Cô giáo Hoàng Thị Thỏa (sinh năm 1991) sinh ra trong gia đình cha mẹ làm nông nghiệp ở Văn Chấn, Yên Bái, sau mỗi mùa ruộng nương bố lại phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi sống gia đình còn mẹ thì hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với mấy sào ruộng.
Nguồn thu nhập mỗi ngày chừng 100 ngàn đồng không đủ trang trải mọi thứ, khi đến mùa thu hoạch thì chỉ được vài tạ thóc đáp ứng được lương thực cho cả gia đình.
Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng bố mẹ luôn hướng cho cô Thỏa đi học. Với tình yêu thương trẻ nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Thỏa chọn học ngành sư phạm tiểu học.
Theo cô Hoàng Thị Thỏa, đối với một vùng khó khăn như Lao Chải thì việc dạy học sinh đã khó, duy trì sĩ số lại càng khó hơn.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Cầm tấm bằng cử nhân trên tay, cô Thỏa tình nguyện lên huyện Mù Cang Chải, Yên Bái để công tác và được phân công giảng dạy tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải.
Khi đến đây cô Thỏa bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán với bà con nên rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ.
“Những con đường gập ghềnh vượt dốc, lội bùn nhất là ở những bản xa, giao thông đi lại cực kì khó khăn, điện và thông tin liên lạc không có.
Thế rồi chuyện dạy chữ mới khó khăn vất vả làm sao bởi 100% học sinh là con em các dân tộc thiểu số nên khả năng nói tiếng phổ thông rất hạn chế.
Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của các con, học sinh không xác định động cơ và mục đích học tập nên tình trạng bỏ học, nghỉ học tự do còn diễn ra nhiều và những lúc ấy thầy cô lại đi vận động học trò ra lớp”, cô Thỏa nói.
Nhớ lại hành trình đến vận động học trò, cô Thỏa kể, trời mưa, đường trơn vượt 12km mới đến được nhà các em, đến nơi các em lại cùng bố mẹ đi nương, đi rừng nên các cô lại ra về, hôm khác lại đến.
Theo cô giáo 9X này, đối với một vùng khó khăn như Lao Chải thì việc dạy học sinh đã khó, duy trì sĩ số lại càng khó hơn.
Năm 2012, cô Thỏa lập gia đình và hiện tại đã có một cậu con trai. Cô Thỏa tâm sự: “Trong thời gian nghỉ thai sản cháu mới 3 tháng tuổi đã bị xoắn ruột phải phẫu thuật 3 lần, hết thời gian nghỉ thai sản tôi lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mang cái chữ đến với học trò”.
Dẫu biết rằng, nhắc đến vùng cao là nói đến những khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng qua chia sẻ, tôi thấy rằng, tình yêu nghề của cô Thỏa vẫn đang cháy, trái tim đỏ như màu hoa phượng tâm huyết, tận tụy hết mình vì học sinh thân yêu thông qua việc tự học tiếng dân tộc từ đồng nghiệp và các em học sinh đã giúp cô nhanh chóng thích nghi được với đời sống của bà con.
Trong những năm giảng dạy, cô Thỏa luôn kiên trì, nhẫn nại tìm tòi phương pháp giảng dạy để truyền đạt một cách dễ hiểu nhất những kinh nghiệm kiến thức của mình cho các em học sinh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Người thầy ở vùng cao vừa là người dạy kiến thức, dạy văn hóa và thực sự là người cha, người mẹ đúng nghĩa, bởi hàng ngày, hàng giờ, hàng đêm họ gần gũi với học sinh. Cô Thỏa kể, mỗi ngày kiên trì rèn luyện cho các em cách phát âm, uốn nắn từng nét bút, hướng dẫn các em tắm, giặt, vệ sinh các nhân, chăm bẵm cả cái ăn, giấc ngủ cho các em.
Trong những năm giảng dạy, cô Thỏa luôn kiên trì, nhẫn nại tìm tòi phương pháp giảng dạy để truyền đạt một cách dễ hiểu nhất những kinh nghiệm kiến thức của mình cho các em học sinh.
Và trăn trở suy nghĩ làm sao hình ảnh người thầy trong mắt học trò nên bản thân luôn có ý thức nhắc nhở phải gương mẫu, là tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Từ kinh nghiệm tích lũy hàng năm, năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016 và 2016-2017 cô Thỏa đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; Công đoàn viên xuất sắc; Giỏi việc trường, đảm việc nhà; tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm để thi cấp huyện.
Năm học 2017-2018, 2018-2019, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Công đoàn viên xuất sắc; Giỏi việc trường, đảm việc nhà.
Nguồn https://giaoduc.net.vn