Cảm xúc mầm non
   Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, phải có ưu tiên
 

Chính phủ vừa có Dự thảo: Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp (dự kiến có hiệu lực thi hành trong năm 2020).

Dự thảo được thực hiện trong hai giai đoạn (từ năm 2020-2030). Đối tượng giáo viên thực hiện nâng chuẩn trình độ bao gồm:

Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

Về thời gian đào tạo: Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.

Dẫu biết dự thảo có nhiều ưu điểm nhằm từng bước nâng cao chất lượng của giáo viên. Bên cạnh đó việc thực hiện đào tạo cũng hoàn toàn miễn phí. 

Sau khi nâng chuẩn trình độ, lương khởi điểm của giáo viên mầm non cũng sẽ nâng lên tương ứng với chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm.

Tuy nhiên trước thông tin này nhiều giáo viên mầm non không khỏi cảm thấy hoang mang, áp lực. Lý do là bởi ngành mầm non là một ngành đặc thù so với các cấp bậc khác như Tiểu học, Trung học cơ sở…

Nghề giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là dạy trẻ kiến thức mà còn là người giữ trẻ, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của học sinh. Bên cạnh đó thời gian làm việc của một giáo viên mầm non cũng dao động từ 6-10 tiếng/ ngày. 

Công việc này chịu nhiều áp lực từ học sinh, phụ huynh, nhà trường. Ngoài ra mức lương hiện tại của giáo viên mầm non khá thấp dẫn đến hiện tượng nhiều thầy cô bỏ nghề.

Vì thế nếu không có những cơ chế ưu tiên, cơ chế đặc thù mà áp dụng nâng chuẩn như những cấp bậc khác sẽ dẫn đến hiện tượng giáo viên bỏ nghề.

Trước những thông tin này, phóng viên đã có cuộc khảo sát với nhiều giáo viên mầm non để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.


Nên coi nghề giáo viên mầm non là nghành đặc thù so với các cấp bậc khác vì tính chất công việc (Ảnh:V.N)

Cô giáo Vũ Hồng Mến, giáo viên mầm non thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tâm tư: 

“Nếu thực hiện nâng chuẩn thì tôi cũng là một trong những đối tượng giáo viên phải nâng chuẩn.

Điều chúng tôi cảm thấy lo lắng nhất là với thời gian khoảng 2 năm để hoàn thành chương trình học sẽ khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng lên đáng kể.

Khác với giáo viên Tiểu học, Trung học…Một ngày, một tuần họ còn có tiết nghỉ, ngày nghỉ. 

Nhưng đối với giáo viên mầm non chúng tôi ngày nào cũng phải làm việc khoảng 10 tiếng đồng hồ. Cho nên chắc chắn khi học nâng chuẩn giáo viên sẽ chịu nhiều áp lực”.

Cũng theo cô Hồng Mến: Giáo viên mầm non cũng rất băn khoăn nếu thực hiện nâng chuẩn thì lương của họ có được tăng lên không?

Cô Mến nói: “Tôi cũng mong rằng khi nâng chuẩn trình độ của giáo viên thì lương giáo viên mầm non cũng tăng theo. Thực tế hiện nay lương giáo viên mầm non thấp nhất trong các cấp bậc. 

Chúng tôi cũng không có phụ cấp gì thêm, không có thu nhập từ bên ngoài. Vì mỗi ngày làm 10 tiếng, về đến nhà còn gia đình, con cái”.

Đồng nghiệp của cô Mến – cô Nguyễn Thị Thủy nói đùa: “Nếu yêu cầu bằng cấp cao thì tôi đã không chọn ngành mầm non”.

 

Bên cạnh chuyên môn điều cần nhất đối với giáo viên mầm non là tình yêu nghề, yêu con trẻ (Ảnh:V.N)

Cô Thủy giãi bày: “Thực tế lương giáo viên mầm non khá thấp. Lợi thế của giáo viên mầm non là đang thiếu biên chế và yêu cầu bằng cấp không cao. Tôi sợ rằng nếu phải nâng chuẩn lên Cao đẳng mà lương không tăng nhiều người sẽ bỏ nghề”.

Những trăn trở của cô Mến, cô Thủy không phải là không có lý do. Như đã phân tích ở trên, ngành mầm non là một ngành đặc thù. 

Những người trong ngành hiểu rằng: Bên cạnh yếu tố bằng cấp, chuyên môn thì người giáo viên mầm non cần nhiều hơn thế.

