Giáo dục mầm non
   Giáo dục mầm non ở TP HCM: Rối như tơ vò
 

Ngành giáo dục mầm non TP HCM hiện nay đang đối mặt với hàng trăm vấn đề rối rắm, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, thiếu sự công bằng với học sinh về môi trường học tập, điều kiện chăm sóc, giáo dục...


Nghịch lý phổ biến
Ở TP HCM từ lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý trong giáo dục mầm non, những con nhà khá giả được học ở những trường công lập, chất lượng giáo dục tốt và đóng học phí thấp vì những trường này được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định và học sinh được hỗ trợ học phí, trong khi đó những trẻ nghèo lại phải học trong những nhà trẻ tư thục, những nhóm trẻ gia đình với mức học phí cao, chất lượng giáo dục không đảm bảo và hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ nào.


Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD & ĐT TP HCM cho biết: Phần lớn học sinh của các trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố là con em của những gia đình khá giả nhưng chỉ đóng mức học phí từ 800.000 - 2.000.000đồng/tháng gồm tất cả các khoản tiền ăn, học phí, tiền vệ sinh phí, tiền bán trú và được hưởng điều kiện học tập rất tốt. Trong khi đó, với mức học phí này thì những phụ huynh khác chỉ có thể gửûi con ở các nơi giữ trẻ gia đình, chủ yếu là để trông trẻ, không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục và không đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế, các vụ tai nạn, bạo hành trẻ em vừa qua đều xảy ra ở các trường tư thục, đặc biệt là các nhóm giữ trẻ gia đình.


Các bé ở Trường Mầm non 19-5 trong giờ tập thể dục


Bên cạnh đó, nhiều nhà trẻ tư thục được mở ra với mức học phí cao nhưng điều kiện giáo dục cũng chưa đạt theo quy định: Trường Mầm non Tư thục Sân Lá Cọ có mức học phí trên 7 triệu/tháng; Trường Mầm non Tư thục Ánh Dương, có 6 địa điểm dạy với mức phí 6,5 triệu đồng/tháng và nhiều trường mầm non quốc tế với học phí trên 10 triệu đồng/tháng... nhưng phòng học rất chật hẹp, thiếu không gian chơi cho trẻ.


Một đại diện của Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè cho biết, ở Nhà Bè có 8 trường mầm non công lập, những trường này hầu hết phải ưu tiên tuyển con em của cán bộ công chức vào học, còn thừa chỗ mới đến lượt các em khác. Số còn lại phải học tư thục và chịu học phí cao. Đặc biệt, ở các KCN - KCX vẫn chưa có trường mầm non nên hầu hết công nhân phải gửûi con ở những nhóm trẻ gia đình rất không an toàn chưa kể là không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục cho trẻ.


Trong năm học này, quận Gò Vấp có 5.700 trẻ 5 tuổi, tuy vậy các trường công lập chỉ đủ chỗ nhận khoảng 3.800 trẻ, số còn lại phải học ở các trường ngoài công lập. Do đó, việc đạt mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng rất khó.


TP HCM hiện có 759 trường mầm non, trong đó số trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của học sinh. Hiện còn 13 phường chưa có trường mầm non công lập, số trường ngoài công lập chiếm tỉ lệ đến 45,71% với 347 trường. Ngoài ra, còn có 1.090 nhóm trẻ gia đình có phép và tồn tại nhiều nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép vẫn đang hoạt động mà quản lý của ngành Giáo dục chưa tới được.


Trước thực trạng này, Sở GD & ĐT TP HCM đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mầm non công lập để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Trong điều kiện trường mầm non công lập không đủ cho học sinh thì Nhà nước nên có biện pháp hỗ trợ cho các trường tư thục để giảm bớt các khoản đóng của học sinh, đảm bảo công bằng hơn cho các em.


Giáo viên khó yêu nghề
"Giáo viên mầm non có thể yêu nghề đến bao giờ?" là sự lo lắng của nhiều người tại buổi làm việc của các đơn vị giáo dục mầm non trên địa bàn TP HCM với HĐND thành phố vừa qua trước tình trạng nhiều giáo viên mầm non bỏ việc.


Từ đầu năm đến nay, TP HCM có 442 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non nghỉ việc với nhiều nguyên nhân. Giáo viên mầm non chịu nhiều thiệt thòi, phải làm việc với áp lực cao, kiêm nhiệm nhiều việc mà thù lao lại không xứng đáng. Tổng thu nhập trung bình của giáo viên mầm non chỉ từ 1,2 -1,4 triệu đồng/tháng nên khó giữ chân giáo viên và rất khó tuyển dụng mới.


