Trong số báo 1.483 (ra ngày 1-8), Giáo dục TP.HCM có thông tin về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nguyễn Tòng Quân. Anh ta đã giả danh cán bộ Sở GD-ĐT để lừa "chạy việc" cho hai giáo sinh. Trước đó, trong các đợt tuyển dụng giáo viên cũng râm ran thông tin "chạy việc", "chạy trường".
Các giáo sinh xem danh sách trúng tuyển viên chức ngành GD-ĐT ngày 29-7-2014. Ảnh: H.Triều
Để dư luận hiểu hơn về quy trình tuyển dụng viên chức của ngành GD-ĐT, ông Nguyễn Huỳnh Long - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Hàng năm, trước khi kết thúc năm học, các trường đều báo cáo về tình hình nhân sự, nhu cầu tuyển dụng mới của đơn vị lên Sở GD-ĐT (đối với các trường trực thuộc sở), lên phòng GD-ĐT quận, huyện (đối với các trường trực thuộc quận, huyện). Sở GD-ĐT tổng hợp và ra kế hoạch tuyển dụng nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho năm học mới".
PV: Vậy kế hoạch tuyển dụng cũng như số lượng giáo viên cần tuyển có được công khai không thưa ông?
Ông Nguyễn Huỳnh Long: Hàng năm vào cuối tháng 5, Sở GD-ĐT đều công khai kế hoạch tuyển dụng viên chức lên trang web của ngành (http://www.hcm.edu.vn). Theo đó, Sở GD-ĐT đã nêu rất chi tiết, cụ thể về nguyên tắc và căn cứ tuyển dụng; phương thức và thẩm quyền tuyển dụng; đối tượng tuyển dụng; nhu cầu tuyển dụng; hồ sơ dự xét tuyển; kế hoạch, thời gian, địa điểm và quy trình tham dự xét tuyển. Trong đó, đối tượng tuyển dụng là người có đủ các điều kiện: Có quốc tịch Việt Nam và có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM; từ đủ 18 tuổi trở lên và trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động; có đơn đăng ký dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ A tin học, chứng chỉ B tiếng Anh và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Người dự tuyển phải đạt trình độ chuẩn theo quy định hiện hành, cụ thể: Có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, chuyên ngành sư phạm đối với giáo viên mầm non, tiểu học; có bằng tốt nghiệp từ CĐ trở lên, chuyên ngành sư phạm đối với giáo viên THCS; có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên, chuyên ngành sư phạm, hệ chính quy đối với giảng viên, giáo viên giảng dạy tại các trường THPT, các trung tâm GDTX, các trường TCCN, các trường CĐ.
Căn cứ vào nhu cầu cũng như yêu cầu của ngành GD-ĐT, các ứng viên có khoảng 20 ngày để đăng ký và sửa thông tin đăng ký dự xét tuyển tại địa chỉ http://www.hcm.edu.vn/phongtccb, chọn mục Tuyển dụng. Các ứng viên sử dụng mã số đăng ký và số chứng minh nhân dân để điền đầy đủ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thông tin đăng ký dự xét tuyển.
Thưa ông, có phải ứng viên nào đăng ký trên mạng cũng được tham gia xét tuyển viên chức ngành GD-ĐT không?
Không hẳn vậy. Bởi, sau khi các ứng viên đăng ký thông tin trên mạng, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành rà soát dữ liệu, nghĩa là đối chiếu lại những thông tin mà ứng viên đã đăng ký với văn bằng và hồ sơ gốc. Nếu văn bằng và hồ sơ gốc không đáp ứng các yêu cầu (theo kế hoạch tuyển dụng đã được thông báo rộng rãi trước đó) thì ứng viên không được tham gia xét tuyển.
Đối với những ứng viên đủ điều kiện sẽ tham gia phỏng vấn, gồm 2 phần: Kiến thức chung và chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, phần kiến thức chung, các ứng viên tham gia thi viết một bài luận trong thời gian 45 phút xoay quanh các nội dung như Luật Giáo dục, điều lệ trường, chế độ làm việc đối với giáo viên, quy chế đánh giá xếp loại học sinh. Ở phần này điểm tối đa là 25 điểm. Còn ở phần phỏng vấn chuyên môn, nghiệp vụ (điểm tối đa là 75 điểm), thí sinh dạy một bài trong chương trình sách giáo khoa và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo (trong thời gian 10 phút). Trước đó, Sở GD-ĐT đã triệu tập các ứng viên để hướng dẫn việc chuẩn bị tham dự buổi phỏng vấn xét tuyển viên chức.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong dư luận các giáo sinh có thông tin về việc "chạy việc", "chạy trường", ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tiêu cực hay không là ở nhận thức của một vài giáo sinh, sự chưa sẵn sàng để nhận nhiệm vụ mới, muốn có chỗ làm theo ý mình. Còn đối với Sở GD-ĐT, sau phần phỏng vấn xét tuyển viên chức, chúng tôi tổng hợp kết quả trình lên Hội đồng xét tuyển (Chủ tịch hội đồng là Giám đốc sở, thành viên là lãnh đạo các phòng, ban của sở). Hội đồng xét tuyển sẽ họp và chọn ra những ứng viên trúng tuyển theo phương thức lấy điểm từ cao xuống thấp, chuyên ngành sư phạm chính quy. Trong trường hợp chưa tuyển đủ thì lấy các đối tượng tốt nghiệp ĐH khác nhưng có chứng chỉ sư phạm.
Về việc phân công nhiệm sở, trước tiên là căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị trường học, sau đó là nguyện vọng của ứng viên (trước đó ứng viên đã đăng ký nguyện vọng về quận, huyện nào. Mỗi ứng viên được đăng ký ba nguyện vọng, trước đây chỉ có một nguyện vọng), cuối cùng là yêu cầu của ngành. Sau khi nhận giấy phân công nhiệm sở, giáo sinh phải tới trường trình diện (trong 2 ngày). Giáo sinh nào không trình diện sẽ bị hủy kết quả tuyển dụng. Về phía các trường, khi sở phân giáo sinh về thì phải tiếp nhận.
Tôi xin khẳng định, việc tuyển dụng và phân công giáo sinh được ngành GD-ĐT thực hiện rất công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cám ơn ông!
Theo Báo Giáo Dục