như lịch sinh hoạt phù hợp với đặc điểm và nhu cầu giấc ngủ của con thôi.
Vì sao không nên ép con ăn?
Có 2 điều quan trọng đối với việc ăn của con mình muốn nhấn mạnh: nhu cầu và cảm xúc của con không khác gì của người lớn chúng ta.
1. Nhu cầu: Con sẽ ăn khi con đói, khi con muốn ăn, khi con cảm thấy con cần phải ăn.
Có nhiều phụ huynh than thở với mình là:
"Mọi bữa con ăn được cả một bát to, mấy hôm nay lại dở chứng không chịu ăn".
"Mọi hôm ăn được hết từng ấy, thì hôm nay phải ăn được chứ. Không thể bỏ dở được, phải làm mọi cách để ăn cho hết. Không ăn thì sụt cân mất".
Đôi khi các mẹ các bà "không từ thủ đoạn" nào để dụ con ăn cho hết bát: vừa chơi vừa ăn, vừa xem điện thoại ipad tivi vừa ăn,... hoặc nhiều mẹ suốt ngày than là "Đến bữa không ăn tí gì", nhưng khi hỏi kỹ thì hóa ra "Ngoài bữa" thì con ăn cũng kha khá váng sữa, bánh ăn dặm, kẹo, sữa chua... Vậy thì rõ ràng là con có ăn, chứ đâu phải con "không ăn tí gì".
2. Cảm xúc: Ngoài cảm giác đói no cơ bản, thái độ của con đối với việc ăn uống cũng ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. Cảm xúc với việc ăn uống trở nên tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc:
- Mỗi khi đến bữa ăn, mẹ và bà làm cho con cảm thấy đó là niềm vui hay một nhiệm vụ căng thẳng không khác gì cực hình?
- Khi con không muốn ăn nữa, mẹ và bà tôn trọng ý muốn của con, hay than ngắn thở dài, tiếc rẻ công sức nấu nướng và bắt con phải ăn hết bằng mọi giá?
- Khi con không muốn ăn nữa, mẹ và bà vui vẻ cho con dừng bữa, hay căng thẳng tột độ, hậm hực và dọa dẫm "cho nhịn đói cho biết thế nào là lễ độ" (mà sự thực là sốt ruột chết đi được chứ có cho nhịn được đâu).
- Con cũng có cảm xúc giống như chúng ta, nếu con không cảm thấy ăn uống là niềm vui, làm sao con ăn ngon miệng được?
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nhu cầu ăn uống của con có những đặc điểm sau
- Tốc độ phát triển chậm lại một chút, nên nhu cầu năng lượng con cần dung nạp vào cũng giảm bớt theo.
- Con tăng trưởng từng đợt theo vài tuần, nên con sẽ chỉ ăn nhiều trong những đợt tăng trưởng đó. Con hầu như không thể duy trì một lượng ăn cố định bữa nào cũng như nhau.
- Con đã lớn biết thể hiện sở thích và ý muốn, tự quyết định được nhu cầu. Con muốn mọi người tôn trọng con.
Con mình có bỏ ăn, chán ăn và biếng ăn không? Có, có và có!
Hồi An 16 tháng tuổi, gia đình mình làm một chuyến du lịch Châu Âu 2 tuần. Có những ngày An ăn như sau:
Bữa sáng: chỉ uống sữa và ăn chút xíu xiu bánh mì.
Bữa trưa, chỉ ăn đúng thịt gà.
Bữa tối: về nhà người quen được cho ăn phở, thì bạn ấy chỉ ăn đúng mỗi hành boarô.
Thế là người mẹ đành AQ rằng: "thôi không sao, cả ngày 3 bữa gộp lại cũng đủ đạm - tinh bột - chất xơ". Những cũng có ngày thì ăn ngấu nghiến không từ món gì.
Bây giờ An đã 2,5 tuổi, không còn "ăn thùng uống vại" như hồi hơn 1 tuổi nữa, mà đã có khả năng lựa chọn, õng ẹo, trả giá mỗi khi tới bữa ăn. "Mẹ đọc cho An 3 quyển sách rồi An sẽ đi ăn cơm nhá!" Và cũng có những ngày liên tục chỉ ăn 3 muỗng cơm và 2 muỗng canh, nhưng sau đó thì lại ăn trở lại như bình thường.
Vì vậy, các mẹ các bà nếu thấy con có biếng ăn hay thậm chí "không chịu ăn gì" trong khoảng thời gian ngắn thì cũng đừng vội sốt ruột nhé! Hãy để ý đến khoảng thời gian phát triển của con để biết con đang cần gì.
Nguồn Afamily