Phần lớn các bé biết đi khi được khoảng 13 tháng tuổi nhưng cũng có bé biết đi sớm hơn (9-10 tháng tuổi) hoặc muộn hơn (15-16 tháng tuổi).
Không ít cha mẹ bị ám ảnh bởi câu hỏi của những người xung quanh: "Bé đã biết đi chưa?" hoặc lo lắng vì bé chậm đi hơn bé khác. Bước đi đầu tiên ở mỗi bé là khác nhau, thường từ 9 đến 15 tháng tuổi.
1. Thời điểm biết đi ở các bé là khác nhau
Phần lớn các bé biết đi khi được khoảng 13 tháng tuổi nhưng cũng có bé biết đi sớm hơn (9-10 tháng tuổi) hoặc muộn hơn (15-16 tháng tuổi).
2. Ba giai đoạn bé tập đi
- Ngồi: Khoảng 6 tháng tuổi, các cơ chân - tay, cơ cổ đã đủ vững để bé học ngồi.
- Chống tay, nhổm mông lên cao: Thời điểm bé có thể chống tay, nhổm cao mông ở mỗi bé là khác nhau nhưng thường là 10 tháng tuổi.
- Đứng tỳ tay lên mặt ghế: Thời điểm có thể đứng tỳ tay lên đồ vật cũng khác nhau, tùy mỗi bé. Khi bé tò mò với đồ đạc xung quanh, tự nhiên, bé sẽ chống tay lên đó, tập đứng.
Thời điểm biết đi ở mỗi bé là khác nhau. (Ảnh minh họa)
3. Bước đi đầu tiên
Những bước đi đầu tiên xuất hiện khi bé có thể nhấc một chân về phía trước trong khi vẫn giữ cân bằng cho chân còn lại. Tất nhiên, khởi đầu, bé cần sự trợ giúp từ cha mẹ.
Để bước đi thành thạo, đòi hỏi các cơ bắp đủ rắn chắc, bé học được cách thả lỏng hông và đầu gối. Khó khăn lớn nhất là bé thường căng đầu gối khi bước đi, khiến việc giữ cân bằng thất bại; vì thế, bé dễ bị ngã (hoặc bạn nhìn thầy bé đi nghiêng ngả).
Từ 12 tháng tuổi trở ra, việc học đi ở bé tiến triển khá nhanh. Bạn không phải đợi lâu vì một khoảng thời gian sau đó, bé có thể chập chững bước đi trong nhà.
4. Khi bé biết đi sớm hoặc biết đi muộn
Nghe hoang đường nhưng một số cha mẹ hiểu nhầm rằng, nếu biết đi sớm thì con của họ sẽ học tập tốt hơn. Việc biết đi sớm hay muộn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé; theo đó, nếu khoảng 16 tháng tuổi, bé vẫn chưa biết đi, cha mẹ cần đưa bé đi khám. Tuy nhiên, mối liên quan giữa biết đi sớm và một thiên tài thì còn phải nghiên cứu thêm. Một số bé đi thành thạo rất nhanh trong khi một số bé khác, liên tục bị ngã. Cũng có những bé, phải một thời gian lâu sau mới biết đi. Điều đó là hoàn toàn bình thường.
5. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc học đi
- Cân nặng: Nhóm bé thừa cân thường biết đi chậm hơn vì bé khó giữ thăng bằng khi đứng thẳng, so với nhóm bé có trọng lượng vừa phải.
- Chứng nhiễm trùng tai: Khoảng 16 tháng tuổi (hoặc hơn) mà bé chưa biết đi, có thể bé đang mắc một chứng bệnh nào đó. Nhiễm trùng tai có khả năng ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng, khiến bé chậm biết đi.
- Có anh (chị): Những bé được tham gia học đi với anh (chị) thường nhanh biết đi thành thạo hơn. Bởi vì, bản năng chung ở bé là bắt chước nên khi được hòa nhập cùng anh (chị), bé sẽ hứng thú với việc học đi.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc học đi của bé. (Ảnh minh họa)
6. Đôi lúc, bé lại chuyển về học bò
Nhiều bé trong quá trình học đi lại thích kết hợp cả việc học bò. Đang đi chập chững, bé bỗng đổi cách rồi bò thoăn thoắt. Cha mẹ không cần lo vì ở giai đoạn đầu học đi, bé chưa thể phân biệt được học đi và học bò.
Nếu bé thấy có gì thú vị ngang qua phòng, bé lập tức bị lôi cuốn và chuyển sang bò rất nhanh theo cái đó. Có thể, bé đang nghĩ rằng: "Bò sẽ nhanh hơn. Đi thì quá chậm".
7. Khó dừng lại
Thử thách tiếp theo khi bé học đi là lúc bé dừng lại, sao cho bé không bị ngã. Phần lớn các bé mới học đi đều bị ngã khi đang bước đi rồi dừng lại. So với người lớn, mỗi bước đi ở bé cần một lực rất mạnh vì bé chưa biết gập đầu gối, phối hợp giữa gót chân và các ngón chân. Ngoài ra, bé cũng chưa thể vận dụng nguyên tắc dừng lại bằng cách ngừng một bàn chân, đưa bàn chân còn lại ở vị trí cân bằng.
8. Để bé học đi bằng chân đất
Chân đất giúp bé bước đi dễ hơn so với đôi chân có giày, bởi vì, chân đất khiến bé được tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà (mặt đất). Nếu cho bé bước đi ở bề mặt không an toàn, cha mẹ cần cho bé đi giày. Nên chọn đôi giày có đế linh hoạt bằng cách bạn thử uốn cong đôi giày của bé, nếu chất liệu đàn hồi tốt thì đó là đôi giày phù hợp.
Theo Afamily