Giáo dục mầm non
   Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất: Héo hon tìm trường mầm non
 

Tháng 7 hằng năm là thời điểm bắt đầu mùa tuyển sinh ngành học mầm non. Trong nội đô ở các thành phố lớn, nhiều gia đình khá giả lại chạy đua tìm trường "điểm", trường chất lượng cao có giá học phí hàng triệu, hàng chục triệu đồng. Còn tại các khu công nghiệp ở ngoại thành, từng gia đình công nhân lại trầy trật, héo hon lo xin cho con vào học trường mầm non công lập, bởi những lo lắng về chất lượng các "nhà trẻ" tự phát, và bởi đồng lương công nhân của họ có hạn.


Một gia đình công nhân ngoại tỉnh thuê trọ tại KCN Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: KỲ ANH


Trường công "đóng cửa" với con lao động ngoại tỉnh
Nhiều tháng nay, Hồng Thụy, công nhân Cty Euro Window (KCN Quang Minh, Hà Nội) trầy trật tìm trường mầm non cho con gái Susu hơn 2 tuổi. Trường công thì không thể, trường tư chất lượng thì học phí cao, vợ chồng Thụy không kham nổi. Không thể nhờ mãi bà ngoại Susu từ quê Quảng Bình lên trông cháu vì bà còn bận việc ruộng vườn, cuối cùng Thụy cũng phải tặc lưỡi gửi con vào một trường mầm non tư thục trong khu vực KCN. "Không có hộ khẩu thường trú, chạy vạy xin xỏ nhưng tôi không thể xin cho con vào trường công lập, tôi đành gửi trường tư. Dù chưa yên tâm nhưng không còn sự lựa chọn nào khác!" - Thụy chia sẻ.


Phòng học của con Thụy chưa đầy 30m2, với khoảng 25 cháu/2 cô giáo. Học phí của trường là 900.000đ/cháu, riêng tiền ăn là 12.000đ/ngày/cháu với 2 bữa chính là bữa trưa và bữa xế. Chỉ hai bữa ăn, lần nào chị cũng mang theo cho con nào sữa, bánh ngọt... để cô giáo cho ăn thêm. Với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng (có tăng ca), chi phí cho một tháng học của con đội lên khá nhiều khiến vợ chồng Thụy không khi nào hết lo. Thêm vào đó là nỗi lo canh cánh thường trực như bữa ăn của con có đủ no không, cô giáo có đối xử tốt với con không, hay thậm chí bánh sữa gửi cho con, con có được ăn?


Câu chuyện của Thụy là một trong vô số trường hợp công nhân, người lao động nhập cư khu vực ngoại thành Hà Nội có con nhỏ đến tuổi học mẫu giáo. Chị Lê Thị Lý (CN tại KCN Bắc Thăng Long, đang trọ tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng trong cảnh tương tự, không hộ khẩu, trường mầm non công lập "đóng cửa" với con chị. Chị kể: "biết khó khăn, tôi đã nhờ đủ người, từ chủ nhà cho thuê, đến người quen, thậm chí sẵn sàng bỏ một khoản tiền nhỏ "để chạy" nhưng đều bất lực".


Chuyển chỗ ở xa mới xin học được cho con!
Thu nhập hạn hẹp, không có hộ khẩu, ít quan hệ... nhiều CN đã phải tính đến phương án chuyển chỗ trọ mới xa hơn chỉ để xin được cho con vào học trường công. May mắn này đã mỉm cười với Trần Văn Khâm (quê Tuyên Quang, CN Cty Sucall, đang trọ xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội). Trước đây, trọ ở xã Kim Chung, hầu hết các trường công lập đều quá tải, lại không có quan hệ nên vợ chồng Khâm không xin được cho con vào học. Đau đầu tính toán, cuối cùng, vợ chồng anh phải chuyển về cách nơi trọ cũ 3km. Cuối cùng, nhờ vào việc chuyển nơi ở, con của anh mới có một suất học trường công tại đây. "Xã này ít CN trọ hơn nhiều so với xã Kim Chung, mà chủ yếu là người dân bản địa, nên mới dễ xin cho con vào học như vậy" - Khâm cho biết. Còn tại KCN Quang Minh, vẫn có một vài trường hợp CN may mắn xin cho con được vào trường công lập do trường vẫn còn chỗ. Tùy địa bàn và sau khi ưu tiên tối đa cho con em có hộ khẩu thường trú, CN đành rơi vào tình cảnh "hên xui" khi xin học vào trường công cho con.


