Theo các số liệu được thống kê, tính đến đầu tháng 5 năm 2020, số lượng đăng ký giấy phép hoạt động của các trung tâm giáo dục mầm non trên khắp Trung Quốc lên tới 37.000.
Còn theo một báo cáo khác của ngành giáo dục mầm non, đến cuối năm 2020, thị trường giáo dục mầm non của Trung Quốc sẽ đạt đến mức 300 tỷ nhân dân tệ.
Phía sau những con số choáng ngợp từ các bảng thông kê là những lớp học “ồn ào, náo nhiệt”: các giáo viên đang hăng hái và tích cực dạy tiếng Anh, kể chuyện, dạy thể dục cho các em nhỏ. Tuy nhiên, các em trông rất mệt mỏi, nhiều em còn đang ngáp ngủ nhưng vẫn tỏ ra là mình hiểu bài.
Không khó để nhận ra cường độ giảng dạy, lượng kiến thức cần thu nạp vượt xa sức chịu và tiếp thu của những đứa trẻ 3 tuổi.
Gửi con đi đào tạo từ... 3 tháng tuổi
Ngày 21/11 ở thành phố Trường Xuân (Trung Quốc) có tuyết rơi dày đặc. Tuy nhiên, cô bé 3,5 tuổi Điềm Điềm vẫn cùng ông của mình đến trung tâm Kim Bảo Bối như thường ngày. Tiết học của bé Điềm Điềm hôm đó là tiết sắp xếp mô hình.
Trong vòng chưa đến 5 phút, bé Điềm Điềm đã lắp thành công một con tàu lớn. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm không hề ngạc nhiên bởi cô bé đã được bố của mình - Bối Hoa Y gửi đến đây từ khi vừa tròn 3 tháng tuổi.
Nhiều cơ sở mầm non ở Trung Quốc cam kết trẻ 3 tuổi sẽ học thuộc lòng số Pi sau khi kết thúc khóa học
“Một người bạn của tôi từ Châu Âu trở về sau chuyến công tác, anh ấy nói rằng ở đó các lớp giáo dục tư duy cho trẻ từ nhỏ vô cùng phổ biến. Phương pháp giáo dục tư duy, phát triển trí tuệ từ sớm này cũng mang lại hiệu quả nhất định, đã được “chứng thực”. Vì vậy, sau khi tìm hiểu thêm, tôi đã gửi gắm con mình”, anh Bối Hoa Y nói.
Bối Hoa Y đã chi 4 vạn NDT (khoảng 144 triệu đồng) cho toàn bộ khóa học. Học phí mỗi buổi học của bé Điềm Điềm ước tính khoảng 300NDT (hơn 1 triệu VND).
Anh Bối Hoa Y sau đó cũng đăng tải một video ngắn về quá trình lắp ghép con tàu của con gái Điềm Điềm lên mạng xã hội. Video này khiến bạn bè của anh tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú, họ để lại các bình luận như: “lắp ghép vô cùng linh hoạt”, “lắp ghép con tàu trông rất đẹp”, “đứa trẻ thật năng động và hoạt bát”, “nhìn không giống một đứa trẻ mới hơn ba tuổi”,... Nhiều người xem video này đã quyết định đăng ký các lớp học này cho con họ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các trung tâm lớn đa phần đều sử dụng các chương trình “mượn” của Mỹ và Nhật Bản. Nhiều giáo viên cho rằng, chương trình giáo dục phát triển trí tuệ sớm của Mỹ tập trung vào việc nuôi dưỡng sự phát triển vận động, và sự giác ngộ sớm về nghệ thuật, âm nhạc... Trong khi đó, phương pháp giảng dạy của người Nhật lại tập trung và theo đuổi “sự phát triển toàn bộ của trí não”.
Dạy số Pi cho trẻ 3 tuổi, học phí 'ngất ngưởng'
Thất Điền Chân là một trung tâm giáo dục sớm có quy mô lớn và uy tín nhất, nhì tại Quận Phương Trang nằm ở phía Đông Nam của thủ đô Bắc Kinh. Theo quảng cáo, trung tâm này tập trung vào phương pháp “phát triển toàn bộ trí não”, chú trọng trau dồi khả năng tập trung, tư duy, trí nhớ... giống như người Nhật.
Đáng chú ý, trung tâm này chiêu sinh các em nhỏ từ 3 tháng tuổi đến 9,5 tuổi. Khi đăng ký học, trung tâm đưa ra những ví dụ như: bé Nhất Nhất 1 tuổi 10 tháng đã có thể sử thành thạo phương pháp ký ức chuỗi, chỉ ra nhanh chóng và chính xác 8 trang hình ảnh tiếng Anh; bé Hạo Hạo 2 tuổi 10 tháng có thể đếm số một cách trôi chảy từ 1 đến 80; bé Châu Châu 3 tuổi 1 tháng có thể đọc chính xác tên các tỉnh, thành phố của Trung Quốc; hay Bối Bối 5 tuổi rưỡi, chưa đến một tháng bé đã “thuộc lòng” số Pi.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi liệu những đứa trẻ 3 tuổi có thể hiểu được số Pi hay không? Giáo viên Lưu Dịch cố gắng xua tan nghi ngờ: “Đây chỉ là một phương pháp rèn luyện, giúp cải thiện trí nhớ cho trẻ nhỏ. Nếu trí nhớ tốt, các em có thể dễ dàng học thuộc những bài thơ cổ, bảng công thức nhân chia ở trường tiểu học”.
Thất Điền Chân có 8 cơ sở tại Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có cơ sở ở Tây An, Trùng Khánh, Thành Đô, Truy Bắc, Thạch Gia Trang, Thẩm Dương và nhiều nơi khác. Với 10 năm hoạt động, trung tâm này đã 'đào tạo' hơn 20.000 đứa trẻ.
“Các giáo viên tại đây đều tốt nghiệp Đại học hệ chính quy và được đạo tào khóa học giảng dạy riêng biệt tại trung tâm trước khi đứng lớp. Ngoài ra, 60% thời gian trên lớp, các giáo viên sẽ dùng tiếng Anh để giảng dạy và hướng dẫn các em. Phương pháp giảng dạy này của chúng tôi sẽ giúp các em hình thành tư duy song ngữ”- Quản lý Đặng Tiếu nói.
Theo thống kê năm 2017, tại Trung Quốc có khoảng 89,9% trẻ em trong độ tuổi mầm non tham gia các trung tâm giáo dục phát triển trí tuệ. Mức học phí, chi tiêu cho việc học của các em chiếm 26,39% thu nhập hàng năm của gia đình. Bên cạnh đó, học phí một buổi học của các trung tâm giáo dục phát triển trí tuệ tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... dao động từ 200-400NDT (khoảng 700.000- 1,5 triệu VND). Mức học phí cho một khóa học 100 tiết là 2 vạn NDT (khoảng 72 triệu VND), thậm chí lên đến đến 4 vạn NDT (khoảng 144 triệu VND).
Tuy nhiên, có rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng nếu con họ chỉ học 1-2 buổi, sau đó nghỉ học sẽ không được hoàn lại tiền. Thậm chí có rất nhiều trung tâm “treo đầu dê bán thịt chó”, “trung tâm ma”, sau khi dùng các chiêu trò quảng bá rầm rộ, thu hút các phụ huynh đóng học phí cho con xong sẽ "ôm" số tiền đó biến mất.
Nguồn https://vietnamnet.vn