Huyền là một trong số nhiều giáo viên trẻ đang làm công việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt (trẻ tự kỷ). Đối với Huyền, để các em phát triển từng ngày, ngoài sự kiên trì, nhẫn nại thì tình yêu thương là trên hết…
Một buổi học của trẻ đặc biệt. Ảnh: Bảo Loan
Gánh vác sứ mệnh chăm sóc trẻ đặc biệt
Phòng Can thiệp, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hừng Đông (Hà Nội) là nơi giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em tự kỷ. Ở phòng này, mỗi học sinh sẽ được một giáo viên hướng dẫn, giảng dạy các vấn đề, như về nhận thức, ngôn ngữ tiếp nhận, ngôn ngữ diễn đạt, kỹ năng cá nhân…
Mặc dù đã có kinh nghiệm 1 năm làm việc tại đây nhưng đến nay, Nguyễn Thị Huyền (22 tuổi, quê ở Thái Bình) vẫn chưa thể lý giải được lý do gắn bó với nghề đặc biệt này. Huyền bảo, khi còn ngồi trên giảng đường khoa Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cô đã được đào tạo bài bản và hiểu rất sâu về trẻ em đặc biệt. Tuy nhiên khi gánh trên vai trọng trách giáo dục, dạy dỗ trẻ tự kỷ thì mới thấy mọi sự vất vả và gian truân như thế nào. Vì vậy, mệnh danh nghề chăm sóc trẻ tự kỷ là nghề đặc biệt cũng không sai, vì giáo dục một trẻ nhỏ theo định hướng của mình đã khó, nhưng giáo dục một trẻ tự kỷ, không làm chủ được ý thức và hành vi của mình còn khó hơn gấp bội lần.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huyền.
Huyền tâm sự: "Dạy một học sinh bình thường đã vất vả rồi, nhưng với trẻ đặc biệt thì khó khăn gấp bội. Mỗi trẻ sẽ có một sự khó chiều riêng, có bạn thì khi ăn phải loại bỏ một loại rau nào đó, có bạn cả tháng trời không thể nhớ được tên của con vật. Ở góc độ giáo dục, với những đứa trẻ bình thường, người lớn nói gì sẽ nói theo luôn hoặc có thể làm theo luôn. Nhưng với trẻ đặc biệt thì ngược lại, có những bạn khó nói, mất vài tháng chỉ để dạy nhận biết một chữ cái nào đó. Với những bạn không nói được, càng cần sự nhẫn nại. Bởi vì đã không nói được thì chắc chắn bố mẹ, giáo viên và những người xung quanh rất khó để hiểu được bạn ấy, ở giai đoạn dạy dỗ này sẽ thực sự là một thách thức. Khi không thể hiểu được thì các bạn sẽ có những hành vi không kiểm soát và giáo viên lại là người đi giải quyết những hành vi đó của các bạn".
"Nhiều khi bế tắc lắm, có thời điểm mới vào nghề, tôi đã bị căng thẳng. Giáo dục các em và tiếp xúc với các phụ huynh thì mới thấy, mỗi phụ huynh có một hoàn cảnh khác nhau. Chính vì hiểu và thông cảm mà nhiều khi nước mắt mình đã rơi. Đã có lúc tự mình không hiểu vì sao mình lại đặt lên vai sứ mệnh làm cô giáo của trẻ đặc biệt. Sở dĩ tôi bị căng thẳng là bởi bản thân tôi vừa là cô giáo tìm cách "giải quyết" vấn đề cho các em nhỏ, vừa phải đi tìm chuyên gia để họ "giải quyết" tâm lý của mình. Đặt cương vị mình vào phụ huynh và các con thì mình cứ tự an ủi và tự cố gắng mỗi ngày. Làm được nghề giáo viên giáo dục trẻ tự kỷ có lẽ chỉ sự kiên trì, nhẫn nại cũng chưa đủ, mà cần phải có sự yêu thương học sinh. Tôi quan điểm là chỉ cần mình yêu thương được các bạn nhỏ thì tự khắc mình sẽ có cách để dạy các bạn", Huyền trải lòng.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Phước đang giáo dục kỹ năng cho một trẻ đặc biệt.
Là thầy giáo trẻ nhất trung tâm, Nguyễn Ngọc Phước (23 tuổi, quê ở Thái Bình) chia sẻ: "Mỗi ngày, một giáo viên sẽ giáo dục cho một học sinh làm quen với những kỹ năng cơ bản như nhận biết, tự phục vụ, diễn đạt… Mọi thứ đều rất khó khăn vì không phải trẻ nào cũng giống trẻ nào nhưng hơn hết, mỗi giáo viên phải kiên trì. Có lẽ, chỉ có kiên trì mới có thể gánh vác trên vai sứ mệnh chăm sóc trẻ đặc biệt", Phước cho hay.
Cô giáo có thể nhận về những vết cắn bất đắc dĩ
Vừa chỉ vào vết cắn còn đỏ hỏn trên cánh tay phải, bà Vũ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hừng Đông xót xa về một trường hợp trẻ tự kỷ ở Nam Định.
Bà Hiền kể: "Đây là vết cắn của một bạn nhỏ N.H (8 tuổi) đang ở với ông bà ngoại ở Nam Định. H là học sinh đặc biệt của trung tâm, thông qua Dự án phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng. Do từ nhỏ ở với bà ngoại, H không được giáo dục, chăm sóc cặn kẽ nên càng lớn, H càng có những hành vi khó kiểm soát. Ngày hôm qua, trong lúc giáo dục trực tiếp em H, tôi không ngờ bạn ấy lại để lại vết cắn sâu đến như thế này. Nhưng với tôi, nỗi đau của vết cắn này không phải nằm ở da thịt, mà nỗi đau sẽ luôn day dứt khi nếu chính sự phát triển của H không có dấu hiệu cải thiện".
Vì vậy, ở cương vị là Giám đốc trung tâm, bà Hiền mong muốn: "Để những trẻ em đặc biệt được giáo dục và phát triển theo đúng định hướng của người lớn thì giữa nhà trường với phụ huynh phải có sự kết hợp chặt chẽ. Phụ huynh phải sát sao, nắm được nội dung giáo dục của con để từ đó, cùng giáo dục và cùng giáo viên nắm được các giai đoạn phát triển của trẻ. Tâm lý chung của phụ huynh, khi đưa con đến cơ sở là thường kỳ vọng những kết quả từ cơ sở, trung tâm chăm sóc. Tuy nhiên, giáo dục trẻ đặc biệt thì không chỉ môi trường nhà trường mà các em cũng rất cần môi trường gia đình. Gia đình phải tương tác, hướng dẫn để con có sự thay đổi, nhận định những kỹ năng của con mình đang ở mức nào. Có như vậy, kỹ năng của con được lặp đi lặp lại thường xuyên thì đứa trẻ đặc biệt mới có thể tiến bộ theo đúng định hướng của người lớn. Hơn nữa, đó cũng là giải pháp để giảm tải áp lực cho giáo viên".
Nguồn http://giadinh.net.vn