Người giáo viên mầm non phải làm rất nhiều công việc không tên và phải có nhiều phẩm chất như tình yêu nghề, yêu con trẻ, tính kiên nhẫn…

Khác với giáo viên Tiểu học hoặc các cấp bậc khác. Người giáo viên có thể hết tiết là về dành thời gian cho cô giáo khác, môn học khác.

Người giáo viên mầm non gắn bó với trẻ cả ngày làm những công việc chuyên môn và những việc không tên.

Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: 

“Việc xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên điều mà tôi trăn trở nhất là vấn đề làm sao để nâng cao trình độ giáo viên một cách thực sự chứ không phải chỉ là vấn đề bằng trung cấp hay bằng cao đẳng.

Tôi được biết mỗi một lần tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên, địa phương phải bố trí lớp học, mời giảng viên trường đại học về giảng dạy. 

Vấn đề là có những giáo viên đã biên chế bao năm vẫn phải đi học và việc học cũng chỉ “qua loa” để lấy cái bằng.

Có lẽ chúng ta nên nhìn rộng hơn là giáo viên ở trình độ trung cấp, tất nhiên đầu vào “rất thấp” vậy, sau khi nâng chuẩn thì trình độ thì cũng không hơn được là bao. 

Vậy tôi đề xuất trước tiên hãy xóa sổ việc đào tạo trung cấp, nâng cao hơn nữa đầu vào sư phạm với các trường trọng điểm. Chỉ có như thế trình độ của các thầy cô mới nâng cao được”.


Bên cạnh chuyên môn điều cần nhất đối với giáo viên mầm non là tình yêu nghề, yêu con trẻ (Ảnh:V.N)

Yêu cầu có những chính sách ưu tiên và cơ chế nâng chuẩn đặc thù dành riêng cho ngành mầm non đã được nhiều chuyên gia và các đại biểu Quốc hội chỉ ra.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) băn khoăn: Theo định mức quy định số giáo viên mầm non còn thiếu tính đến cuối năm 2018 là trên 43.000 người, chiếm đến gần 60% trong số giáo viên cả nước còn thiếu sau khi đã được giao biên chế để tuyển dụng. 

Nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ.

Theo thống kê cả nước hiện nay đang thiếu khoảng 43.000 giáo viên mầm non. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý vấn đề này. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực cao nhất, học sinh bé nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất, lương thấp nhất so với bảng lương trong ngành giáo dục…Các thầy cô đến trường chăm sóc trẻ từ tinh mơ và trở về vào lúc chiều muộn, đối tượng của các thầy cô là trẻ nhỏ và rất hiếu động do đó để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô phải luôn chân tay, luôn mắt, không một giây phút nào được lơ là.


Nên có các chính sách ưu tiên dành cho giáo viên mầm non để thầy cô yên tâm công tác (Ảnh:V.N)

Việc các địa phương đang đau đầu tìm cách giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non.

Trong khi đó việc nâng chuẩn trình độ giáo viên không có những ưu tiên và không công nhận ngành mầm non là một ngành đặc thù xem ra có vẻ là một nghịch lý.

Cô giáo Vũ Hồng Mến đề xuất: “Cần có những ưu tiên cho giáo viên mầm non. Chẳng hạn như rút ngắn thời gian đào tạo, giảm tải áp lực cho giáo viên tại trường học. Bên cạnh đó Bộ có thể giao cho các địa phương tuyển dụng đủ giáo viên mầm non. 

Sau đó tùy từng điều kiện thực tế địa phương sẽ quyết định có nâng chuẩn cho giáo viên hay không. Việc nâng chuẩn nên thực hiện tại địa phương tránh làm mất thời gian và công sức của giáo viên. 

Và quan trọng phải có những chế độ đãi ngộ tương xứng dành cho giáo viên mầm non”.

Nguồn giaoduc.net.vn/

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chuyện của cô giáo người Vân Kiều 2 lần hiến đất xây trường (10/1)
 Cô giáo mầm non xã miền núi Vũ Quang yêu nghề, mến trẻ (3/1)
 Cảm động thầy Hiệu trưởng xin gạo cho học sinh vùng cao (25/12)
 20 năm dạy học nơi vùng sâu giờ mới có điều kiện mặc áo dài lên lớp (24/12)
 Miệt mài chạy theo cùng ước mơ con trẻ (5/12)
 Cô giáo 9X nhiều năm liền đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” (30/11)
 Cô giáo đi gần 120 km đường đất để gieo chữ cho học trò Xtiêng (27/11)
 Giáo viên vùng cao trải lòng về các cuộc thi nặng tính hình thức, không phù hợp (27/11)
 Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt (22/11)
 Trân quý nghề giáo viên mầm non (20/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i