Ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ, bé đã biết ghi nhớ, mút ngón tay, đưa tay sờ mặt...
Khả năng ghi nhớ của bé
Theo các nghiên cứu khoa học, ngay từ tuần thứ 3, não của bé đã được hình thành và phát triển. Sau đó, trí não của bé dần hoàn thiện theo sự phát triển của các giác quan. Cơ quan thính giác hoàn thiện giúp bé cảm nhận được chuyển động của mẹ.
Tới tuần 24, bé có thể lắng nghe được âm thanh bên ngoài. Đến tuần 25, bé có thể ghi nhớ. Bé nghe và nhớ được giọng nói của bố, mẹ hay những âm thanh quen thuộc từ cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Bé có thể bị giật mình bởi tiếng đóng cửa đột ngột hay tiếng còi tàu, xe...
Bé cũng cảm nhận được sự sáng - tối, nóng - lạnh và tình yêu thương, vuốt ve của bố, mẹ.
Trong giai đoạn cuối thai kỳ, bé đã biết tư duy.
Xúc giác của bé
Khoảng từ tuần thứ 7 tới tuần thứ 14, xúc giác của bé phát triển đủ để bé biết mút ngón tay cái hay lấy tay sờ vào mặt mình.
Đến tuần 32, bé có thể cảm nhận được các cơn đau.
Sự phát triển của vị giác
Tới tuần 14, vị giác của bé phát triển đủ để bé có thể cảm nhận được mùi vị nước ối và thức ăn từ mẹ đưa vào qua nhau thai. Các nghiên cứu cho thấy, bào thai thích nuốt nước ối có vị ngọt hơn là có vị chua, đắng.
Khi chào đời, vị giác của bé gần như là hoàn thiện. Bé có thể cảm nhận được các vị khác nhau, thậm chí bộc lộ sở thích về một vị đặc trưng nào đó.
Khứu giác
Tới tháng thứ 7, mũi của thai nhi dần hình thành. Bé có thể ngửi được những mùi hương có trong nước ối.
Điều cha mẹ nên làm
Bố mẹ nên nhẹ nhàng trò chuyện, vuốt ve bé hàng ngày. Tuy nhiên, cần tránh những kích thích mạnh tới bụng bầu vì có thể gây sinh non.
Bố mẹ có thể chọn những loại nhạc cổ điển để bật cho bé nghe. Theo các chuyên gia, âm nhạc tác động tới thính giác và trí não của bé. Nhưng nên bật nhạc ở âm lượng vừa phải để không làm bé bị kích thích mạnh.
Mẹ nên ăn uống đa dạng với nhiều loại thực phẩm, tươi, ngon để bé được hấp thu các chất dinh dưỡng tốt nhất.
Theo Afamily