Đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ bắt đầu có khả năng tự ý thức về bản thân mình và cảm nhận được tình yêu của bố mẹ. Đó là lúc chúng thường thắc mắc rằng, liệu bố mẹ có yêu thương chúng không?
"Mẹ ơi, mẹ có yêu con không?"
Trong quá trình phát triển tâm sinh lý, gần như mỗi đứa trẻ đều trải qua giai đoạn cảm thấy sợ hãi và hoài nghi về tình cảm của bố mẹ, chúng nổi loạn vì muốn được quan tâm nhiều hơn, muốn được yêu thương nhiều hơn và cũng vì vậy đã gây ra nhiều rắc rối trong gia đình.
Có một người mẹ từng chia sẻ câu chuyện của con gái mình. Cô bé được 3 tuổi 4 tháng và bỗng nhiên một ngày đẹp trời, cô bé bắt đầu có những hành vi lạ thường.
"Một buổi sáng nọ, bà ngoại vào giường đánh thức Tiểu Thiện dậy và định đưa con bé vào toilet để làm vệ sinh cá nhân. Tiểu Thiện không đồng ý và nói muốn được đi vệ sinh ngay trên giường. Bà ngoại rất bất ngờ, chưa kịp phản ứng thì Tiểu Thiện đã tè ra ướt nệm.
Bà ngoại đã rất tức giận, không nói một lời nào trong suốt quá trình thay quần áo và dọn dẹp cho con bé. Bất chợt, Tiểu Thiện nhìn thật lâu vào bà ngoại rồi tròn mắt hỏi: "Bà ơi, bà có yêu cháu không?".
Bà ngoại không trả lời nhưng Tiểu Thiện vẫn tiếp tục hỏi đi hỏi lại. Cuối cùng bà ngoại miễn cưỡng nói: "Khi nào nệm khô thì bà sẽ yêu cháu".
Đó không phải là lần duy nhất Tiểu Thiện có hành động lạ lùng như thế. Trong một khoảng thời gian, con bé thường xuyên làm những việc trái với quy tắc hoặc nghịch phá. Sau đó con bé lại chạy đến bên tôi và hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có yêu con không?".
Tôi cho rằng con bé đang muốn thử các giới hạn của nó và của cả nhà. Nhưng cũng có thể, có vấn đề gì khác tiềm ẩn phía sau mà tôi chưa hiểu được"
Có những bí mật đằng sau câu hỏi "Bố mẹ có yêu con không?"
Đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ bắt đầu có khả năng tự ý thức về bản thân mình và cảm nhận được tình yêu của bố mẹ. Đó là lúc chúng thường thắc mắc rằng, liệu bố mẹ có yêu thương chúng không? Dĩ nhiên câu trả lời của chúng ta thường sẽ là: "Con ngốc thế, bố mẹ đương nhiên yêu con rồi!"
Nhưng bố mẹ có biết rằng khi đứa trẻ nêu ra câu hỏi này đằng sau nó ẩn chứa rất nhiều suy tư hay không?
Trẻ cố tình làm sai để thu hút sự chú ý của bố mẹ
Hàng ngày bố và mẹ đều bận rộn công việc, thường xuyên đi sớm về muộn, ít gặp nhau và cũng không có nhiều thời gian để giao tiếp với con cái. Trong khoảng thời gian ít ỏi ở cạnh con, phụ huynh thường lại tìm thấy những lỗi sai để la rầy, giáo dục con mình. Vì lý do này, con lại càng muốn làm sai nhiều hơn, có như vậy chúng sẽ "được" bố mẹ la mắng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều thời gian ở cạnh bố mẹ.
Trẻ đang trong giai đoạn cảm xúc nhạy cảm
Nhiều phụ huynh phát hiện rằng đến khoảng 4-5 tuổi, con mình bỗng dưng thích được ôm ấp, cưng nựng và bám bố mẹ nhiều hơn. Chúng cũng sẽ liên tục hỏi rằng "Bố mẹ yêu con không?" và khiến phụ huynh phát điên với hành vi lạ kỳ đó.
Có thể nói, trẻ ở độ tuổi này đang trải qua thời kỳ rất nhạy cảm về mặt cảm xúc. Chúng dễ dàng bị tổn thương bởi lời nói hoặc sự mất kiên nhẫn của bố mẹ. Sự nghi ngờ của trẻ trong giai đoạn này chủ yếu bởi chúng chưa thể hiểu hết ý nghĩa của từ ngữ như: yêu, rất yêu... Và để cảm thấy yên tâm, tự tin hơn về bản thân, chúng sẽ thường xuyên lặp lại câu hỏi với bố mẹ.
Bố mẹ quá nghiêm khắc
Trong mắt bố mẹ, họ cho rằng sự giáo dục nghiêm khắc, những đòi hỏi cao và các quy định chặt chẽ trong việc quản lý con cái đều là muốn tốt cho con cả. Tuy nhiên cũng chính sự nghiêm khắc quá đáng này đã làm cho tâm lý của đứa trẻ trở nên bất an, mệt mỏi, chán nản, nảy sinh cảm giác bị tổn thương, bị bố mẹ ghét bỏ.
Bố mẹ yêu con vô điều kiện hay không?
Đã bao giờ bạn nói với con: "Ăn nhanh đi rồi mẹ thương", "Con đi ngủ sớm mẹ mới yêu"... hay những câu điều kiện tương tự?
Bố mẹ cho rằng bằng cách này họ có thể thúc đẩy con ngoan hơn, làm nhiều việc tốt hơn nhưng cũng vì vậy đã khiến cho đứa trẻ rất hoang mang. Phải chăng vì con là đứa trẻ ngoan thì bố mẹ mới yêu, khi con cư xử không tốt thì bố mẹ không còn yêu con nữa?
3 việc bố mẹ nên làm nhiều hơn để khiến con cảm thấy mình được yêu thương
Việc gắn quá nhiều "điều kiện" vào tình yêu sẽ không khiến trẻ ngoan hơn mà ngược lại, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ không yêu mình, không quan tâm đến cảm xúc của mình và điều này tạo ra nhiều kết quả tiêu cực. Chính vì vậy trong cuộc sống thường ngày, bố mẹ nên tăng cường làm 3 việc sau:
1. Quan tâm đến con nhiều hơn.
2. Đồng hành cùng con nhiều hơn.
3. Nói yêu con nhiều hơn và thể hiện tình cảm rõ ràng hơn.
"Mẹ có yêu con không?" là câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều cảm xúc khó nói của trẻ. Bố mẹ đừng nên xem thường hoặc bỏ qua câu hỏi nhạy cảm này của con, thay vào đó cần cho con thêm nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Có như vậy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái càng trở nên khắng khít, đứa trẻ cũng sẽ tự tin hơn, có được cảm giác an toàn và hiểu rằng cho dù thế nào đi nữa, bố mẹ cũng đều yêu thương con hết mực.
Nguồn Pháp luật và bạn đọc