Giáo dục mầm non
   Không thể để các nhà trường “tự bơi”
 

Mô hình giữ trẻ độ tuổi 6 - 18 tháng tại TPHCM dù mới chỉ triển khai thí điểm tại một số quận, huyện được một năm nay chủ yếu tại các địa bàn có đông công nhân, người lao động.


Tuy nhiên, mô hình đã cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả rất cao. Từ những khó khăn, e dè ban đầu nơi phụ huynh, đến nay sau một năm triển khai các trường mầm non công lập có mô hình giữ trẻ từ 6 - 18 tháng đã trở nên quá tải.


Hướng đi đúng, nhưng cần hỗ trợ các trường

Lộ trình thực hiện thí điểm giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi từ năm học 2014 - 2015 được ngành GD TPHCM triển khai tại 8 quận huyện, gồm: quận 7, quận 12, Bình Chánh, Củ Chi, Bình Tân, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức.


Mỗi quận huyện thực hiện ở 1 - 2 trường mầm non công lập, riêng quận Bình Tân và Thủ Đức thực hiện ở 3 trường nhằm phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân lao động, công chức, viên chức không có điều kiện tìm được người giữ trẻ tại nhà.


Để triển khai đề án trên, các quận huyện đã đầu tư từ 120 - 200 triệu đồng/phòng học trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để phù hợp với trẻ ở độ tuổi, như lát sàn gỗ, xây nhà vệ sinh riêng, bàn thay tã và nôi cho bé nằm, các món đồ chơi cho bé tập vận động...


Thời gian đầu, do tâm lý e dè nơi phụ huynh nên rất ít hồ sơ nộp vào nhóm trẻ này. Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng mô hình này một cách hiệu quả, giảm nỗi vất vả, khó khăn tìm nơi gửi con cho phụ huynh là công nhân, người lao động tại các KCN, KCX nhiều trường mầm non công lập vẫn chăm sóc các bé chu đáo, với cách bố trí lớp học một cách khoa học, một giáo viên không quá 4 học sinh.


Chính nhờ sự chu đáo, tận tâm của đội ngũ giáo viên, sau một năm thí điểm nhiều trường đã quá tải. Cô Mai Thị Ngọc Lan - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Gò Vấp) - cho biết:


Những ngày đầu lớp 6 - 18 tháng tuổi khá thưa vắng. Nhưng đến thời điểm này gần như hồ sơ xin học khá nhiều, nhà trường phải lưu lại thông tin của phụ huynh chờ đến mùa tuyển sinh sau.


Bởi lẽ mặc dù phòng rộng nhưng nếu như một phòng học của lớp nhà trẻ, mẫu giáo có thể nhận được 25 - 30 trẻ thì trẻ dưới 12 tháng không thể nhận quá 15 bé/lớp.


Đó là chưa kể chế độ ăn cũng yêu cầu chăm sóc trẻ cao hơn, giáo viên cực hơn. Do đó, với kinh phí ngân sách cấp cho lứa tuổi này như hiện nay (bằng lớp nhà trẻ) thì các trường gặp khó rất nhiều.


Đồng tình với chia sẻ của cô Lan, cô Nguyễn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai (quận Gò Vấp) - phân tích: Với mức học phí đóng mỗi tháng 200.000 đồng như các cháu nhà trẻ, so ra thì các cô chăm sóc các cháu dưới 18 tháng tuổi thật sự rất vất vả.


Các trường cũng chỉ biết động viên các cô chứ không thể có thêm kinh phí để hỗ trợ. Nhà trường chỉ có thể trang bị chuyên môn, cơ sở vật chất cho các cháu, tạo mọi điều kiện cho cô chăm sóc các cháu thật tốt để phụ huynh yên tâm, chứ việc tìm kiếm nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho giáo viên thì không có.


Ngoài những khó khăn về kinh phí cho các hoạt động chuyên môn, chăm sóc trẻ đặc thù của nhóm tuổi 6 - 18 tháng thì các trường còn vất vả bổ sung đội ngũ giáo viên.


Trẻ càng nhỏ, càng cần nhiều giáo viên bởi việc chăm sóc trẻ cần tỉ mỉ hơn. Đối với lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thì một cô có thể chăm sóc 10 - 16 trẻ nhưng ở nhóm trẻ dưới 18 tháng các quận, huyện đề xuất mỗi giáo viên chỉ chăm 4 trẻ là quá sức, nên không thể nhận thêm.


