Ở nhà, cha mẹ chăm 1 đứa con đã vất vả, trong khi cô giáo mầm non được ví như 1 người mẹ, chăm cả một đàn con đến mấy chục bé càng khó hơn. Nếu không có tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và những đức tính kiên trì, nhẫn nại, giáo viên mầm non khó lòng vượt qua 1 ngày làm việc vất vả.
Cô giáo trẻ 23 tuổi Dương Thị Tuyết Vy, giáo viên lớp mẫu giáo Cỏ Non (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, công việc của tôi bắt đầu từ 6 giờ 30 phút đến tận hơn 17 giờ 30 phút. Công việc của giáo viên mầm non không gọi là quá vất vả, mà phải “loay hoay” theo thời khóa biểu ăn, học, sinh hoạt của các bé. Sáng sớm khi nhận trẻ, bản thân tôi phải dành thời gian trò chuyện cùng cha mẹ xem tình trạng sức khỏe của bé thế nào, ghi nhớ thêm những điều ba mẹ gửi gắm, kế đến hướng dẫn các bé tập thể dục, ăn sáng, uống sữa, thuốc. Vào giờ học chính, giáo viên tùy theo độ tuổi của nhóm trẻ sẽ hướng dẫn bé ca hát, nhảy múa, kể chuyện, vẽ tranh, đọc thơ… Đến giờ ăn trưa, bé nào lớn đã có thể tự múc ăn, còn bé nhỏ mình phải chăm bón từng muỗng. Giờ ngủ của bé cũng là cả vấn đề đối với cô giáo, bởi có những bé phải được vỗ về, có cô giáo nằm kế bên mới có thể ngủ được. Nói tiếng ngã lưng chứ giáo viên nào chợp mắt vì phải canh các bé có gì lạ trong lúc ngủ để kịp thời ứng phó. Giờ xế chiều lại chăm cho các bé bữa ăn xế, sinh hoạt tập thể, vệ sinh cá nhân và trả bé cho ba mẹ”.
Cô Vy trong giờ đứng lớp
Đó là ngày các bé khỏe mạnh, còn có hôm bé nào bệnh hay quấy khóc, nôn trớ, tiêu chảy, nóng sốt là cô giáo, bảo mẫu đều phải tất bật chăm sóc, dọn dẹp và chịu đựng tất cả. “Nhớ lại ngày đi kiến tập tại cơ sở, em mới biết được hết những vất vả của công việc chăm sóc trẻ. Khi đó, một giáo viên khuyên chúng em nếu thấy bản thân thật sự yêu nghề mến trẻ, kham được những khó nhọc, áp lực của nghề hãy tiếp tục gắn bó. Sau thời gian suy nghĩ, em đã tiếp tục với nghề, làm việc trong tâm thế nhẹ nhàng và vui tươi đến nay đã 3 năm tại cơ sở”. Theo cô Vy, do còn độc thân nên bản thân chưa gặp áp lực trong chăm sóc gia đình, con cái như giáo viên khác. Hàng ngày sau giờ làm việc, cô Vy đều có những hoạt động thư giãn, vui chơi như: đọc sách, cà phê cùng bạn bè để cân bằng đầu óc và sáng tạo hơn cho ngày làm việc hôm sau.
Là giáo viên nam đã từng có 3 năm đứng lớp dạy trẻ mầm non, thầy Nguyễn Thanh Long, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn của nghề giữ trẻ: “Ban đầu, nhiều phụ huynh không tin tưởng thầy giáo sao có thể dịu dàng, nhẹ nhàng, kiên nhẫn chăm sóc trẻ nhỏ như cô giáo. Thế nhưng, bằng chính lòng yêu nghề, mến trẻ, nghiệp vụ vững vàng, nắm bắt tâm lý trẻ thơ, sau một thời gian nhiều bé rất mến thầy, phụ huynh cũng yên tâm gửi con. Đó là quãng thời gian quý báu để tôi có thể làm tốt công tác quản lý như hiện nay. Công việc của giáo viên mầm non thật sự quá vất vả, đòi hỏi giáo viên dành hết thời gian trong ngày để chăm sóc và giáo dục các bé. Cho nên, tôi luôn hỗ trợ và động viên giáo viên đứng lớp, khuyến khích các giờ dạy lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường các hoạt động sáng tạo, vui chơi, học tập để trẻ em vùng nông thôn không bị thiệt thòi như trẻ em thành thị, bổ sung đồ dùng dạy học, tu sửa cơ sở vật chất để tạo nên hứng thú, thuận tiện cho các giờ dạy và học của các cô giáo và các bé”.
Giáo viên mầm non như 1 nghệ sĩ đa năng, vừa phải có nghiệp vụ sư phạm, vừa phải có năng khiếu thơ ca, nhạc, họa, vừa phải là chuyên gia tâm lý, “quan tòa bất đắc dĩ”, vừa có kiến thức y tế, vừa phải có kỹ năng xử lý tình huống để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong trường học cơ sở. Với sự tận tụy, tinh thần hy sinh thời gian dành cho bản thân và gia đình để toàn tâm, toàn ý cho việc giữ trẻ và các hoạt động soạn giáo án, sáng tạo chương trình ngoại khóa hấp dẫn trẻ… Song, trên thực tế đồng lương giáo viên mầm non và các chế độ đãi ngộ còn rất thấp. Điều mà các giáo viên mong muốn nhất chính là đồng lương phải làm sao ngày càng được cải thiện để họ sống và gắn bó được với nghề. Cùng với đó là sự cảm thông, nhìn nhận về nghề giáo viên mầm non từ xã hội rằng đây là một nghề “trồng người” đầy vất vả, có tác động mạnh mẽ đến nhân cách trẻ đến khi trưởng thành. Do vậy, cần lắm sự trân trọng và phối hợp từ các bậc phụ huynh để hoạt động nuôi dạy trẻ ngày càng tốt hơn.
Nguồn http://baoangiang.com.vn