Hơn 10 năm công tác tại 6 điểm trường, thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ nhỏ trên những bản cao, cô Triệu Mùi Viển (Trường Mầm non Bộc Bố, Pác Nặm, Bắc Kạn) chỉ mong sao học trò có được… bữa trưa đủ no.
Cô giáo Triệu Mùi Viển bên các học trò
Dành thanh xuân cho điểm trường vùng khó
Triệu Mùi Viển sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Pác Nặm. Bố mẹ làm nông, từ nhỏ Viển đã quen với việc leo đồi, lội suối đi làm nương, rẫy để tìm cái ăn. Năm 1995, lớp học đầu tiên được mở tại điểm trường Nà Mặn (xã Công Bằng), Viển may mắn được đi học, được các thầy cô hết lòng thương yêu dạy dỗ. Hình ảnh thầy cô đứng trên bục giảng say sưa dạy chữ, múa hát cho học sinh đã thôi thúc Viển quyết tâm học để sau này được làm cô giáo.
Lên cấp 2, Viển phải ở trọ xa nhà hơn 12km. Giao thông đi lại khó khăn, phải lội suối, leo đồi rất vất vả, đôi lúc cô gái nhỏ cũng nản lòng muốn bỏ học, nhưng nghĩ đến mong muốn thay đổi cuộc sống của bản thân, trẻ em nơi bản làng, Viển lại quyết tâm thực hiện ước mơ.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Mầm non, những ngày đầu mới ra trường, cô giáo trẻ Triệu Mùi Viển xung phong đi dạy hợp đồng tại điểm trường Ngảm Váng (Trường Mầm non Nhạn Môn). Lớp có 21 học sinh là con em dân tộc Mông, số học sinh biết tiếng Việt là 4/21 học sinh, 100% là con em hộ nghèo.
Đến năm 2010, cô tiếp tục xin đi dạy hợp đồng tại điểm trường Nặm Sai (Trường Mầm non Công Bằng), cách trung tâm xã 7km, đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ từ điểm trường chính. Một mình cô chăm con nhỏ vừa tròn 6 tháng tuổi, trọ ở điểm trường, heo hút, không có điện thắp sáng, không có điện thoại.
Năm 2013, cô may mắn trúng tuyển và được phân công giảng dạy ở điểm trường Nặm Nhả (Trường Mầm non Xuân La), nơi có 100% học sinh là dân tộc Dao và Mông, việc sử dụng tiếng Việt của trẻ rất hạn chế.
Những năm sau đó, cô Viển tiếp tục giảng dạy ở điểm trường các bản cao của xã Bộc Bố: Khâu Vai, Lủng Pảng, Nặm May với học sinh dân tộc Mông, Dao, Tày, Sán Chỉ. Gia đình các em đều thuộc diện hộ nghèo, thiếu thốn đủ đường từ cái ăn, cái mặc, đồ dùng.
Sau hơn mười năm tự học ngôn ngữ của đồng bào để giao tiếp khi dạy trẻ, thành thạo các tiếng Dao, Mông, Tày, đến nay cô Viển được người dân coi như người con của bản.
“Là người con của quê hương, quyết tâm đi học và trở về gắn bó với bản làng, cô giáo Triệu Mùi Viển là tấm gương đẹp về ý chí tự vượt khó vươn lên và tinh thần cống hiến không ngại khó, ngại khổ” - ông Hoàng Văn Duy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Pác Nặm nói về cô giáo trẻ tài năng, tâm huyết của quê nhà.
Niềm vui lớp học là động lực để cô giáo trẻ gắn bó, cống hiến
Ngậm ngùi điều ước của GV cắm bản
Một ngày làm việc, cô Viển luôn tất bật, từ sáng sớm đã chuẩn bị hành trang lên núi, đến chiều buông lại tất tả trở về với gia đình. Nhưng dù công việc vất vả đến mấy, cô cũng không thấy nản lòng. Chỉ có điều trăn trở nhất, ấy là nhìn các cháu nhỏ trên những bản cao ngày ngày sống và học trong thiếu thốn.
Là người con của dân tộc Dao, cô thấu hiểu những khó khăn của các em trong việc đi học, khi mà bố mẹ, người thân không quan tâm chăm sóc, đường đi lại xa xôi cách trở, nguy hiểm. Đấy là chưa kể những hệ lụy của việc tảo hôn dẫn đến sinh con ra mà không làm được giấy khai sinh, khi con đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo không có hồ sơ nhập học.
“Đường đồi núi như thế mà các em đi lại hằng ngày, có cháu không có dép phải đi chân đất. Những ngày mưa không mũ nón, có cháu bị ướt hết. Bữa ăn trưa thì thương lắm, chẳng có gì bởi gia đình các em nghèo lắm” - cô Viển trầm giọng chia sẻ.
Hỏi về tâm nguyện, cô Viển nhắc đi nhắc lại chuyện bữa ăn trưa cho các cháu. “Chế độ là 149 nghìn tiền ăn cho mỗi cháu/tháng, các cô giáo không biết xoay sở tính toán làm sao để có 1 bữa trưa và 1 bữa phụ tàm tạm cho trẻ. Tiền ăn của cả năm học chỉ thực hiện khoảng 4 tháng đã hết rồi, vô cùng khó khăn. Không có bữa trưa ở trường, trẻ sẽ phải về nhà, mà đã về là buổi chiều nghỉ luôn chứ không quay lại lớp nữa. Bây giờ nếu có điều ước, tôi chỉ mong các điểm trường có bếp ăn và bữa trưa đủ no, bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu” - cô Viển xót xa.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn