Khung giờ gửi trẻ chưa hợp lý, chế độ tài chính chưa đảm bảo và kinh nghiệm giáo viên là những yếu tố cần khắc phục.
Năm học vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong thực hiện Đề án thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn 8 quận, huyện tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với mục đích giảm áp lực gửi con cho người lao động nghèo. Là một chủ trương đúng, thế nhưng do còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời nên sau một năm triển khai thí điểm, mô hình này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Cô và trò nhóm trẻ 12 - 18 tháng tuổi tại Trường MN Hoa Phượng Đỏ
Tại quận Thủ Đức có 3 trường mầm non công lập thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi là: Trường Mầm non Hoa Mai, Trường Mầm non Sơn Ca và Trường Mầm non Linh Xuân với số trẻ khá khiêm tốn: chưa đến 70 bé. Trong đó, nhóm trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi tại mỗi trường chỉ khoảng 8 đến 10 bé, còn lại thuộc nhóm từ 13 đến 18 tháng tuổi. Lý giải điều này, đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Thủ Đức cho rằng, không phải người dân không có nhu cầu mà vì khung giờ chưa hợp lý nên nhiều người không sắp xếp được. Đa phần người dân trên địa bàn là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vì vậy nhu cầu gửi con sớm, đón con muộn là rất lớn. Trong khi đó các trường chỉ nhận giữ trẻ từ 7 giờ sáng đến 16 giờ 30. Vào trường công không tiện, nhiều người chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ gia đình. Hiện nay, quận Thủ Đức có 267 nhóm trẻ gia đình không phép, tăng 2,2 lần so với năm ngoái.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc hình thành các nhóm trẻ gia đình là nhu cầu thực tế của địa phương để linh động giờ giấc. Tuy nhiên, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các ban ngành: "Mong rằng địa phương sẽ tăng cường giám sát, quản lý, cập nhật và tạo điều kiện giúp các nhóm trẻ chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động. Đồng thời tổ chức tập huấn, trao đổi những kỹ năng nuôi trẻ cần thiết.".
Chất lượng nuôi giữ trẻ cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Hiện đa phần các giáo viên đều e dè khi nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi vì thu nhập không tăng nhưng lại rất vất vả. Nhiều cô phải vừa làm, vừa học do chưa quen. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất, các trường cần thêm nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn để giáo viên có thêm kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Ngọc Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức cho biết: "Các cô mới làm nên khi phân công nhóm các cô lo sợ vì không biết mình nhận cháu như thế nào, chăm sóc cháu ra làm sao... Chế độ ăn của các cháu nhiều khi cũng khiến các cô lo mặc dù các cô đã được học, được bồi dưỡng rồi".
Là một trong 8 địa phương tham gia thí điểm Đề án nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, năm học vừa qua, tổng số trẻ thuộc độ tuổi này được nhận giữ trên địa bàn Quận 7 là 65 em. Trong đó, Trường Mầm non công lập 19/5 có 9 trẻ thuộc nhóm từ 6 đến 12 tháng tuổi và 18 trẻ thuộc nhóm từ 13 đến 18 tháng tuổi. Số trẻ còn lại đều do các trường tư thục nhận giữ.
Theo bà Nguyễn Trinh Tần, chuyên viên mầm non, Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận 7, khó khăn lớn nhất mà các trường đang gặp phải là đội ngũ giáo viên. Các giáo viên có tay nghề vững vàng thì lại lớn tuổi khó có thể đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc kỹ lưỡng, ẵm bồng trẻ nhỏ thường xuyên. Trong khi đó, các giáo viên trẻ lại thiếu kinh nghiệm nên thường ngán ngại nhóm trẻ này. Đội ngũ bảo mẫu đang được các trường nhắm đến để đào tạo tay nghề nhằm chuyển sang phục vụ nhóm trẻ đặc thù nói trên. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Bà Nguyễn Trinh Tần đề xuất, thời gian tới, ngành giáo dục thành phố cần tập trung đào tạo nguồn giáo viên riêng cho nhóm trẻ này.
"Chương trình đào tạo cần chú trọng hơn đến việc chăm sóc trẻ dưới 18 tháng. Hiện nay, chương trình đào tạo của các trường sư phạm vẫn chưa chú trọng đến việc cung cấp cho giáo sinh những kỹ năng này. Đồng thời tại các trường mầm non đang hoạt động, số nhóm trẻ dưới 18 tháng rất ít nên cũng không có nơi cho trường đào tạo gửi sinh viên đến kiến tập." - bà Tần cho biết thêm.
Sau một năm thí điểm mô hình này, đa phần các quận huyện đều cho rằng, cần có thêm sự hỗ trợ từ thành phố thì mới đủ lực hoàn thành tốt yêu cầu của đề án. Trong đó, kinh phí là yếu tố quan trọng nhất. Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Gò Vấp kiến nghị, với độ tuổi này, thành phố nên nâng mức ngân sách cấp trên đầu trẻ nhằm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trường. Đồng thời, cũng cần xem xét lại các khoản thu để vừa đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh vừa ổn định kinh phí cho các trường.
Bởi theo bà Nguyệt, "Với trẻ 6-18 tháng, chế độ ăn yêu cầu rất cao. Do vậy mức thu 27.000 đồng/ngày hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Mức vệ sinh phí cũng vậy. Trẻ 6-18 tháng, vệ sinh phí tốn rất nhiều, mức thu 20.000 đồng/tháng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho trẻ.".
Mong rằng, ngay trong năm học tới, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm thực hiện tốt yêu cầu của Đề án thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi cho các địa phương, góp phần giảm áp lực gửi con cho người lao động nghèo./.
Theo Báo Giáo Dục