Theo luật mới, trẻ em Bolivia có thể làm việc từ khi lên 10 với sự giám sát của cha mẹ và các em vẫn được đến trường. Tuổi 12 là độ tuổi tối thiểu trẻ làm việc dạng hợp đồng. Chính quyền Bolivia cho rằng, bộ luật mới phản ánh đúng thực tế của đất nước có hơn một triệu trẻ em đang lao động thường xuyên, nhưng các nhà hoạt động xã hội đã phản ứng, vì điều này trái với công ước của Liên Hiệp Quốc quy định độ tuổi lao động tối thiểu là 14.
Giữa cái nắng gay gắt, cô bé Alicia, 12 tuổi, len lỏi vào dòng xe cộ chào mời những cặp đôi đang hẹn hò bằng món hàng rẻ tiền là mấy bông hoa bằng len sặc sỡ. Nếu may mắn, Alicia và mẹ kiếm được một số tiền tương đương khoảng 300.000đ vào cuối ngày. "Để mẹ đi bán một mình thì không thể, vì mẹ còn phải trông nom hai em", Alicia nói. Cô bé đến trường mỗi buổi chiều, nhưng vào những ngày nghỉ thì phụ mẹ buôn bán cả ngày. Khi các em ngủ, người mẹ đan hoa cho Alicia đi bán.
Tương tự, cậu bé 15 tuổi Eddy Roman Davalos Cayo, hiện đang chủ trì Công đoàn Lao động trẻ em và tuổi vị thành niên cho biết: "Em đi làm từ khi tám tuổi, những công việc như phụ hồ hay rửa bát. Em tự mua đồ dùng học tập, rất ít xin tiền bố mẹ và em tự hào với đóng góp này".
Theo Liên Hiệp Quốc, tính từ năm 2000, lao động trẻ em đã giảm một phần ba trên toàn cầu. Châu Mỹ Latin và vùng Caribbe chỉ còn 13 triệu trẻ phải lao động trong tổng số (ước tính) 168 triệu trẻ lao động trên toàn thế giới.
Số liệu năm 2008 cho thấy, 850.000 trẻ ở độ tuổi 5 - 17 đang làm việc tại Bolivia, khoảng một nửa ở nông thôn, số còn lại ở thành thị. Có đến 9 trong 10 em phải làm các công việc rất nặng nhọc như thu hoạch mía, hầm mỏ, là các công việc nặng nhọc, làm giảm tuổi thọ.
Con số gần nhất hiện chưa được tiết lộ, nhưng ước tính có khoảng một triệu trẻ em tại Bolivia phải lao động thường xuyên, đại diện cho 15% nhân lực của đất nước. Các em thường làm việc tại các xưởng dệt, nông trại hoặc buôn bán dạo, nhặt lá coca và khuân vác trong chợ.
Ngoài ra, cứ trong ba đứa trẻ thì có một em không được đến trường. Điều này là hệ quả tất yếu, vì các em bận rộn mưu sinh thì rất khó tập trung cho học tập. Với Alicia, em không thể vui chơi cùng các bạn, nhất là từ khi cha em qua đời hai năm trước. Có ngày Alicia phải đứng suốt, nên không thể dồn hết tâm sức vào việc học. "Có lúc, em muốn đi xem phim. Nhưng nhìn mẹ buôn bán cực khổ, em thôi ngay ý nghĩ đó", Alicia nói.
Những người ủng hộ bộ luật cho rằng, hạ thấp độ tuổi lao động từ 14 xuống 10 là phản ảnh đúng thực tế của đất nước, do nhiều gia đình nghèo tại Bolivia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để trẻ em làm việc. Vì vậy, luật cũng nhằm bảo vệ "quyền lao động sớm" của trẻ em. "Lao động trẻ em đã tồn tại rất lâu tại Bolivia và rất khó để xóa sạch. Thay vì ngược đãi, chúng tôi muốn bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an toàn lao động cho trẻ", nghị sĩ Adolfo Mendoza, một trong những người ủng hộ bộ luật nói.
"Tổng thống đã ủng hộ chúng tôi, bản thân ông cũng làm việc khi còn là một đứa trẻ, ông chăn lạc đà chẳng hạn", Rodrigo Medrano, người phụ trách Hội Lao động thanh thiếu niên nói. Medrano cho biết, không còn lựa chọn nào khác với đất nước có hơn nửa dân số ở tình trạng đói nghèo.
Tuy nhiên, bà Jo Becker, Giám đốc Quyền trẻ em của trung tâm Quan sát nhân quyền có trụ sở tại New York (Mỹ) phản đối: "Bolivia có bước đi sai lầm với toàn thế giới. Lao động trẻ em là một biện pháp tạm thời cho tình hình khó khăn của đất nước, nhưng về lâu dài, đó chính là nguyên nhân của đói nghèo".
Bà Becker nói: "Những người phải lao động khi còn trẻ thường thiếu kiến thức giáo dục, không kiếm được nhiều tiền khi trưởng thành và có khuynh hướng cho con em của họ đi kiếm tiền sớm, tạo nên cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo". Bolivia nên đầu tư để kéo các gia đình ra khỏi sự túng quẫn. Hiện chính phủ Bolivia đang làm theo cách này, nhưng vẫn còn khá hạn chế, chẳng hạn hỗ trợ cho những gia đình có con đến trường số tiền tương đương khoảng 500.000đ mỗi em trong một năm.
Tổ chức này cùng với một số nhóm hoạt động nhân quyền cũng gửi thư đến Tổng thống Morales phản đối quyết định trên, cho rằng nếu trẻ phải làm việc ở độ tuổi 10-12, các em sẽ bị mất những năm tháng tốt nhất cho giáo dục, bị thui chột sự sáng tạo vì chỉ biết làm những công việc mang tính lặp đi lặp lại. Như vậy là "tước mất khả năng làm việc đầy sáng tạo của cả một thế hệ".
Theo PN