Giáo dục trẻ
   Trường học Pháp tổ chức dạy trẻ thế nào trong đại dịch?
 

 

Ngay khi Pháp đóng cửa toàn bộ trường học để phòng Covid-19, các hiệu trưởng đã gửi thông báo kế hoạch học tập ở nhà của học sinh cho phụ huynh.

 

Nguyên-Kan, tiến sĩ ngôn ngữ, bà mẹ 3 con đang sinh sống tại Pháp, chia sẻ về việc nhà trường kết nối với phụ huynh, học sinh thế nào để không làm gián đoạn học tập trong thời gian nghỉ phòng Covid-19.

Thứ hai tuần trước, toàn bộ trường học ở Pháp đóng cửa. Con tôi quay trở lại trường sau kỳ nghỉ đông dài 2 tuần, nay tiếp tục ở nhà. Những học sinh có bố mẹ đang làm trong ngành y, hoặc bắt buộc phải đi làm, thì có thể tới trường.

Gia đình tôi có ba con, một cháu cấp 2, một cháu cấp 1 và một cháu còn đi nhà trẻ. Sáng thứ hai, thầy hiệu trưởng gửi thư thông báo về chuyện nghỉ ở trường và kế hoạch tiếp tục học tập ở nhà.

Đối với cấp 1, từ tuần trước, cô giáo đã cho học sinh mang sách giáo khoa về nhà (trước đây thì sách luôn để ở trường). Hàng ngày, giáo viên sẽ gửi hướng dẫn bài học và các bài tập bổ trợ qua hòm thư điện tử cho bố mẹ, cuối ngày lại gửi đáp án. Nếu bố mẹ thắc mắc gì, cô giáo sẽ tận tình trả lời ngay, điều mà trước giờ chưa từng xảy ra. Vì chúng tôi đều liên lạc với cô thông qua sổ liên lạc chứ không gửi e-mail hay gọi di động. Con gái tôi quên sách toán ở trường, cô giáo chụp ảnh những trang cần thiết để con làm, trước khi tôi đến trường lấy sách cho con.

 

Con gái thứ hai của chị Nguyên-Kan tự học tại nhà. Ảnh: Nguyên-Kan.

Đối với cấp 2, trường của con tôi đã có website riêng và nền tảng riêng dành cho học sinh nên thầy cô giáo đều đặn tải bài tập lên theo đúng thời khóa biểu để các cháu học. Đến giờ học nhạc, con tôi gọi video cho cô giáo để cô xem và sửa ngay. Thời lượng tiết học đúng bằng với tiết học ở trường.

Cũng có những cô giáo tổ chức học trực tuyến, nhưng hiện quy trình này chưa được thống nhất nên vẫn được tổ chức theo kiểu tự phát, tức là mỗi cô giáo lại chọn một nền tảng riêng. Điều này khiến tôi chưa hài lòng, nhưng vẫn phải chấp nhận vì có lẽ quyết định đóng cửa trường học khá gấp, trong khi các thầy cô không có đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ kịp thời.

Đứa bé nhất nhà tôi còn học nhà trẻ nên chúng tôi chỉ nhận được thư thông báo nghỉ. Trong khi đó, con của hàng xóm nhà tôi còn học mẫu giáo thì bố mẹ vẫn nhận được bài học của con hàng ngày và phải hỗ trợ con học ở nhà. Đợt này ở Pháp nhiều mặt hàng thực phẩm bán chạy, nhưng có lẽ cả mực in, máy in và giấy A4 cũng vậy, vì gia đình nào cũng phải in bài hàng ngày cho con làm.

Bộ Giáo dục Pháp còn có trung tâm giáo dục từ xa dành cho những bạn học tại nhà. Bất cứ bố mẹ nào muốn con có thêm bài tập để làm đều có thể truy cập vào đây. Các nhà xuất bản cho phép truy cập tài liệu, sách giáo khoa miễn phí để không học sinh nào "bị bỏ lại" trong kỳ nghỉ học vô thời hạn này. Kênh truyền hình của Pháp cũng dành thời lượng để cung cấp bài giảng cho tất cả các cấp.

Viễn cảnh ở nhà tôi là giờ nào con sẽ học vào giờ đấy, nhưng thực tế không diễn ra như vậy.

Buổi sáng các cháu dậy muộn hơn thường lệ, rề rà ăn sáng, sau đó mới ngồi vào bàn mở máy học bài. Tôi hỗ trợ đứa bé, trong khi nhường máy tính để đứa lớn làm bài. Bài tập cô giao tuy nhiều, các cháu làm một chút xíu là xong, thường chỉ gói gọn trong buổi sáng. Nhưng đấy là những hôm nào tôi nhớ ra việc học của con, còn nếu tôi quên thì các con cũng quên. Hoặc hôm nào tôi ngủ dậy muộn (do tối hôm trước thức khuya làm việc), các con tôi cũng quên luôn việc phải học bài. Cũng phải mất 2-3 ngày nhắc nhở, trò chuyện, các con mới tự giác hơn.

Các buổi chiều ông ngoại tranh thủ thời gian ở Pháp dạy hai cháu đọc viết tiếng Việt. Thời gian còn lại trong ngày các cháu tùy nghi sử dụng. Đó là lý do tại sao tủ sách nhà tôi luôn lộn xộn và đồ chơi bày đầy nhà. Ban đầu tôi cũng nổi cáu vì thấy con học quá ít, nhưng rồi tôi hiểu ra rằng nếu tôi không thể làm giáo viên cho con, hay không thể thiết kế một chương trình hoạt động cho con trong những ngày này, thì cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở con.

Trở về với thực tế cách ly mùa dịch, tôi nghĩ phụ huynh không nên quá căng thẳng với việc học của con. Như thế bố mẹ cũng rất mệt mà các con vẫn không có tâm lý thoải mái khi học hành. Những bé cấp 1, chưa quen tự chủ thì cần sự hỗ trợ của bố mẹ, nhưng với những bé lớn hãy trao cho con quyền tự khám phá. Điều quan trọng nhất là đừng biến TV và các thiết bị điện tử trở thành người giữ trẻ bất đắc dĩ. Hãy tận dụng thời gian bên nhau để huấn luyện cho các bé kỹ năng, dạy con làm việc nhà, giúp các con nuôi dưỡng tình yêu với những cuốn sách.

Có thể thời gian cách ly còn kéo dài thêm 1-2 tháng nữa và trải nghiệm này sẽ chỉ đến một lần duy nhất trong thập kỷ này thôi, tôi mong phụ huynh và các con sẽ cùng nhau tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời, khó quên trong đời.

 

Nguồn VNE

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tại sao trẻ em lại dậy thì sớm? (18/3)
 Những điều không nên làm với trẻ hướng nội (18/3)
 Dấu hiệu nhận biết trẻ kiêu ngạo (18/3)
 Mẹ không thể bỏ qua: Cách chọn và hướng dẫn con đeo khẩu trang đúng cách để phòng bệnh do virus nCoV (13/3)
 Tám dấu hiệu nhận biết trẻ hướng nội (13/3)
 Giúp con học tập hiệu quả khi nghỉ kéo dài (13/3)
 Bảy câu nói giúp trẻ xây dựng tính kiên cường (6/3)
 Năm bước dạy con gái thành lãnh đạo (6/3)
 Những câu hỏi giúp bố mẹ hiểu con (6/3)
 Kinh nghiệm nuôi dạy con tài năng (27/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i