Bạn tôi có cô con gái mới sáu tuổi nhưng đã biết hát những bài nhạc tình đớn đau, ủy mị của người lớn. Cả nhà ai cũng khen cô bé thông minh, hát hay, giỏi... nên bé càng có cơ hội "phát huy sở trường". Bé thường biểu diễn những bài hát ấy với điệu bộ rất... "chuyên nghiệp" mỗi khi khách tới nhà.
Xem những màn biểu diễn của bé, cả nhà ai cũng cười và tung hô, vỗ tay rần rần khiến bé ra sức thể hiện "bản lĩnh ngôi sao". Riêng tôi thấy lo lo, nên kéo bạn ra nhắc khéo: "Con bé mới sáu tuổi mà mình cổ xúy cho cháu hát những bài hát có nội dung tình yêu đôi lứa, cô đơn, chia tay... là không nên chút nào, sẽ làm tâm hồn các em trở nên già dặn, không hợp. Người lớn mình nghe những bài nhạc tình ủy mị còn dễ rầu rĩ theo, huống hồ trẻ con...".
Bạn nghe xong, có vẻ đồng tình, nhưng bạn nêu "cái eo"của mình, rằng: "Việc thay đổi cách nhìn của người nhà hơi khó, ông bà nội và ngay cả ba bé cũng vỗ tay nữa thì biết làm thế nào?". Tôi bảo: "Hãy từ từ, nói ra nói vô cho chồng hiểu, rồi chồng sẽ giúp "tuyên truyền" cho ông bà nội của bé. Riêng bạn, nên tỉ tê với con, dạy con những bài hát hợp lứa tuổi, gần gũi với trẻ con Việt Nam như những bài mà tụi mình từng ê a hát cả một thời tuổi thơ đó. Trẻ con vốn dễ thay đổi, quên ngay những cái trước đó nếu không tiếp tục tiếp xúc và được dạy cái mới. Nhưng nhớ là phải từ từ, nhẹ nhàng với con đó nghe".
Áp dụng phương án "tấn công" từ từ, "tổng lực trên các mặt trận" và kiên nhẫn của tôi, sau vài tháng, bạn vui mừng báo tin cô con gái bé bỏng của mình đã trở lại đúng sáu tuổi, quên bẵng những bài nhạc tình ủy mị, cháu biết hát những bài hát của trẻ con.
Thực ra, không khó để thay đổi trẻ, nhưng đa phần các bậc phụ huynh không biết cách xử lý khi nhận ra con mình già trước tuổi. Cách cấm đoán đôi khi có hiệu quả tức thời, nhưng lại không làm trẻ "tâm phục khẩu phục". Thậm chí, nhiều phụ huynh như ở gia đình bạn tôi, cứ nghĩ con mình như vậy là giỏi, là hay, nên vô tư cổ vũ cho con "liên tục phát triển". Cụ thể như khi nghe thấy trẻ nói những câu "già chát" do học lỏm đâu đó từ người lớn hay trong phim ảnh, lại nghĩ con mình thông minh, biết để ý và tiếp thu nhanh nên ra sức khen tặng, khiến con trẻ tiếp tục gom nhặt và sử dụng những câu - từ già dặn đó.
Thiết nghĩ, trẻ thơ cần sống đúng với lứa tuổi của mình. Người lớn cũng cần sống phù hợp với lứa tuổi thì mới hợp lý và mới "hợp nhãn" mọi người. Chẳng hạn, bạn nghĩ như thế nào khi một ông (bà) già chịu khó "cưa sừng làm nghé" hoặc một chàng thanh niên mới hai mấy tuổi đầu đã luộm thuộm kiểu của ông già? Thế thì không có lý do gì ta lại để cho trẻ thành "bà cụ non", "ông cụ non" ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên.
Theo PN