Khi nhắc đến trẻ sơ sinh, chắc chắn trong suy nghĩ của nhiều người chỉ là những tiếng khóc triền miên với tã, bỉm và sữa. Nhưng ngoài những điều đó ra thì trẻ sơ sinh còn rất nhiều bí mật thú vị đấy!
1. Tiếng khóc của bé không giống nhau
Trẻ sơ sinh chưa biết nói, vì vậy bé sẽ dùng tiếng khóc để giao tiếp với mọi người và biểu hiện nhu cầu của bản thân. Tiến sĩ Hansen (cố vấn nhi khoa tại Trường Y Harvard, kiêm trợ lý tại bệnh viện Nhi Boston) cho biết: "Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra những khác biệt trong tiếng khóc của bé, thét lên khi bị đau và thút thít nhẹ nhàng hơn khi cảm thấy mệt mỏi. Tiếng khóc khi đói thường thúc giục hơn, bé đang đói và cần được mẹ cho bú ngay....".
Các mẹ hãy tinh tế cảm nhận sự thay đổi trong tiếng khóc của bé để biết được bé cần gì qua 10 lý do khiến bé khóc nhè.
2. Nhịp thở của bé có chút kì lạ
Hãy thú nhận đi! Lần đầu làm mẹ đã từng có lúc bạn rất lo lắng không biết bé nhà mình đang ngủ say hay đang... bị làm sao đó. Vì thế mà đã không dưới 1 lần bạn thử áp tai vào ngực bé để nghe nhịp thở của con xem có đều đặn, bình thường không. Có thể đôi lúc bạn sẽ thấy bối rối khi nhịp thở của bé ơi thất thường một chút?
Tuy nhiên bạn không cần phải lo lắng nhiều, điều này hoàn toàn bình thường đối với trẻ sơ sinh. Nếu bạn nghe hơi thở của bé, bạn sẽ thấy thỉnh thoảng nó dừng lại và sau đó là thở nhanh. Tiến sĩ Curtis (tác giả bài "Năm Tuần đầu tiên của bé" trên Fisher Books") nói: "Đôi khi hơi thở của bé bị lỡ nhịp là do sự phát triển của cơ hoành và hệ thống thần kinh của bé". Nếu bé ngưng thở 15 giây thì hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo. Bé của bạn cần thời gian khoảng 6 tuần để hình thành nhịp thở bình thường, thích nghi với môi trường mới.
3. Phân của bé không có mùi thối
Tất nhiên rồi! Vì thành phần chủ yếu của sữa mẹ là nước và chất dinh dưỡng, trong khi trẻ sơ sinh lại bú sữa mẹ là chủ yếu. Điều này dẫn đến phân của bé thường có màu vàng, lỏng và không có mùi thối.
Và nếu tần suất đi tiêu của bé nhà bạn lên đến 10 lần/ ngày thì cũng là bình thường thôi. Bạn không cần phải lo lắng nhiều miễn là con bạn tăng cân đều đặn, không đau bụng, đầy hơi, đánh rắm thường xuyên là tốt. Tuy nhiên nếu tần suất thay đổi hoặc có nhiều thay đổi lớn khiến bạn nghi ngờ, hãy đến thăm khám bác sĩ nhé.
4. Môi của bé có vảy màu trắng
Nếu bỗng dưng bạn thấy trên môi của bé xuất hiện một chút vảy màu trắng thì cũng đừng lo lắng quá mức nhé! Tiến sĩ Curtis giải thích rằng: "Bé được cung cấp nguồn dinh dưỡng chủ yếu là sữa mẹ. Do đó bé phải dùng môi và lợi mút chặt lấy bầu vú mẹ cho sữa chảy ra. Dẫn đến cơ thể bé phải điều tiết bằng việc phát triển mạnh biểu bì môi để nắm núm vú chặt hơn. Các mô vảy, sẹo này có thể xuất hiện liên tục trong một vài tháng đầu sau khi trẻ mới chào đời".
Vậy còn một số bé khi vừa mới sinh ra đã có vảy trắng trên môi thì sao? Điều này được lý giải là do bé mút ngón tay ngay ở trong bụng mẹ.
5. Bé hắt hơi suốt ngày
Liệu có phải bé bị cảm cúm hay không? Không đâu! Nó chỉ đơn giản là đường mũi và đường hô hấp của bé bị tắc nghẽn do chưa thật sự quen với môi trường không khí mới. Hắt hơi cũng là một các giúp lỗ mũi tạm thời nghỉ ngơi.
Tiến sĩ Curtis cho biết: "Sau khi cho ăn, bé sẽ phải hít một hơi dài hoặc hắt hơi để mũi được thông khí".
6. Có máu trong tã của bé gái
Bạn đừng vội hốt hoảng khi bỗng một ngày phát hiện ra một chút máu trong tã của con nhé! Tiến sĩ Hansen cho biết: "Trong quá trình sinh nở, trẻ sơ sinh thường nhận được một lượng lớn nội tiết tố từ nhau thai, gây nên hiện tượng sưng phù hoặc phì đại (đôi khi là tiết dịch) ở bộ phận sinh dục ngoài và mô vú. Bé sẽ mất vài tháng để đào thải bớt lượng nội tiết tố dư thừa này và hiện tượng này không gây hại gì cho mô sinh dục của bé về sau".
Đó là nguyên nhân giải thích việc bạn thỉnh thoảng sẽ thấy máu trong tã của con. Vậy nên bạn không cần lo lắng nhiều, cũng không cần thiết phải sử dụng đến thuốc đâu, hiện tượng này sẽ sớm hết sau khi lượng tiết tố dư thừa từ nhau này biến mất.
7. Trông bé thật kỳ lạ, đặc biệt là... cái đầu
Nếu bạn đã quen với hình ảnh những em bé sơ sinh hồng hào, trắng trẻo, bụ bẫm trên tivi hoặc tranh ảnh đâu đó thì sự thật không phải vậy đâu! Một em bé sơ sinh thường có làn da nhăn nheo và đặc biệt là cái đầu rất lạ. Nó không tròn trịa, mà có hình nón.
Nguyên nhân của điều lạ lùng này là bởi vì mảng xương sọ của bé chưa liền. Đến ngày sinh nở, các mảng xương này sẽ thay đổi để bé có thể dễ dàng chui qua đường sinh. "Đây cũng là sự thích nghi để chống vỡ xương sọ, chấn thương sọ não khi bé được sinh ra qua âm đạo," giáo sư Anne Hansen cho biết.
8. Có những lớp da mỏng màu trắng bong ra
Khi ở trong bụng mẹ, bé được bao bọc bởi nước ối. Điều này khiến da bé được phủ một lớp màu trắng để bảo vệ bé khỏi môi trường nước, lớp màu trắng này được gọi là vernix. Khi bé tiếp xúc với không khí bên ngoài, chất vernix sẽ bị cọ xát và dần mất đi. Các chất màu trắng này sẽ trở nên khô ở da bé và bắt đầu bong ra.
Đây là nguyên nhân giải thích tại sao trong khoảng 24 giờ sau lần tắm đầu tiên của bé, có những lớp màu trắng đục bong ra. Toàn bộ cơ thể của bé sẽ được lột sạch lớp vernix (nhất là ở trên bàn tay và bàn chân). Đừng cố gắng bóc lớp da mỏng này ra hãy để cho nó hoàn toàn tự nhiên. Không cần thiết để xoa kem dưỡng ẩm cho bé đâu. Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, hiện tượng này thường chỉ kéo dài trong 1-2 tuần thôi.
Theo Afamily