Trẻ mầm non Nhật đã biết phụ thầy cô dọn dẹp đồ chơi, ba tuổi biết tự dọn dẹp đồ chơi và sáu tuổi biết dọn dẹp trường học.
Tôi đang dạy học tại Nhật Bản và học được rất nhiều điều hay từ việc phòng tránh lây nhiễm bệnh trong trường, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 này.
Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là phải biết cách rửa tay đúng đắn. Con nít ở Nhật được hướng dẫn rửa tay rất kỹ (kỹ ngang ngửa với tiêu chuẩn rửa tay 6 bước trong bệnh viện). Không chỉ rửa tay trước và sau khi ăn, hoặc sau khi vào toilet, các em rửa tay ngay sau bất kỳ một hoạt động nào đó. Trung bình các em sẽ rửa tay khoảng 6-8 lần trong một ngày trên trường.
Ở Việt Nam cũng được hướng dẫn rửa tay nhưng dường như không được thực hiện đúng cách hoặc được giám sát nên đôi khi các em chỉ rửa qua loa. Nhiều trường không trang bị nước xà bông rửa tay và khăn lau tay.
Việc chạm tay vào mặt (ngoáy mũi, dụi mắt, liếm tay...) là hành động khó tránh khỏi, do vậy việc rửa tay là chỉ dẫn được ưu tiên hàng đầu ở trường của mình. Mặc dù các em được hướng dẫn từ nhỏ (khi chỉ mới một tuổi), nhưng trong hành trình lớn lên, mỗi tháng bài học này lại được lặp lại và chỉnh từng li từng tí do vậy các em nghịch nhất cũng rửa tay 6 bước rất nghiêm túc khi lớn lên.
Bên cạnh rửa tay đúng cách, còn rất nhiều biện pháp phòng ngừa lây bệnh khác mà trường học ở Nhật Bản đang áp dụng rất triệt để. Việc giữ bàn ghế, sàn và tất cả đồ dùng luôn sạch sẽ cũng là một hoạt động quan trọng trong trường học.
Lúc có dịch bệnh Covid-19 và ngày thông thường không có nhiều sự khác biệt. Lịch lau dọn luôn được phân công cho từng giáo viên để đảm bảo tất cả các bề mặt luôn được lau qua ít nhất một lần trong ngày. Học trò mầm non từ một tuổi đã biết cách phụ thầy cô giáo dọn dẹp đồ chơi và đồ dùng cá nhân của mình. Ba tuổi đã biết tự dọn dẹp đồ ăn trưa và 6 tuổi trở lên thì tự biết làm mọi việc về lau dọn bên trong phòng học.
"Dọn dẹp" (Clean up) luôn luôn là hoạt động đi liền với tất cả hoạt động khác. Gần như tất cả mọi sinh hoạt trong trường đều sẽ phải tự lau dọn mỗi khi kết thúc. Không có chuyện để từ từ dọn sau.
Sự khác biệt lớn nhất giữa việc lau dọn mùa Covid và bình thường đó là dung dịch tẩy rửa và khoảng cách đặt bàn ghế.
Trường học khuyến cáo dùng xà bông để lau dọn trong ngày bình thường, sau đó dùng nước sạch để lau lại. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh thì tất cả các bề mặt đều phải được lau sạch bằng dung dịch đặc biệt, dường như là một loại cồn.
Một điều mà có lẽ bạn sẽ thấy rất khó tin đó là việc lau chùi từng món đồ chơi và đồ dùng chung. Thậm chí là từng mẫu đồ chơi Lego.
Trong ngày thường đồ chơi được tẩy trùng bằng cách xịt chất khử khuẩn vào cuối ngày. Việc này không tốn quá nhiều thời gian. Học trò sẽ giúp thầy cô gom những món đồ đó lại và đến khi học trò về hết, những thầy cô trong ca làm cuối cùng ở lại sẽ xịt chất khử trùng những món đồ dùng chung đó. Sáng sớm hôm sau chúng sẽ được thầy cô giáo làm ca sớm sắp xếp lên kệ hoặc bỏ vào thùng sau khi chúng đã hoàn toàn khô ráo.
Nhưng đến ngày có dịch thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Những người quản lý về tính an toàn trong trường học cho rằng đồ dùng chung (đặc biệt là đồ chơi) là thứ dễ mang mầm bệnh nhất vì thế phải được lau sạch từng miếng một. Thầy cô sẽ là người đảm nhận công việc này vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ. Thầy cô sẽ đeo găng tay và sử dụng khăn sạch thấm cồn để lau. Việc này thường tốn khá nhiều thời gian.
Để tiết kiệm thời gian cho việc lau dọn, các em được hướng dẫn sử dụng những món đồ sử dụng một lần. Chẳng hạn các thùng carton, hộp sữa, giấy báo... đều được sử dụng lại cho những hoạt động mang tính giáo dục sau đó bỏ đi vào cuối ngày. Hoạt động này rất sáng tạo, tiết kiệm và rất đặc trưng trong tính cách của người Nhật Bản.
Trên tất cả, những công việc này luôn được giám sát kỹ để tránh trường hợp bị quên hoặc làm sai các bước an toàn. Thường thì một y tá của trường sẽ đảm nhận khâu hướng dẫn và giám sát. Công việc này cũng là một phần trong bài báo cáo hàng ngày mà thầy cô phải làm.
Nói chung, để có một môi trường an toàn cho trẻ em, một quy trình bảo vệ học trò được quan tâm rất đúng mực. Đó cũng là ưu tiên số một trong trường học ở Nhật Bản. Hàng tuần, luôn có một cuộc họp về nhận thức sự an toàn cho trẻ em và nâng cao việc giữ gìn vệ sinh trong trường học. Các tiêu chuẩn về an toàn được hiện diện trong rất nhiều câu chuyện và tranh ảnh được bày trí nhiều nơi thuận tiện trong trường và nó cũng là một bài học quan trọng cần được dạy mỗi ngày trong lớp học kể từ khi trẻ em bắt đầu biết nhận thức (thường là một tuổi trở đi).
Nguồn https://vnexpress.net