Bên cạnh đó, do không có quy định về chức danh bảo mẫu ở các trường mầm non nên việc tuyển dụng bảo mẫu lại càng khó vì bảo mẫu không được đưa vào định biên, thu nhập thấp. Trong khi đó, bảo mẫu rất cần ở các trường mầm non để đảm bảo công tác chăm sóc, vệ sinh cho trẻ. Hiện trên 80% các lớp mầm non không có bảo mẫu nên hầu như giáo viên phải kiêm luôn các công việc của bảo mẫu.


Qua khảo sát tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết: Thực trạng ở nhiều trường mầm non là, giáo viên phải đi làm sớm hoặc tranh thủ lúc học sinh nghỉ trưa để dọn dẹp nhà vệ sinh, lau chùi sàn nhà, dọn dẹp phòng học... Giáo viên phải làm thêm quá nhiều việc thì không thể tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và không thể theo sát để đảm bảo an toàn cho trẻ.


Hiện thành phố có 9.066 lớp mầm non với 293.053 học sinh và 10.825 giáo viên mầm non, bình quân 1,19 giáo viên/lớp. Nếu theo quy định của Bộ GD & ĐT là phải có


2 giáo viên/lớp thì số giáo viên còn thiếu hơn 7.000 người. Đó là chưa xét đến quy định của Bộ là


2 giáo viên/lớp từ 25 - 30 học sinh, trong khi đó hiện nay các lớp học đều quá tải, với số lượng học sinh trung bình là 50-55 trẻ ở các lớp trong nội thành, ở ngoại thành là 40-45 trẻ/lớp.


Cô Chu Bích Phượng - Phó trưởng phòng GD & ĐT quận Tân Phú bày tỏ: Ngành Giáo dục mầm non từ lâu nay chịu nhiều thiệt thòi, bên cạnh nhiều giáo viên phải làm công việc của các bảo mẫu, các giáo viên còn phải làm luôn các công tác đoàn thể, khuyến học, hội chữ thập đỏ... vì ở bậc mầm non không có những cán bộ phụ trách các lĩnh vực này. Ở nhiều cấp học khác giáo viên có thể dạy một buổi nhưng giáo viên mầm non phải dạy cả ngày, trong khi đó thu nhập của giáo viên mầm non gần như là thấp nhất. Công việc nhiều, thu nhập thấp đã làm nản lòng không ít giáo viên.


Có ý kiến cho rằng, nên tăng số lượng tuyển sinh vào ngành Giáo dục mầm non để nâng số lượng giáo viên lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số người đăng ký dự thi vào ngành Giáo dục mầm non ngày càng giảm vì với thực trạng đời sống của người giáo viên mầm non thấp như hiện nay thì không thu hút được thí sinh đăng ký thi vào ngành này.


Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: Ngành Giáo dục mầm non đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong một lúc, khó có thể giải quyết hết tất cả các vướng mắc đang tồn tại. Tuy nhiên, trước mắt cần giải quyết các vấn đề cấp bách như đảm bảo đủ trường lớp cho trẻ học tập và nâng cao đời sống giáo viên để đảm bảo việc dạy và học cho trẻ và thực hiện được phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.


Theo Petrotimes

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thí điểm phát triển thiết bị dạy học tự làm giáo dục mầm non và phổ thông (23/11)
 Góc khuất phía sau nghề gõ đầu trẻ. (22/11)
 Giáo viên đoạt giải Võ Trường Toản năm 2011 - Những chuyến đò chở nặng yêu thương (21/11)
 Nhọc nhằn "luyện công" thành cô nuôi dạy trẻ (18/11)
 Ưu tiên trẻ 5 tuổi – trẻ nhỏ hơn học ở đâu? (17/11)
 Chính sách nào để cải thiện đời sống cho giáo viên mầm non? (16/11)
 Thiếu chỗ xây trường mầm non. (15/11)
 Khai trương phòng học tiếng Anh mẫu ActivClassroom với công cụ hỗ trợ dạy và học hiệu quả (15/11)
 Giáo dục mầm non cần được quan tâm hơn. Bài cuối: Hiện thực hóa các chính sách với giáo dục mầm non (14/11)
 Giáo dục mầm non cần được quan tâm hơn-Bài 2: Lương thấp phải tìm cách “xoay” (11/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i