Bình thường Nam học tập hăng hái, luôn luôn giơ tay phát biểu ý kiến trước lớp; các hoạt động khác con cũng hào hứng tham gia; nhưng giờ ngày nào đến lớp Nam cũng chẳng nói chẳng rằng, các bạn trêu là cáu thậm chí còn đánh cả bạn.
Bình thường cháu Nam, 13 tuổi, con trai chị Lan ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội là một cậu bé vui vẻ, tốt bụng, thích giúp đỡ các bạn và rất ngoan. Thế nhưng thời gian gần đây cháu bỗng trở nên lầm lì, ít nói, dễ cáu và không tiếp xúc với các bạn ở trong lớp, các bạn trêu là Nam cáu, thậm chí đánh cả bạn.
Cô giáo chủ nhiệm của cháu Nam gọi điện cho chị Lan trao đổi tình hình học tập của con. Cô giáo hỏi chị Lan ở nhà gia đình có vấn đề gì không vì thấy dạo này con học hành lơ đãng và có biểu hiện rối loạn hành vi.
Nghe cô giáo phản ánh, chị Lan cho biết đúng là vợ chồng chị đang xảy ra mâu thuẫn, một số lần tranh cãi nói đến việc ly hôn và Nam có nghe được. Chị Lan rất ân hận và cảm thấy chưa muộn khi may mắn được cô giáo cho biết tình trạng bất ổn cuả con mình. Bởi nếu cô giáo chủ nhiệm không để ý quan tâm thì không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu.
(Ảnh minh hoạ)
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý 1088, vợ chồng mâu thuẫn bất hòa là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, làm cha làm mẹ, các bậc phụ huynh cần phải có ý thức trước mọi hành vi của mình xem có tác động đến con cái của mình hay không để biết kiềm chế, tiết chế lời ăn tiếng nói và hành vi của mình.
Trong trường hợp vợ chồng có mâu thuẫn cần giải quyết, hãy thu xếp trao đổi nói chuyện với nhau chỉ giữa hai người. Việc bố mẹ mâu thuẫn, bức xúc, cãi lộn trước mặt con cái là việc tuyệt đối cần tránh.
Không đứa trẻ nào cảm thấy vui vẻ hay thích thú việc bố mẹ chúng cãi nhau, mà chúng sẽ cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy mất niềm tin vào bố mẹ, chúng sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành nhân cách và tâm lý của trẻ.
Việc bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ con làm tụi nhỏ sợ gia đình, chúng không còn tin vào gia đình, không tin bố mẹ chúng sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng. Nhất là khi hai người có những lời lẽ phỉ báng nhau không mấy hay ho, tất cả sẽ làm con bạn cảm thấy rất buồn vì những người chúng yêu thương đang bất hòa với nhau, dẫn đến những đứa trẻ ấy sẽ rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, lo lắng ít nói, thậm chí là chúng luôn thu hẹp bản thân với mọi thứ xung quanh. Tệ hại hơn là việc bố mẹ có những hành vi đánh đập nhau trước mặt con cái, bọn trẻ sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi, bất an vì điều đó.
(Ảnh minh hoạ)
Các bạn nên biết, ngay từ khi biết nói trẻ con đã có thể cảm nhận được mọi thứ xung quanh mình. Nếu chúng phải chứng kiến cảnh cha mẹ chửi mắng nhau, tranh cãi nhau sẽ gây tổn thương rất lớn cho tụi nhỏ. Trong lòng trẻ sẽ chất chứa những ấn tượng không tốt về điều đó, dần dần hình thành tâm lý phản kháng, học theo, nhất là ở tuổi dậy thì.
Thời điểm mà trẻ rất muốn thể hiện cái tôi, muốn được khẳng định bản thân, dẫn đến chúng sẽ có những hành động học theo bố mẹ để thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân của mình. Gây gổ, tranh cãi với bạn để dành phần thắng, thậm chí là sẵn sàng đánh nhau với bạn để bảo vệ cái tôi của bản thân, bởi chúng đã bị ngấm cách xử lý mâu thuẫn của chính cha mẹ mình từ nhỏ.
Con tăng động vì mẹ tẩm bổ quá nhiều khi mang thai
ĐỌC NGAY
Có không ít trẻ học hành sa sút, bị trầm cảm, hư hỏng,... bởi chúng không thoát ra được sự căng thẳng, buồn chán, thất vọng, sợ hãi thường xuyên khi luôn phải chứng kiến cảnh cha mẹ tranh cãi.
Cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần, học tập, nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ trong tương lai của trẻ.
Một nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Trẻ từ 1 đến 19 tuổi có thể nhạy cảm với những xung đột trong hôn nhân của cha mẹ.
Nguồn Giadinhvaxahoi