Trung Quốc mong đợi một sự bùng nổ dân số nhưng các biện pháp chưa phát huy tác dụng và giới chuyên gia cũng phát biểu với kỳ vọng khiêm tốn hơn.
Trên thị trường chứng khoán Thượng Hải hồi cuối năm ngoái, từng xảy ra một hiện tượng lạ khi giá cổ phiếu của các công ty sản xuất tã cho trẻ sơ sinh, sữa bột trẻ em và đồ chơi giáo dục đều đồng loạt tăng vọt.
Không có ai mua gom để đẩy giá cổ phiếu lên, mà chính từ quyết sách của các nhà điều hành chính sách dân số tại Trung Quốc. Và chắc chắn đó phải là một chính sách có lợi để các công ty trên bán được nhiều hàng hơn.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố nới lỏng chính sách một con. Thay vì trước đây, cả hai vợ chồng đều phải là con một mới được phép sinh con thứ hai thì theo quy định mới, các cặp vợ chồng sẽ được phép có hai con nếu vợ hoặc chồng là con một.
Các nhà hoạch định chính sách dự báo có khoảng một nửa trong số 11 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc có đủ điều kiện để có đứa con thứ hai trong vòng 5 năm tới. Vì vậy mà cả thị trường lẫn nhà nước đều kỳ vọng sẽ có chừng đó trẻ em được sinh ra - con số lên đến hàng triệu trẻ em có thể đủ để gọi đây là thế hệ 'baby boom' thứ hai của Trung Quốc.
Sự nới lỏng chính sách dân số đã được tiến hành tại 29 trên tổng số 33 tỉnh thành tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2014 mới chỉ có 271.000 cặp vợ chồng xin được phép sinh đứa con thứ hai. Trong đó có không ít những bà mẹ đã lớn tuổi nhưng vẫn cố gắng không để mất cơ hội của mình. Tại một công ty môi giới vú nuôi với các bậc cha mẹ nằm tại khu Tuanjiehu (Bắc Kinh), một nhân viên cho biết phần lớn các đề nghị sinh con thứ hai đều đến từ những phụ nữ đã ở cuối độ tuổi 30.
Đến nay, mới chỉ hơn 6 tháng sau khi chính sách mới ra đời, nên vẫn còn quá sớm để đánh giá hết các tác động của nó. Nhưng giờ đây, các chuyên gia cũng đã bớt kỳ vọng hơn.
Mei Fong, tác giả của một cuốn sách sắp xuất bản về chính sách dân số của Trung Quốc cho biết: "Tất cả các số liệu cho đến nay cho thấy biện pháp nới lỏng không dẫn đến một sự bùng nổ dân số". Với chi phí cho cuộc sống tại thành phố ngày một đắt đỏ hơn, các cặp vợ chồng Trung Quốc đang chủ động hạn chế số lượng thành viên gia đình vì lý do tương tự như hiện tượng ít trẻ em ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước phương Tây.
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ "cũng có rất nhiều phàn nàn bộ máy quan liêu đáng kinh ngạc tại Trung Quốc, bạn phải được cho phép để được sinh đứa con thứ hai và đó lại chính là một thứ rào cản". Mei Fong đã nhận định như vậy dù cho cô cũng nhìn ra sự mềm mỏng dần của chính phủ Trung Quốc trong quá trình thực hiện nới lỏng chính sách một con.
Fong còn cho rằng chính sách hỗ trợ sinh sản có thể giúp giải quyết vấn đề. Hiện nay, luật pháp tại Trung Quốc yêu cầu bên sử dụng lao động đảm bảo cho phụ nữ nghỉ thai sản nhưng vẫn được hưởng lương trong vòng 98 ngày - một tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với Canada và hầu hết các nước châu Âu.
Nhận định về các biện pháp dân số mới của Trung Quốc, Cai Yong, một nhà nhân khẩu học tại Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill cho rằng chừng đó là "quá ít, quá muộn" và "Có lẽ sẽ không có nhiều tác động đến khả năng sinh sản".
Điều đó cũng hàm ý rằng, những năm mà Trung Quốc đạt được cấu trúc nhân khẩu học tốt nhất đã ở trong quá khứ. Năm 2010, Trung Quốc có 8,9% dân số ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên nhưng đến năm 2020, con số này sẽ đạt 25%. Chưa hết, vào 2 năm trước, tổng số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc cũng giảm xuống lần đầu tiên trong lịch sử.
Chỉ có một điểm sáng hiếm hoi trong triển vọng nhân khẩu học ảm đạm của Trung Quốc đó là khuynh hướng ưa thích sinh con trai được thực hiện nhờ siêu âm và bất chấp các biện pháp nguy hiểm như nạo phá thai để lựa chọn giới tính, có vẻ như cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm và bắt đầu giảm xuống. 10 năm về trước (năm 2004), cứ trên 100 bé gái lại có 121,2 bé trai được sinh ra tại Trung Quốc. Nhưng đến năm ngoái, tỷ lệ này giảm còn 117,6 bé trai trên 100 bé gái và Cai Yong dự đoán tỷ lệ sẽ chỉ còn 110/100 trong vòng 10 năm tới.
Ngay cả khi dự đoán của Cai Yong là chính xác thì con số trên vẫn không phản ánh một xu hướng tự nhiên, nhưng ít ra đó cũng là một hướng đi đúng.
Theo DVO