Bức thư của một bé gái với nội dung trách móc bố mẹ từ khi sinh thêm em bé đã coi em như là osin, chê con học dốt... được lan truyền trên mạng xã hội đang thu hút cư dân mạng. Thực tế, tình trạng so sánh "bên nặng bên nhẹ" giữa các con trong nhà gặp ở nhiều gia đình và đã có chuyện đau lòng xảy ra từ điều này.
Mạng xã hội những ngày này đang lan truyền một bức thư của bé gái ở chung cư Hà Nội. Câu chuyện chưa rõ là cố tình hay không nhưng nội dung bức thư đã khiến nhiều người phải suy ngẫm về những "tâm tình" mà cô bé gửi gắm trong bức thư.
Trong bức thư có đoạn viết: "Con lúc 2 tuổi, 3 và 4 tuổi, bố mẹ đang rất yêu thương con thì tự dưng lại có một đứa không biết từ đâu bay ra mà lại cướp bố mẹ của con. Từ ngày có nó bố mẹ luôn coi con như là osin, cái gì cũng nhờ. Nó cấu con thì bố mẹ con lại bảo nó cấu lại. Con ghét nó. Nó không nên có mặt trong gia đình con. Ai cũng yêu quý nó.
Bố mẹ lúc nào cũng chê mình học dốt, còn luôn khen em là học giỏi, lớn lên đi làm bác sĩ. Còn chị con thì học rõ dốt thì cho đi làm ăn mày. Con học dốt thật sao? Con được làm: Chi đội trưởng, liên đội phó, lớp phó, lớp trưởng thể dục... Vì vậy, nếu ai có 2 con thì xin cô chú hãy đối tốt với con cả".
Khi bức thư này chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng việc chê con, so sánh con, "bên nặng bên nhẹ" giữa các con trong nhà ra mặt khiến con nghĩ mình bị bỏ rơi, ra rìa như trường hợp trên không phải hiếm.
Đã có những em bé than rằng từ lúc có em bé, bố mẹ chẳng còn quan tâm, chẳng còn ôm cháu như trước kia... Hay như có nhiều em bé còn lén đánh em, bóp cổ em mà may mắn bố mẹ phát hiện được. Thậm chí, đau lòng hơn là trẻ ra tay giết người như bé 8 tuổi ném em sơ sinh khỏi ban công vì cảm thấy mình bị "ra rìa" đã từng khiến dư luận bàng hoàng.
Ảnh minh họa
Em N.T.T (Hưng Yên) học sinh lớp 10 mà tôi đã trò chuyện cũng tổn thương tâm lý nặng vì tình trạng này. Em kể, gần đây vì mâu thuẫn với mẹ mà không còn tâm trạng, không thể tiếp thu khi học. Em luôn thấy ức chế, tinh thần suy sụp khi nhắc đến mẹ, tới nỗi chẳng làm việc gì. Hỏi ra mới biết, mọi thứ bắt nguồn từ việc mẹ em thường xuyên lấy hình ảnh của cô chị học giỏi để so sánh, gây áp lực cho em. Mẹ luôn muốn em phải giỏi như chị, quan tâm đến chị mà bỏ "quên" em đi khiến em không thể chịu nổi dẫn tới trầm cảm.
Theo TS tâm lý Phạm Thị Thúy, việc so sánh người này với một người kia, với thái độ đề cao người khác rồi coi thường người này là một điều tối kị. Việc đó càng nguy hiểm hơn với trẻ nhỏ, trẻ ở độ tuổi mới lớn trong quá trình khẳng định bản thân, muốn được nhìn nhận, muốn được tôn trọng.
So với trẻ, người lớn có một lăng kính, quan điểm và nhìn nhận khác. Đôi khi, cha mẹ cứ nghĩ việc so sánh vậy là tốt cho con mà áp đặt theo ý mình, không cần thấy hiểu tâm tư của con. Đều này rất nguy hiểm vì khi trẻ không cảm nhận được tôn trọng, có tiếng nói trong cuộc sống của chính mình sẽ dẫn tới phản kháng bằng nhiều cách khác nhau. Có những trẻ phản kháng bằng cách trở nên lầm lì, tổn thương tâm lý lâu dài, có trẻ lại phản ứng la hét, chửi bới và có những trẻ lại ngấm ngầm oán giận, căm ghét cha mẹ...
Việc so sánh cũng khiến cho trẻ thiếu đi sự tự tin đối với bản thân. Bởi trẻ hiểu mình không được cha mẹ thừa nhận, từ đó bỏ qua thế mạnh của mình. Trẻ cũng tiêu cực, thay vì nhận ra vấn đề của mình lại ghét người mà mình được so sánh, thậm chí làm hại người đó... Nếu trẻ không thể hiện hành vi lên những đối tượng khác mà ứng xử chính mình thường dẫn tới trầm cảm, stress...
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, có nhiều gia đình khi có thêm em bé, những anh, chị lớn tuổi hơn thường ghen với em. Nếu không hiểu tâm lý này, không yêu thương đứa lớn hết mực sẽ làm tính ghen của trẻ phát triển. Chỉ với những lời nói thiếu tâm lý của bố mẹ như "làm gì mà để em ngã thì chết với bố mẹ", "Con lớn phải nhường nhịn em"... Lâu dần với tính ghen và thêm một chất "xúc tác" sẽ là tác nhân châm ngòi cho những hành động sát hại em của đứa trẻ mà cha mẹ không lường trước được.
Mỗi đứa trẻ sẽ có những ưu thế riêng của mình, không đứa nào giống đứa nào. Bởi vậy, việc yêu thương trẻ, cha mẹ cần thực hiện thường xuyên để trẻ không cảm thấy mình là người kém cỏi, là người "bỏ đi".
Nguồn Giadinh.net.vn