Không lâu sau khi nhận được con búp bê, cô bé bỗng dưng bị mất ngủ, quấy khóc, tinh thần sa sút. Đến khi đưa con đi bác sĩ, bố mẹ thật sự ngỡ ngàng trước nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Ngày nay những đồ chơi cho trẻ em đã trở nên vô cùng đa dạng và cực kỳ bắt mắt. Không chỉ có thêm nhiều chức năng thú vị, đồ chơi hiện đại còn mang tính mô phỏng cao và trông rất giống với đồ thật.
Dĩ nhiên, đồ chơi mô phỏng như thật sẽ có giá trị không hề nhỏ, nhưng đối với nhiều phụ huynh, chỉ cần con được vui, bố mẹ sẽ không tiếc bất cứ điều gì. Đáng tiếc, cũng vì đồ chơi giống thật lại có thể gây hại cho con mà bố mẹ không hay biết.
Nhân dịp sinh nhật 3 tuổi của Hân Hân, bố mẹ bé đã đặc biệt đặt mua một con búp bê vô cùng tinh xảo ở nước ngoài về để làm quà cho cô bé. Hân Hân ôm con búp bê vào lòng sung sướng, cười đến không ngừng miệng. Cô bé rất cưng con búp bê mà bố mẹ tặng cho, lúc nào cũng chăm sóc như em bé, mỗi tối đi ngủ đều đặt ở cạnh giường.
(Ảnh minh họa)
Chẳng bao lâu sau, Hân Hân bắt đầu có những biểu hiện rất lạ. Cô bé thường thức dậy nửa đêm và quấy khóc. Bố mẹ cô bé ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là con gái chưa quen ngủ một mình nên mới không ngon giấc, sau đó họ cố gắng dỗ dành và đưa con trở lại giường.
Tuy nhiên, tình trạng của Hân Hân mỗi ngày đều chuyển biến tệ hơn. Bé không chỉ thường xuyên quấy phá, mất ngủ ban đêm mà ban ngày cũng mệt mỏi, tinh thần rất tệ. Đến một hôm, Hân Hân bỗng sốt cao. Cô bé mê man cứ liên tục nói với mẹ: "Con búp bê cứ nhìn con chằm chằm mẹ ơi. Con sợ!".
Bố mẹ Hân Hân lấy làm ngạc nhiên. Nó chỉ là một con búp bê rất bình thường, vốn được Hân Hân yêu thích, làm sao lại khiến cho con bé trở nên ám ảnh như vậy? Họ cảm thấy lời con gái nói thật khó tin, cuối cùng quyết định đưa cô bé đến bác sĩ kiểm tra xem có vấn đề gì.
Sau khi tìm hiểu sự tình, vị bác sĩ liền gật gù nói rằng: "Đó là sự thật. Hân Hân không nói dối đâu".
Bác sĩ giải thích rằng một số búp bê được thiết kế đôi mắt y như thật, đặt nằm ra thì mắt đóng lại, ngồi dậy thì mắt lại mở ra. Có thể vì vậy mà đứa trẻ có cảm giác rằng con búp bê đang nhìn thẳng vào bé. Bên cạnh đó, một số yếu tố tâm lý khác cũng ảnh hưởng đến nỗi sợ của trẻ với búp bê, đặc biệt là những loại búp bê giống y như thật.
Tâm lý "vật linh"
Ở một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của trẻ, chúng sẽ có tâm lý "vật linh", tức là luôn nhìn thấy sự sống trong tất cả mọi vật xung quanh. Bố mẹ có thể thấy con mình nói chuyện với cái gối, gấu bông, đồ chơi, búp bê hay những đồ vật khác... đó là một hiện tượng rất bình thường và khỏe mạnh.
Cũng vì thế trong mắt trẻ con, búp bê cũng là một sinh vật sống và khi thấy búp bê cứ nhìn vào mình lúc nửa đêm trong một khoảng thời gian dài sẽ tạo cho đứa trẻ cảm giác bất an, dần dà hình thành nên nỗi sợ hãi.
Hiệu ứng Uncanny Valley
Là một định nghĩa được đưa ra vào năm 1970, bởi kỹ sư thiết kế robot người Nhật Bản, ông Masahiro Mori. Hiệu ứng này được hiểu đơn giản là khi một thứ gì đó không phải con người nhưng lại rất giống người sẽ khiến người ta cảm thấy thú vị và hấp dẫn. Tuy nhiên khi một vật trở nên quá giống với con người, tới một mức độ nào đó, chúng sẽ gây ra sự sợ hãi và ghê tởm đối với chúng ta.
Nói cách khác, nếu con búp bê trông không giống thật, có thể người ta sẽ cảm thấy thích nhưng một khi con búp bê trông quá thật, hoặc có những chức năng như người thật sẽ khiến cho người khác cảm thấy ghê rợn.
Bác sĩ cho rằng Hân Hân do bị ảnh hưởng bởi tâm lý trên nên đã làm con búp bê trở nên đáng sợ trong mắt cô bé. Ban ngày có thể không sao, nhưng đến khi đi ngủ, cô bé phải đối diện với đôi mắt mở to của búp bê và đã gây ra nỗi ám ảnh lớn, khiến tinh thần sa sút.
Chính vì thế, khi bố mẹ mua đồ chơi cho con, nên cẩn thận lựa chọn để tránh gây ra sự tổn thương tinh thần không đáng có đối với đứa trẻ. Bố mẹ không nên chọn loại búp bê trông quá sống động như thật hoặc cách tốt nhất là để con chơi xong thì cất vào tủ, đặt bên ngoài phòng ngủ để không gây ra ám ảnh cho con.
Nguồn: Sohu