Tập cho bé ăn dặm có thể rình rập nhiều nguy hiểm như dị ứng thức ăn, bất dung nạp thực phẩm và các nguy cơ nghẹt thở...
Dưới đây là một số lời khuyên an toàn cho con ăn dặm:
1. Cẩn thận với đồ ăn gây dị ứng
8 loại thực phẩm "chịu trách nhiệm" cho 90% trường hợp dị ứng thực phẩm là sữa, lúa mì, trứng, đậu nành, lạc, hải sản, cá, một số loại hạt khác ngoài lạc. Các loại quả mọng, có múi họ cam quýt và ngô cũng có thể gây dị ứng.
Tất nhiên bạn không cần loại bỏ hoàn toàn những món trên trong thực đơn của bé tuy nhiên, nên tránh cho bé ăn chúng ở giai đoạn đầu ăn dặm (6 tháng tuổi) khi hệ thống miễn dịch của bé còn đang hoàn thiện.
2. Bất dung nạp gluten
Bất dung nạp glute là dấu hiệu hệ tiêu hóa của bé không thể xử lý được gluten có trong lúa mì, lúa mạch đen, yến mạch. Gluten cũng có mặt trong vô số những loại thực phẩm chế biến sẵn. Vì thế, khi giới thiệu cho con một đồ ăn mới, bạn nên cẩn thận xem xét những phản ứng khác lạ của cơ thể bé. Bất dung nạp là khác với dị ứng. Dị ứng liên quan tới một phản ứng miễn dịch tự động với một loại thực phẩm cụ thể, còn bất dung nạp gluten có thể gây bệnh celiac, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của bé và cần được thảo luận với bác sĩ nhi.
3. Coi chừng nghẹt thở
Bất cứ thứ gì có thể chắn (mắc) ở cổ Họng của bé đều có nguy cơ gây nghẹt thở như các loại hạt, xúc xích, khối rau củ quả, bơ đậu phộng, nho, kẹo cứng, kẹo cao su, ngô, nho khô, các loại quả sấy khô. Thực phẩm dính miệng, cứng, có thịt dai, toàn bộ quả mọng hay những miếng phômai lớn cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Khi bé biết ăn bốc, bé sẽ thích tự do cầm lấy thứ gì đó bỏ vào miệng; vì thế, hãy chắc chắn những đồ vật không đủ an toàn phải ở xa tầm tay bé.
4. Tránh thực phẩm gây bệnh
Các bé đặc biệt rất dễ bị bệnh do thực phẩm vì hệ miễn dịch còn mong manh, cần phát triển. Trứng sống (trứng lòng đào) có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn salmonella. Phômai, sữa không được bảo quản tốt sẽ gây khuẩn listeria. Động vật có vỏ có thể chứa vi khuẩn vibrio. Mật ong không an toàn cho bé dưới 1 tuổi vì chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.
5. Không được nêm đường
Các bé không cần những món ăn được trộn thêm đường, cũng như phải hạn chế đồ ăn chế biến với nhiều đường. Ăn nhiều đường từ sớm chỉ làm tăng nguy cơ sâu răng, không chỉ là Răng sữa mà cả răng trưởng thành sau này.
Đường tự nhiên trong rau củ quả là đủ để cung cấp sự "ngọt ngào" cho khẩu vị của bé.
6. Hạn chế muối
Đừng thêm muối vào bột ăn dặm của bé hay bất kỳ món ăn dặm nào bạn làm cho con tại nhà. Nên kiểm tra nồng độ natri trong thực phẩm chế biến như thịt, phômai, cá hun khói... hay những món bạn cho con ăn. Nhiều muối khiến thận của bé không xử lý được, gây mất nước. Nếu bé ăn những món cùng gia đình, nên múc riêng cho bé một phần rồi mới nêm gia vị.
7. Loại trừ phụ gia và chất bảo quản
Các bé và ngay cả người lớn nên tránh những món nhiều phụ gia và chất bảo quản. Cách tốt nhất là bạn tự chế biến món ăn dặm cho con thay vì mua sẵn. Nếu chọn đồ đóng hộp, nên đọc kỹ nhãn mác để tìm hiểu các thành phần dinh dưỡng có bên trong.
8. Chọn các sản phẩm sữa đủ chất béo (full-fat)
Bé đang phát triển nên rất cần chất béo và kalo. Các sản phẩm ít chất béo không thể cung cấp đủ lượng dinh dưỡng mà bé cần. Ngoài sữa mẹ, sữa công thức thì đến tuổi ăn dặm, bé có thể ăn thêm sữa chua, phômai...
9. Đừng quên chất xơ
Chất xơ là chất rất quan trọng. Nó giúp hệ tiêu hóa của bé cân bằng, hoạt động tốt. Tuy vậy, quá nhiều chất xơ lại có thể làm bé bị thiếu hụt những chất dinh dưỡng cần thiết khác. Chưa có số liệu chính xác là bé dưới 1 tuổi thì cần bao nhiêu gram chất xơ mỗi ngày nhưng một chế độ dinh dưỡng với cân bằng các chất là điều quan trọng.
Theo mevabe