Mặt khác, sau một năm thực hiện thí điểm thực tế yêu cầu các trường cần bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng (1 người/lớp) để hỗ trợ giáo viên chăm sóc trẻ, vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh, đồ dùng, đồ chơi.

Tuy nhiên theo Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT về vị trí việc làm trong các cơ sở mầm non công lập thì không có vị trí nhân viên nuôi dưỡng, đội ngũ này chưa có định biên, lương thấp nên khó tuyển người.


Tiếp tục nhân rộng mô hình hay
Mô hình giữ trẻ độ tuổi 6 - 18 tháng đã thể hiện rõ tính hiệu quả khi nó chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều khó khăn cho các bậc phụ huynh là công nhân, người lao động.


Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh thì các trường có mô hình trên cần điều chỉnh về thời gian giữ trẻ trễ hơn một chút so với hiện nay, giúp việc giữ trẻ được phù hợp với đặc thù làm việc theo ca của công nhân hơn.


Theo Sở GD&ĐT TPHCM, lộ trình năm học 2015 - 2016 sẽ có thêm 4 quận tham gia chăm sóc và nuôi dạy trẻ 6 - 18 tháng tuổi là quận 9, 11, Gò Vấp và Tân Bình.


Còn đối với 8 quận, huyện đã thực hiện thí điểm từ năm học trước sẽ nhân rộng quy mô. Dự kiến trong năm học 2015 - 2016 sẽ có 41 trường mầm non công lập nhận giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi với 212 trẻ 6 - 12 tháng tuổi và 406 trẻ 13 - 18 tháng tuổi.


Ngoài ra, trong năm học 2015 - 2016 sẽ có thêm 3 trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động là Mầm non khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Mầm non khu công nghiệp Vĩnh Lộc và Nhà trẻ khu chế xuất Tân Tạo (quận Bình Tân). Những ngôi trường này sẽ đáp ứng được đặc thù của công nhân trong việc gửi con...


Ghi nhận tại một số quận, huyện cũng cho thấy: Các quận, huyện đã chuẩn bị để mở rộng thêm quy mô các lớp trong năm học mới. Tuy nhiên để duy trì hiệu quả thực hiện chăm sóc và nuôi dạy trẻ từ 6 - 18 tháng, cần bổ sung thêm kinh phí, nhân lực, chế độ chính sách cho đội ngũ thực hiện để hỗ trợ hoạt động cho trường.


Có trường cần phải giải quyết bài toán giáo viên. Tuy một vài trường chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng hiện nay, các quận, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.


Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Nhu cầu về giáo viên mầm non các quận, huyện năm nào cũng cần.


Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã có nhiều phương án theo chỉ đạo chung và thống nhất giữa Sở GD&ĐT và các quận, huyện ở một số vấn đề chính.


Ví dụ như những người làm việc bảo mẫu có thể đăng kí học để trở thành giáo viên mầm non, đồng thời mời các trường đại học về đào tạo tại quận huyện. Trong đó, đề nghị các quận, huyện thực hiện tốt các chế độ chính sách, hỗ trợ để thu hút giáo viên.


Cô Bùi Thị Minh Nguyệt - Phó phòng GD&ĐT quận Gò Vấp - cho biết: "Có nhân viên nuôi dưỡng sẽ hỗ trợ giáo viên chăm sóc trẻ, vệ sinh phòng học... đối với lứa tuổi dưới 18 tháng việc chăm sóc và dạy trẻ phải thực hiện mọi nơi mọi lúc, có nhân viên nuôi dưỡng giáo viên sẽ tập trung cho trẻ được nhiều hơn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của các trường là đang vướng Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT".


Theo GD&TĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục (8/7)
 Thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Con công nhân vẫn “ngoài vòng phủ sóng” (7/7)
 Phòng GD Tây Hồ (Hà Nội): 100% trường mầm non đạt Chuẩn Quốc gia (6/7)
 TPHCM: Hỗ trợ hơn 2.700 tỷ đồng cho các dự án trường mầm non (2/7)
 Tân Bình chuẩn bị nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi (1/7)
 Giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại TP.HCM: Cần thêm chính sách hỗ trợ (30/6)
 Nghệ An giải bài toán định biên giáo viên mầm non (29/6)
 Công nhân chưa mặn gửi con nhà trẻ (26/6)
 Trường mầm non “mắc kẹt” bởi thông tư (25/6)
 Trường mầm non không dạy hè, phụ huynh vất vả (24/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i