Trao đổi với LĐ ngày 9.7, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng GD Mầm non - Sở GDĐT Hà Nội cho biết, do nhu cầu của phụ huynh quá lớn, đặc biệt là công nhân ở nhiều KCN, Sở GDĐT năm qua đã tăng đáng kể số lượng trường mầm non công lập, tư thục và các nhóm lớp tư thục. "Các loại hình trường này đều chịu sự quản lý của Bộ GDĐT và chúng tôi đang nỗ lực mở rộng số lượng trường, nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu phụ huynh" - bà Hương nhấn mạnh. Theo bà Hương, nhiều KCN lớn như KCN Đông Anh ngoài các trường công lập còn có hơn 20 nhóm lớp tư thục để phụ huynh lựa chọn. Theo bà, các nhóm lớp này đều chịu sự quản lý cấp phép của các phòng GDĐT, có sự phối hợp của các đoàn thể như hội phụ nữ, tổ dân phố. Tuy nhiên, học phí của các trường tư thục cao chính là điều mà nhiều gia đình công nhân lo nghĩ, không với tới được.


Cùng ngày, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GDĐT) cho biết, cách đây chỉ hơn một tháng, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị 09/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, khu chế xuất. Chỉ thị nêu rõ, UBND các tỉnh, TP nhanh chóng bố trí quỹ đất các KCN để xây trường mầm non, xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở GD mầm non, tăng cường quản lý các cơ sở này, đảm bảo môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn. Tuy nhiên những điều như ông Minh nói ở trên đều vẫn ở dạng quyết tâm chính trị, thiếu trường công, công nhân lao động vẫn đang phải trầy trật, lo lắng tìm chỗ học cho con.


Trường mầm non cho con công nhân
Chị Vũ Thị Lý - công nhân ở KCX Tân Thuận (Q.7, TPHCM) có con trai 3 tuổi đang gửi học trong trường mầm non T.T gần công ty cho biết: "Thu nhập một tháng của tôi được 3,6 triệu chỉ đủ nuôi một đứa con, riêng tiền học của cháu một tháng phải đóng cố định hơn 1,7 triệu và 400 nghìn tiền gửi thêm giờ". Chị Lý cũng như rất nhiều công nhân khác tại các KCX phải chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn so với thu nhập để tìm cho con một suất học mầm non tư thục vì không có hộ khẩu KT3.


Ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục quận Thủ Đức cho biết: "Trên địa bàn quận mới khởi công xây dựng trường mầm non gần KCX, sắp tới sẽ tiến hành xây dựng trường mầm non nằm trong KCX để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân. Hiện tại, quận Thủ Đức có 19 trường mầm non công lập mỗi năm nhận khoảng 40% số lượng các cháu đến lớp số còn lại là 60% phải gửi ở trường tư thục ngoài". MAI PHƯƠNG


Theo Báo Giáo Dục

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Không thể để các nhà trường “tự bơi” (9/7)
 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục (8/7)
 Thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Con công nhân vẫn “ngoài vòng phủ sóng” (7/7)
 Phòng GD Tây Hồ (Hà Nội): 100% trường mầm non đạt Chuẩn Quốc gia (6/7)
 TPHCM: Hỗ trợ hơn 2.700 tỷ đồng cho các dự án trường mầm non (2/7)
 Tân Bình chuẩn bị nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi (1/7)
 Giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại TP.HCM: Cần thêm chính sách hỗ trợ (30/6)
 Nghệ An giải bài toán định biên giáo viên mầm non (29/6)
 Công nhân chưa mặn gửi con nhà trẻ (26/6)
 Trường mầm non “mắc kẹt” bởi thông tư (25/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i