Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ 3 được tổ chức gần đây đã chỉ ra một thực tế: Tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì dưới 5 tuổi tại TPHCM tăng hơn 3 lần trong 13 năm qua.
Tình trạng trẻ em béo phì đang ở mức báo động.
Hơn 11% trẻ dưới 5 tuổi béo phì
TP Hồ Chí Minh đang phải đối diện với các thách thức lớn về dinh dưỡng và sức khoẻ của người dân. Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, xu hướng già hóa dân số, sự thay đổi lối sống và ảnh hưởng của thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh đã dẫn đến một số bất cập trong vấn đề dinh dưỡng của trẻ em. Xu hướng thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa ở trẻ em trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn đang ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ngụ ở TP.HCM gia tăng hơn 3 lần trong 13 năm qua. Tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 3,7% năm 2000 đã tăng lên 11,5% vào năm 2013; tỉ lệ thừa cân béo phì học sinh phổ thông tăng gấp đôi từ 11,6% năm 2002 lên 21,9% năm 2009.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chủ yếu bắt nguồn từ cơ cấu khẩu phần ăn cho trẻ ở các đô thị thay đổi rõ rệt về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo, chất đường. Với nhóm trẻ em này, khẩu phần ăn có hàm lượng chất béo đã lên tới xấp xỉ 30% năng lượng trong khẩu phần.
Tuy nhiên, tăng lượng chất béo nhưng các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, D, sắt... thì lại không đáp ứng đủ, ngay cả trong khẩu phần ăn của trẻ em thành phố. Đồng thời, cách thức cho trẻ ăn hiện nay chưa khoa học, trẻ thường bị ép ăn, thường ăn vặt, ăn khuya và trẻ ít vận động.
Bên cạnh đó, kiến thức dinh dưỡng cho trẻ cũng là một lỗ hổng lớn trong mỗi gia đình. Điều tra mới nhất trong tháng 6 và 7.2013 với các bà mẹ tại đô thị cho thấy, 30% bà mẹ có con bị thừa cân vẫn không biết trẻ đã thừa cân; 15% số bà mẹ có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục tăng cân với suy nghĩ "cân nặng dự trữ" phòng khi trẻ ốm đau...
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Chị Huỳnh Ái Nhân (Q.1) có con 4 tuổi nhưng nặng tới 38kg. Chị cho biết, khi bé 2 tuổi, được 14,5 kg - cân nặng ở mức bình thường nhưng ông bà luôn miệng rầy la vì để con gầy còm. Hai ông bà chăm bẵm, cho cháu ăn hầu như suốt ngày, bé lên cân vùn vụt. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, đa số các bậc phụ huynh chưa thấy được béo phì là nguy hại, tâm lý chung vẫn thích sự bụ bẫm của trẻ, rất ít người có ý thức đưa con đi khám thừa cân, béo phì vì chưa thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề. Đa số những người đưa con đi khám là khi béo phì đã gây bệnh cho trẻ.
Béo phì không chỉ đơn giản ảnh hưởng tới thẩm mỹ như nhiều người vẫn nghĩ. Những trẻ em béo phì khi lớn lên sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp... rất nguy hiểm cho sức khỏe. Một nghiên cứu trên hơn 300 trẻ béo phì tại khoa Dinh dưỡng - BV Nhi đồng 1 cho thấy, 74,3% bị rối loạn lipid máu, 39,1% gan nhiễm mỡ, 18,3% bị rối loạn đường huyết lúc đói và 2,7% số cháu bị cao huyết áp.
Nhiều em bé do béo quá, số cân nặng thừa đã lớn gấp đôi trọng lượng cơ thể, khiến đi đứng nặng nề, đã bị ảnh hưởng tới khung xương, gây thoái hóa khớp. Trẻ em trong tuổi đến trường bị béo phì thường rất hay mặc cảm, bị chúng bạn chế giễu và khó hòa đồng với đám đông, sẽ kém cơ hội thành đạt khi trưởng thành.
Việc chữa trị béo phì ở trẻ rất khó khăn, khó hơn nhiều lần so với việc chữa suy dinh dưỡng. Những lý do khiến việc giảm số trẻ thừa cân, béo phì khó khăn là nhận thức của cha mẹ về béo phì còn chưa tốt; các bậc phụ huynh chưa lập được chế độ ăn kiêng hợp lý cho trẻ, thị trường thực phẩm đa dạng ngày nay càng kích thích tính thèm ăn của trẻ nên việc kiêng khem ở lứa tuổi này là rất khó.
Để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa ở trẻ em, các chuyên gia cho biết, cần đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực dinh dưỡng. Trong đó, việc tăng cường công tác truyền thông giáo dục, cung cấp kiến thức, xây dựng hành vi dinh dưỡng hợp lý là giải pháp nòng cốt để giải quyết tận gốc các vấn đề dinh dưỡng; triển khai tốt chương trình dinh dưỡng học đường...
Theo LĐ