Là mẹ của hai đứa con, tôi luôn nhận thức rõ về việc sẽ dạy con những gì về vấn đề giới tính khi đến lúc phù hợp.
Có áp lực nhưng không hề khó khăn khi giáo dục giới tính cho con - đó là cảm nhận của tôi. Tôi luôn quan niệm sẽ không tránh né những câu hỏi của con về giới tính theo kiểu "Lớn lên con sẽ biết" mà cùng chia sẻ với con những kiến thức cần thiết theo từng giai đoạn trưởng thành và trình độ nhận thức của con.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khi con còn khoảng 4-5 tuổi, thắc mắc "Mẹ ơi, em bé được sinh ra từ đâu" tôi đã trả lời là bác sĩ rạch một đường trên bụng mẹ để lấy em bé ra rồi khâu lại. Với đường khâu còn lại của việc mổ ruột thừa trên bụng tôi, con tôi đã tin hoàn toàn vào điều mẹ nói. Lớn chút nữa, khi 6-7 tuổi, trong một buổi trò chuyện trước khi đi ngủ, tôi trang trọng thông báo sẽ bật mí với các con một bí mật. Các con tôi rất hào hứng nằm nghe bí mật của mẹ. Đó chính là bí mật về việc thực sự con sinh ra từ đâu. Tôi cũng không quên xin lỗi và giải thích cho con về việc mẹ đã nói chưa chính xác lần trước.
Mới nghe điều bí mật, các con cũng "kinh hoàng" lắm vì chúng chưa tưởng tượng được điều đó trong suy nghĩ của mình. Thằng em hỏi liền: "Vậy khi sinh con ra mẹ có tè vào đầu con không?" Cả ba mẹ con cùng cười vang. Sau đó, tôi giải thích cho các con hai cách thông thường để các bà mẹ sinh ra em bé. Với cách sinh mới bật mí, tôi giải thích "Ở đó có đường thông nhau giữa nơi em bé nằm và thế giới bên ngoài". Đồng thời, tôi nhấn mạnh vào việc đó chính là con đường tự nhiên của tạo hóa, không có nó người tiền sử làm sao để sinh con, bởi thời đó chưa có bác sĩ. Với cách sinh mổ, tôi nhấn mạnh thường chỉ là cách bác sĩ áp dụng trong trường hợp bà mẹ không thể sinh tự nhiên. Để kết thúc, tôi nói với hai con: "Vậy là hai con đã biết một bí mật về việc em bé ra đời, hãy hãnh diện vì không phải bạn nhỏ nào ở độ tuổi bọn con cũng biết đâu". Chúng an tâm đi ngủ với kiến thức mới và niềm hãnh diện.
Phải nói thêm, hai con tôi rất thích tìm hiểu những kiến thức trong tự nhiên và xã hội. Thật ra, ở độ tuổi đó, phần lớn các bé đều như thế cả, đều muốn khám phá, muốn được trả lời những câu hỏi: tại sao, thế nào... với mỗi sự vật, hiện tượng chúng nhìn thấy. Dừng lại ở đó nhưng các bé không quên ‘đặt hàng': "Mẹ ơi, làm sao lại có em bé trong bụng mẹ?" Tôi nói rõ với con là đến lúc phù hợp, khi các con đủ kiến thức để hiểu, mẹ sẽ giải thích. Chúng hài lòng và cùng nhau gọi tôi là "Sách khoa học mẹ H".
Bẵng đi một thời gian, bé chị đang học lớp Hai về nhà với tâm trạng có vẻ bất an và nói: "Con có một chuyện muốn nói với mẹ nhưng thấy "ngại" lắm". Động viên bé nói tôi mới biết, hôm đó bé đã được đọc một cuốn sách về giáo dục giới tính do một bạn cùng lớp mang vô trường. Ban đầu tôi cũng hoảng vì không biết cuốn sách đó nói gì. Hỏi kỹ những gì bé đọc được, tôi phát hiện ra cuốn sách nói về gần như mọi thứ liên quan đến giới tính với đầy đủ tên gọi và hình vẽ kèm theo. Tôi biết cuốn sách đó được biên tập để giáo dục giới tính cho trẻ- nên ba mẹ bạn của con tôi mới đồng ý cho con đọc và mang đến lớp, nhưng với góc nhìn của mình, tôi cho rằng nó chưa hẳn đã phù hợp với độ tuổi của con tôi lúc đó, mà phù hợp với một bé lớp 4-5 hơn.
Dù vậy, con đã ‘trót' leo lên con tàu khám phá bí mật giới tính, tôi cũng đành lên theo. Tôi đã dành ra gần 3 tiếng đồng hồ để trò chuyện, trấn an, giải thích cho con hiểu tất cả mọi thứ liên quan đến vấn đề giới tính dưới góc nhìn khoa học: bộ phận sinh dục nam, nữ; cơ chế thụ tinh; kinh nguyệt; những thay đổi sẽ có khi lớn lên; thậm chí độ tuổi thích hợp để có thể kết hôn. Trong suốt buổi "giảng dạy" này, tôi không chỉ nói mà còn vẽ cả sơ đồ minh hoạ buồng trứng, vòi trứng.., và xuyên suốt, tôi luôn nhấn mạnh với bé rằng đây là vấn đề khoa học về cơ thể con người, là sự phát triển có được sau hàng triệu năm tiến hoá của sinh vật sống trên trái đất. Bé tin tưởng vào lời tôi nói và hoàn toàn hài lòng với những kiến thức mẹ chia sẻ.
Tôi không cho là bé đã hiểu hết mọi điều tôi nói nhưng tôi biết bé rất vui vì được mẹ giải thích cặn kẽ. Tôi cũng không cho là mình đã lái con tàu giáo dục giới tính cho con về tới đích vì còn nhiều điều cụ thể hơn tôi vẫn để dành đến lúc thích hợp. Nhưng, tôi tin một điều là tôi sẽ không bao giờ gặp khó khăn khi giáo dục giới tính cho con, bởi mẹ con tôi cùng nhìn vấn đề này dưới góc độ "khám phá bộ môn khoa học về cơ thể con người" và bởi chúng tôi cùng cảm thấy rất thoải mái khi nói về vấn đề này.
Theo PN