Cảm xúc mầm non
   Cô giáo mầm non Phạm Thị Lý rèn kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ
 

 

Cùng với dạy kiến thức cho trẻ mầm non, cô giáo Phạm Thị Lý (Hải Phòng) còn tập trung giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân.

Những ngày cuối tháng 10, có mặt tại Trường mẫu giáo Sao Sáng 6 (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) trong giờ hoạt động chiều và trả trẻ của lớp 5 tuổi A, mới thấy được sự hào hứng, sôi nổi của trẻ nhỏ.

Với chủ đề “Không đi theo người lạ”, thay vì chỉ dặn dò học sinh bằng lời nói, cô giáo Phạm Thị Lý đóng vai một người lạ mặt và tạo ra nhiều tình huống như cho kẹo, thuyết phục, lôi kéo trẻ đi theo mình.

Với kịch bản này, mỗi học sinh vận dụng khả năng phản xạ, kỹ năng ứng xử vốn có để giải quyết tình huống.

Cô giáo Phạm Thị Lý hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm đúng cách (Ảnh: Lã Tiến)

Theo cô giáo Lý, thực tế xã hội có nhiều mối quan hệ và biến cố phức tạp, đối tượng bắt cóc trẻ con thường áp dụng những lời nói ngọt ngào, đóng giả là người quen, song trẻ lại vô tư không nhận ra được mối nguy hiểm đang rình rập.

Do đó, cô Lý hướng dẫn từng trẻ cách xử lý tình huống với một số kỹ năng cơ bản như: kiên quyết không đi theo, kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh, các bạn cùng lớp hô nhắc nhở bạn, cũng như dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay, cách nhận biết người có ý đồ xấu.

Cô Phạm Thị Lý cho biết: “Đây là một trong những hoạt động giáo dục kỹ năng sống áp dụng sáng kiến “Tăng cường kỹ năng bảo vệ bản thân thông qua các hoạt động giáo dục tại lớp 5 tuổi A Trường mẫu giáo Sao Sáng 6, quận Ngô Quyền” do chính cô là tác giả”.

Sáng kiến này vừa phát huy tính chủ động tích cực của nhà trường trong việc phối hợp gia đình, cộng đồng tham gia các nội dung bảo vệ sự an toàn cho học sinh, vừa xây nền tảng nhận thức cần thiết cho trẻ.

Đồng thời giúp cô Lý vinh dự nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chứng nhận dành cho những cá nhân đạt danh hiệu “Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019”.

Cô giáo Lý chia sẻ về lý do thực hiện sáng kiến này: “Ở độ tuổi mầm non, trẻ xuất hiện tình trạng thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đặc biệt, trẻ 5-6 tuổi thường hay tò mò, hiếu động, hiểu biết chưa sâu, kinh nghiệm sống còn hạn chế.

Đây cũng là lứa tuổi sắp xa rời ngôi nhà thứ hai là trường mẫu giáo để bước sang một môi trường mới, đó là trường tiểu học, nơi đó tinh thần tự quản đối với bản thân trẻ là điều kiện bắt buộc.

Do đó, việc dạy kĩ năng bảo vệ bản thân cho trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, để các con nắm bắt được những kỹ năng sống cần thiết và chuyển biến thành phản xạ, thói quen thì việc lồng ghép các nội dung bài học phải diễn ra thường xuyên, tự nhiên, tạo được sự hứng khởi với phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học”.

Trong giờ học tập trung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, giờ trả trẻ, sinh hoạt tại gia đình..., thông qua các hình thức như đóng kịch, hát, múa, xem clip, trò chơi vận động, giáo cụ trực quan, tôi xây dựng các nội dung rèn kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ và động viên các bậc cha mẹ học sinh cùng tham gia hướng dẫn, chia sẻ với con trong cả các hoạt động thường ngày.

Ví dụ, trong giờ hoạt động ngoài trời, chúng tôi cho trẻ tìm hiểu về các đồ chơi ngoài sân trường và trò chuyện với trẻ về cách chơi làm sao cho an toàn và tương tác với trẻ qua những lời gợi mở như “Đây là những đồ chơi vận động, nếu các con chơi không cẩn thận là ngã, bị đau, vậy các con phải chơi như thế nào?”.

Cô giáo Phạm Thị Lý chú trọng rèn kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ (Ảnh: Lã Tiến)

Sau khi lắng nghe ý kiến các con, cô giáo sẽ khuyên bảo các con nên chơi nhẹ nhàng, không chạy nhảy xô đẩy nhau; không leo trèo ra ngoài thành, lên trên của các đồ chơi này.

Hay giáo viên có thể tổ chức cho trẻ chơi trò “Ngã tư đường phố”, nhận biết biển hiệu giao thông thường gặp, tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông”.

25 năm trước, cô Phạm Thị Lý bén duyên với Trường mẫu giáo Sao Sáng 6. Đến năm 2011, sau 15 năm trưởng thành và gắn bó với nghề, cô Lý được nhà trường tín nhiệm phân công vị trí tổ trưởng chuyên môn lớp 4-5 tuổi và vị trí Chủ tịch Công đoàn trường vào năm 2017.

Mặc dù thường xuyên phải “đi sớm về muộn” khi đảm nhiệm công tác dạy dỗ em thơ và với vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động, song cô Lý luôn tâm niệm: “Điều quan trọng nhất ở người giáo viên mầm non là tình yêu nghề.

Dù công việc chuyên môn chiếm phần lớn thời gian, nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp giữa việc đứng lớp và hoạt động đoàn thể, chăm lo đời sống của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên để họ có thêm niềm tin và động lực gắn bó với nghề.

Đặc biệt với đặc thù chăm sóc và nuôi dậy trẻ, khi ở trên lớp, tôi luôn mang tinh thần yêu trẻ, hòa vào trẻ; vừa coi trẻ là con để nhắc nhở khi mắc lỗi, hướng dẫn những điều hay ý đẹp, vừa coi trẻ là bạn để gần gũi, lắng nghe những mong muốn của trẻ; tiếp đó mới xây dựng những câu chuyện hay, bài học thú vị”.

Với đam mê, tâm huyết dành cho mỗi hoạt động, cũng như tình yêu đối với học trò, cô Phạm Thị Lý gặt hái nhiều “quả ngọt” trong suốt hành trình “lái đò”.

Đó là 12 năm học liên tiếp (2008 - 2020), cô Lý giữ vững danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở; đạt chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố nhiều năm học liền; 5 năm liên tiếp (2015 - 2020) đạt giải A và B trong các hội thi sáng kiến trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cấp quận, thành phố...

Gần đây nhất, cô Phạm Thị Lý tiếp tục ghi dấu sự nỗ lực không ngừng khi vinh dự đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016- 2020.

Nguồn https://giaoduc.net.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cô giáo Chăm hết lòng vì trẻ (27/10)
 Cô giáo mầm non khởi xướng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến (26/10)
 Nữ Hiệu trưởng ở trường mầm non vùng cao Tân Lập (8/10)
 Cô giáo mầm non với những ước mơ giản dị cho trẻ H’Mông (26/9)
 Đồ chơi trung thu truyền thống khơi dậy nét đẹp văn hóa Việt (25/9)
 Thắp lên ngọn lửa nhân ái ở vùng đất nghèo khó (14/9)
 Cựu giáo chức Hoàng Thị Viết nhiệt huyết với công tác xã hội (11/9)
 Cô giáo hiến đất xây trường (15/8)
 Nơi chở che những cuộc đời giông bão (12/6)
 Đã dạy mầm non, không còn nghề nào khó nhọc hơn được nữa! (10/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i