Học bò là một kỹ năng quan trọng trong sự phát triển của bé. Bò giúp chắc khỏe cơ bắp và hỗ trợ bé khám phá thế giới xung quanh theo cách khác.
1. Bé có thể tiếp xúc với mẹ theo cách mới
Khi bé bò trong phòng, bạn thử gọi tên con để bé quay đầu nhìn lại. Bạn ở chỗ nào, bé cũng gắng sức bò tới, đồng thời, bé làm quen dần với nét mặt, điệu bộ trên khuôn mặt mẹ, chẳng hạn, bạn lắc đầu có nghĩa là "dừng lại". Khi bé bò để khám phá xung quanh, bạn cần đảm bảo sự an toàn cho bé.
2. Phát hiện ra có những điều tồn tại dù ở xa bé
Ngay từ khi chào đời, bé đã có nhận thức về khoảng cách dù nó còn lờ mờ. Khi thị giác được cải thiện thì với bé, mọi thứ ở xa đều có cùng một khoảng cách. Tuy nhiên, học bò cho bé kinh nghiệm để hiểu khoảng cách đó là như thế nào - càng bò lâu mới chạm vào nó thì càng xa và ngược lại. Dần dần, bé hiểu được đồ vật không tăng kích thước hay bị co lại, dù chúng ở xa hay ở gần.
3. Biết tìm địa điểm yêu thích
Khi biết bò, bé yêu của bạn háo hức tìm tòi những địa điểm mới. Bé tìm thấy con gấu bông rơi ở chân ghế, bò lòng vòng quanh đống báo của bố, tiến thẳng ra cửa chính hoặc dừng lại ở giỏ đồ chơi của bé...
4. Tìm hiểu môi trường xung quanh nhiều hơn
Trong quá trình phát triển, bé hiểu được về sự trôi qua - mọi thứ ở đằng sau khi bé bò về phía trước. Trước đây, khi được bế hoặc đặt ngồi trong xe đẩy, bé hầu như không nhận thức được khái niệm này. Nhưng từ khi biết bò, bé phải vận dụng thị giác để đánh dấu những vị trí đáng nhớ từ môi trường xung quanh (giống như bạn tự mình lái xe, khác với việc ngồi trên xe khách vì khi ngồi trên xe khách, bạn hầu như không nhớ được nhiều về môi trường xung quanh). Khi bò, bé tự ý thức được mình đang ở đâu và tiếp tục di chuyển tới đâu. Điều này giúp bé kích thích trí nhớ và khả năng quan sát.
5. Bé buộc phải ra quyết định
Hành trình bò trong phòng cũng là thử thách đối với bé, vì bé phải tự quyết định xem sẽ đi tới chỗ nào. Khi bé gặp phải chỗ dốc trong phòng hoặc những bậc cầu thang, bé sẽ biết cân nhắc xem liệu nên đi tiếp hay dừng lại. Nó giúp bé tích lũy kinh nghiệm xem nên đi hay ngừng - kỹ năng không tự nhiên mà có.
6. Tăng tập trung
Di chuyển để tiến tới mục tiêu bằng cách bò khác hẳn với việc bạn bế bé tới mục tiêu đó (bé bò tới một cái chai nhựa, chẳng hạn) vì bò đòi hỏi thời gian và sự tập trung của bé. Những bé biết bò có sự tập trung hơn những bé không biết bò, ở cùng độ tuổi.
7. Bộc lộ cảm xúc mạnh hơn
Sự giận dữ của bé được bộc lộ rõ ràng. Có rất nhiều đồ vật hấp dẫn buộc bé phải gắng sức bò tới nhưng luôn bị cha mẹ cản trở: "Không bò tới đó", "Đừng chạm vào đấy"... Bé sẽ trở nên bực bội vì bị can thiệp và sự tức giận sẽ mạnh mẽ hơn, so với lúc trước khi biết bò. Nói cách khác, cảm xúc được thể hiện mạnh mẽ chứng tỏ bé độc lập hơn. Vì thế, hãy để bé được bò tới món đồ chơi đặc biệt hay người mà bé yêu quý.
* Một số lưu ý cho cha mẹ khi bé học bò
- Bạn không bao giờ để bé tập bò một mình. Bé có thể vướng vào những đồ vật nguy hiểm hoặc bé sẽ nhặt một vài thứ nhỏ, cho vào trong miệng.
- Đôi khi bé có thể bò nhanh hơn bạn tưởng; do đó, bạn nên tránh để bé bò gần khu vực cầu thang hoặc bậc cửa. Bạn nên khép hoặc dùng những miếng chắn cửa phòng để khoanh vùng giới hạn được phép bò cho bé.
- Bé có thể bò lên cầu thang nhưng điều này cũng khá nguy hiểm. Bạn không nên để bé vui chơi ở khu vực cầu thang cho đến khi bé đủ tuổi an toàn.
- Bạn cũng không cần thiết phải đầu tư vào giày dép khi bé học bò. Bé học bò (kể cả khi học đi) thì việc sử dụng chân trần (trừ khi trời lạnh) là gợi ý khiến bé thoải mái mà không gây cản trở cho sự phát triển của bé.
Theo Afamily