Hiện nay nhiều trường mầm non có điều kiện đầu tư và trang bị tivi, đầu video, có phòng vi tính riêng với hệ thống máy tính và máy chiếu, nối mạng internet... tạo điều kiện cho giáo viên mầm non có thể ứng dụng CNTT vào giảng dạy và trẻ mầm non có cơ hội được tiếp cận với máy vi tính.
Hoạt động cho trẻ làm quen với máy vi tính dần đã là một phần không thể thiếu trong nội dung giảng dạy đối với trẻ ở các trường mầm non chuẩn quốc gia, đặc biệt là các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ II hiện nay. Vậy, vấn đề đặt ra là sử dụng các thiết bị, phòng máy tính ở trường mầm non như thế nào sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất?
Lưu ý cách tổ chức hoạt động làm quen với tin học cho trẻ mầm non tại phòng máy vi tính như sau:
- Xây dựng kế hoạch: nhà trường xây dựng kế hoạch phân công thời gian hoạt động cho các lớp. Ưu tiên dành thời gian cho trẻ ở các khối lớp lớn hơn. Thời gian hoạt động trực tiếp với máy tính của mỗi trẻ không nên quá 25 phút/ 01 hoạt động.
Kế hoạch hoạt động của các lớp cần phải cụ thể về:
+ Nội dung và thời gian dành cho từng nội dung giáo dục;
+ Lựa chọn, sắp xếp các kiến thức từ dễ đến khó, từ các kiến thức, thao tác cơ bản đến các kiến thức, kỹ năng khó hơn;
+ Dành thời gian cho trẻ tự khám phá và thời gian cho trẻ thực hiện các hoạt động tái hiện lại các kiến thức, kỹ năng, thể hiện cảm xúc của trẻ đối với các nội dung trẻ được học như: vẽ, xé dán, in hình, tô màu, kể lại, bắt chước các nhân vật, hát, múa...
- Sắp xếp bố trí giáo viên có khả năng về tin học để hướng dẫn trẻ học tại phòng vi tính. Có thể bố trí giáo viên này hỗ trợ cho giáo viên của các lớp khi cần thiết.
- Đảm bảo rằng hệ thống điện không là nguy cơ dẫn đến các mối nguy hiểm đối với trẻ; phòng đủ ánh sáng và có không gian thoáng mát.
- Tổ chức hướng dẫn cho trẻ làm quen với tin học theo kế hoạch. Trong quá trình tổ chức hoạt động này giáo viên nên chú ý:
+ Giai đoạn trẻ mới được tiếp xúc với máy vi tính, giáo viên nên hướng dẫn trẻ các thao tác đơn giản bằng biện pháp sử dụng lời nói kết hợp làm mẫu.
Đặc biệt là các thao tác ở máy, tắt máy hoặc thoát các chương trình, các file nhằm giảm thiểu việc lỗi máy. Khi trẻ đã quen dần với cách sử dụng máy, ta có thể mở các trò chơi đơn giản được cài sẵn vào máy cho trẻ chơi vừa tập trẻ sử dụng máy vừa mang tính chất giải trí cho trẻ.
+ Trẻ mầm non vốn tò mò, thích tự khám phá khi được tiếp xúc với máy vi tính. Giáo viên nên tận dụng đặc điểm tâm lý này của trẻ để gợi ý cho trẻ tự khám phá từng nội dung giáo dục. Giáo viên lúc này vai trò chủ yếu là bao quát, hướng dẫn, giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn.
+ Tư thế ngồi của trẻ trong giai đoạn phát triển này là rất quan trọng, giúp hình thành cho trẻ thói quen và tư thế ngồi đúng. Do vậy, cần đảm bảo bàn ghế đúng quy cách và giáo viên hướng dẫn luôn chú ý đến tư thế ngồi của trẻ.
+ Để khắc sâu các kiến thức và phát triển khả năng tư duy sáng tạo cho trẻ, giáo viên cần tổ chức các hoạt động sau giờ làm quen với máy vi tính, tạo cơ hội cho trẻ tái hiện các kiến thức, cảm xúc của bản thân, của nhóm.
Các hoạt động này giáo viên có thể cho trẻ thực hiện tại lớp, không nhất thiết là thực hiện tại phòng máy vi tính. Trẻ có thể hoạt động cá nhân, hoạt động theo nhóm có cùng sở thích một cách thoải mái. Giáo viên hướng dẫn có vai trò gợi ý, hỗ trợ, phát triển ý tưởng cho trẻ, tham gia chơi cùng trẻ...
+ Làm gì với các sản phẩm trẻ đã tạo ra?
Trưng bày sản phẩm là cách làm truyền thống, phổ biến nhất. Với cách này, các sản phẩm của trẻ cần được trưng bày theo hệ thống nhất định và không nên chỉ chọn các sản phẩm đẹp mới trưng bày.
Giáo viên nên tổ chức cho trẻ trò chuyện về các sản phẩm đó giúp trẻ học hỏi kinh nghiệm, phát triển thêm ý tưởng từ các sản phẩm của bạn.
Ngoài việc trưng bày các sản phẩm đó, giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng các sản phẩm đó vào một số hoạt động khác như: làm học liệu để trẻ có thể tạo ra các sản phẩm tiếp theo, tạo các tình huống có vấn đề cho trẻ hứng thu tham gia vào hoạt động, gợi mở cho các hoạt động mới, tổ chức triển lãm sau 1 tháng/học kỳ...
+ Giáo viên cần có sự đánh giá, theo dõi khả năng của trẻ để hỗ trợ kịp thời.
+ Huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ trong việc hỗ trợ bổ sung làm phong phú nguồn học liệu cho trẻ hoạt động.
+ Việc bảo trì hệ thống máy tính, mạng internet cần được nhà trường quan tâm thường xuyên, tránh trường hợp máy hỏng ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của các lớp.
Chúng ta hãy thực hiện và chắc chắn sẽ thấy trẻ thích thú như thế nào.
Theo Trần Thị Thúy - Phòng GDMN
Sở GD&ĐT Điện Biên