Hai tuổi, con gái rất thích vẽ, ngồi đâu cũng đòi giấy, bút. Mẹ mua các loại bút vẽ, sáp màu để con tha hồ nguệch ngoạc. Những lúc ấy, con đắm đuối vào thế giới riêng. Con có vẻ trung thành với các tác phẩm vẽ về những... con giun, với đủ kích cỡ, màu sắc sặc sỡ. Dù vậy, ba mẹ luôn khuyến khích để con thỏa sức sáng tạo.
Theo thời gian, những nét vẽ của con cứng cáp và "ra dáng" hơn. Cho đến một ngày, mẹ bất ngờ khi con trao cho mẹ một tờ giấy gấp đôi, con bảo đó là "thư" cho mẹ. Trong "thư" là hình ảnh hai con búp bê được vẽ một cách tượng trưng, sơ sài. Con bảo "búp bê lớn" là mẹ, "búp bê nhỏ" là con, rồi còn dặn mẹ không được già như bà ngoại, da nhăn nheo, răng rụng, trông xấu lắm. Hai con búp bê bên nhau, cùng chơi, cùng ăn, cùng ngủ, mai mốt lại được học cùng lớp. Những suy nghĩ và mong ước của con thật ngây thơ và tràn đầy tình cảm. Mẹ vui khi con còn rất bé đã biết cảm nhận tình yêu thương của mẹ dành cho con, đến nỗi bố con ganh tỵ với cả mẹ. Dù vậy, bố đã làm sẵn một chiếc hộp giấy to, tập hợp những bức vẽ của con để làm kỷ niệm.
Khi con bước vào những năm đầu của bậc tiểu học, con đã biết viết thư cho mẹ, chứ không còn "vẽ thư" như hồi bé, dù mẹ con ta ngày nào cũng ở bên nhau. Con sống tình cảm, biết nghĩ về người khác. Mẹ thật yên tâm và tự hào về những tính cách ấy của con. Những khi buồn, mẹ lại mở hộp thư, xem tất cả những bức vẽ, những lá thư mà thường chỉ vỏn vẹn vài chữ hoặc vài dòng, chẳng hạn "con yêu mẹ", "con nhớ mẹ", hay "mẹ đi thẳng ra ngoài hiên, con có quà cho mẹ". Hóa ra, lần đó con gái đã quét hiên sạch sẽ giúp mẹ, và con gọi đó là "quà". Chỉ có vậy mà con đã "sáng tác" ra một bức thư khiến mẹ tò mò và bất ngờ nữa. Khi con lớn dần, những bức thư dài hơn một chút, ít lỗi chính tả hơn và mẹ càng thú vị với những tình cảm con luôn dành tặng mẹ.
Bên con, mẹ thấy mình thật hạnh phúc, vì mẹ đã có "của để dành", đáng được nâng niu, tự hào và trân trọng.
Theo PN